12:31 - 31/08/2016
Chư Sê từ chối sản xuất hữu cơ
“Sản xuất để ăn với vài chục trụ thì có thể sản xuất hữu cơ, còn muốn sản xuất hàng hoá, bắt buộc phải sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu”, ông Hậu thú nhận.
Chư Sê là vựa tiêu lớn nhất tỉnh Gia Lai nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung. Nhưng theo ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch chi hội Hồ tiêu Chư Sê, thì vùng này đã không thể sản xuất tiêu, càphê, cao su… theo tiêu chuẩn hữu cơ được vì nhiều lý do: đất đã bạc màu, sâu bệnh nhiều, nông dân phải có lời…
Theo ông Bính, mỗi gốc tiêu “ăn” trung bình 1,5kg phân bón/năm, còn thuốc trừ sâu “không tính được” vì theo diễn biến của sâu bệnh từng năm.
Còn càphê, theo bà Chín Quang ở thị trấn Chư Sê, một gốc mỗi năm cũng “ăn” từ 3 – 5kg phân hoá học.
Với chi phí phân bón như vậy, bà Quang cho biết nếu càphê bán với giá trên 40.000 đồng/kg nhân xô thì mới có lãi nhẹ.
Ông Hậu, trú tại thôn 2, xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai, cho biết đã thử nghiệm sản xuất không phân hoá học và không thuốc trừ sâu cho vườn tiêu 200 trụ nhưng thất bại.
“Sản xuất để ăn với vài chục trụ thì có thể sản xuất hữu cơ, còn muốn sản xuất hàng hoá, bắt buộc phải sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu”, ông Hậu thú nhận.
Ông Bính nói rằng, hiện nay chi hội Hồ tiêu Chư Sê đang xây dựng mô hình sản xuất tiêu sạch theo nguyên tắc bốn đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng – nồng độ, đúng lúc và đúng cách.
“Mục đích chúng tôi là làm sao tiêu khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu… dư lượng kim loại nặng ở mức thấp nhất”.
Mô hình này được thực hiện tại thôn Ia Ring, (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) với quy mô diện tích là 50ha, với 75 hộ tham gia.
Theo ông Bính, đây là mô hình liên kết sản xuất, ngoài nông dân còn có doanh nghiệp tham gia: công ty Quế Lâm Tây Nguyên chịu trách nhiệm cung cấp phân bón và tiêu thụ sản phẩm và công ty BVTV Sài Gòn chịu trách nhiệm cung cấp thuốc BVTV.
Nhân viên của hai công ty phải giám sát vườn tiêu trong dự án này để kê toa theo nguyên tắc bốn đúng.
Dự án này do cục Kinh tế hợp tác (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chỉ đạo, được thực hiện từ năm 2016 – 2018.
Ngoài việc được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, những nông dân tham gia mô hình này còn được xây dựng nhà kho, hỗ trợ vốn để mua phân bón.
“Sản xuất hữu cơ cây tiêu không thể thực hiện được. Chúng tôi vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch vừa hiệu quả, vừa đảm bảo giá trị thương hiệu tiêu Chư Sê từ tiêu thụ nội địa đến xuất khẩu”, ông Bính chia sẻ.
Song Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này