15:32 - 13/12/2019
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cá da trơn tại Mỹ
Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Phóng viên đã phỏng vấn ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ.
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quyết định vừa qua của bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ?
– Đây là một quyết định hết sức đúng đắn, dựa trên kết quả đánh giá, phân tích, không chỉ hệ thống các quy phạm pháp luật, các quy định của Việt Nam về đảm bảo chất lượng mà còn dựa kết quả của các đoàn khảo sát thực tế của phía Mỹ tại các cơ sở nuôi, chế biến thủy sản của Việt Nam, cũng như làm việc trực tiếp với bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản tới rất nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như là EU, Nhật Bản và Australia, do vậy, việc chúng ta chủ động xây dựng hệ thống các quy định, cũng như triển khai đồng bộ các biện pháp để đảm bảo chất lượng của quá trình nuôi và chế biến, bảo quản, xuất khẩu cá da trơn, đáp ứng nhu cầu thực tại của Việt Nam mà đã được thừa nhận nhiều năm qua. Trên cơ sở đó thì phía Mỹ đã công nhận hệ thống đảm bảo chất lượng cá da trơn của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ.
– Vậy quyết định này có tác động như thế nào đối với các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ?
– Ở đây có hai nhóm đối tượng có tác động trực tiếp. Trước hết là người nông dân, các hộ nuôi và các doanh nghiệp chế biến thủy sản, cụ thể ở đây là cá da trơn của Việt Nam. Việc công nhận tương đương cá da trơn mở ra thị trường ổn định và phát triển cho cá da trơn, cụ thể là cá Tra và cá Basa của Việt Nam.
Thứ nhất là ổn định vì theo quy định của phía Mỹ thì hết năm 2019, nếu nước nào không được công nhận tương đương về đảm bảo chất lượng thì sẽ bị dừng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và như vậy, với quyết định vừa qua thì chúng ta đã được công nhận chính thức quyền được xuất khẩu sang Mỹ một cách ổn định, lâu dài.
Thứ hai đó là về mặt thị trường thì việc các cơ quan chức năng của Mỹ chính thức công nhận việc đảm bảo chất lượng các sản phẩm cá da trơn của Việt Nam một lần nữa khẳng định uy tín sản phẩm cá da trơn của Việt Nam tại thị trường Mỹ, tăng thêm niềm tin đối với các nhà nhập khẩu cũng như là người tiêu dùng Mỹ. Quyết định vừa qua đảm bảo cho các nhà nhập khẩu Mỹ một cái niềm tin và do đó sẽ khẳng định được và giữ vững thị trường ổn định cho cá da trơn Việt Nam tại Mỹ.
– Theo quy định, sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn Việt Nam và hoàn toàn có thể rút lại quyết định này, vậy phía Việt Nam cần phải làm gì để tránh điều này xảy ra, thưa ông?
– Việc phía Mỹ chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát chất lượng cá da trơn của Việt Nam là một tin vui khẳng định chất lượng cũng như hệ thống của chúng ta trong kiểm soát chất lượng. Điều này cũng khẳng định nỗ lực tự thân của phía Việt Nam trong nhiều năm qua để nâng cao cũng như đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu nói chung, không chỉ riêng thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một thách thức đối với chúng ta từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cho đến các hộ nuôi thủy sản trong việc phối hợp chặt chẽ và thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, hệ thống các biện pháp để đảm bảo chất lượng của cá da trơn nói riêng cũng như thủy sản xuất khẩu nói chung, để đáp ứng nhu cầu không chỉ của thị trường Mỹ mà của cả thị trường xuất khẩu lớn khác như EU, Nhật Bản hay Australia.
Chúng ta cũng biết rằng là quyết định công nhận tương đương của phía Mỹ được thực hiện đơn phương trên cơ sở các quy định pháp luật của Mỹ do vậy quá trình kiểm tra sẽ được thực hiện thường xuyên. Nếu Việt Nam hay các nước xuất khẩu khác không đảm bảo duy trì được hệ thống chất lượng của mình tương đương với yêu cầu của phía Mỹ thì các cơ quan chức năng Mỹ hoàn toàn có thể rút quyết định về tương đương, hay nói cách khác, việc xuất khẩu thủy sản của chúng ta sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn.
Do vậy, việc duy trì và khẳng định được chất lượng sẽ là lợi ích tự thân, là nghĩa vụ, đồng thời là cơ sở để chúng ta có thể xuất khẩu một cách bền vững, cùng với đó là nâng cao giá trị gia tăng của thủy sản xuất khẩu với chất lượng cao hơn, với nhóm mặt hàng phong phú hơn và với nhiều giá trị thiết thực hơn phục vụ các nhu cầu phong phú của người tiêu dùng.
– Xin cảm ơn ông.
Theo VOV/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này