
09:11 - 09/01/2020
Cá tra ùn ứ từ ao nuôi, nhà máy đến kho lạnh
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố mười sự kiện nổi bật xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam 2019, trong đó có sự kiện lao dốc của con cá tra.
Không còn kho chứa
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cho hay, đầu ra con cá tra đang gặp khó ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Hiện nay, do gần đến tết Nguyên đán, nhà nhập khẩu không mua hàng nên tình hình xuất khẩu cá sang Trung Quốc đã ngưng, chờ qua tết mới nối lại, nhưng dự báo năm nay nay tiêu thụ cá ở thị trường này không mấy sáng sủa. Theo bà Phan Gia Mẫn, phụ trách kinh doanh công ty TNHH XNK Vũ Thạnh, đầu năm 2019 do nguồn cung cá tra khan hiếm, giá tăng cao nên thương nhân Trung Quốc tranh thủ nhập khẩu để đầu cơ. Điều này dẫn đến lượng cá tra tồn kho hiện giờ đang ở mức cao kỷ lục, ước tính còn không dưới 1.000 container.
“Nhà nhập khẩu tính toán phải mất ít nhất sáu tháng cho đến một năm sau Việt Nam mới khôi phục được sản lượng, nghĩa là đến quý 1/2020 may ra mới có cá, nên từ cuối năm 2018 đầu 2019 họ tranh thủ mua vào trữ hàng để bán vào dịp tết Nguyên đán 2020”, bà Mẫn nói. Tuy nhiên, mọi chuyện xảy ra ngược với dự tính của họ. Người nuôi và DN Việt Nam đã đầu tư nuôi cá nhanh hơn dự kiến, kết quả là ngay trong giữa 2019, sản lượng cá tra bắt đầu tăng, kéo giá giảm nhanh về vùng trên dưới 20.000 đồng/kg, giá xuất khẩu cũng giảm về dưới 3 USD/kg. “Với tình hình tồn kho ở Trung Quốc như hiện tại, tôi nghĩ xuất khẩu cá tra sang đây trong các tháng đầu 2020 sẽ không có cải thiện gì nhiều”, bà Mẫn dự báo, đồng thời dẫn chứng ngay như công ty của bà, lúc thị trường Trung Quốc còn hút hàng, mỗi tháng xuất 30 – 40 container, nay chỉ còn hơn 20 con. “Một khách giảm hai container, năm khách là mất mười container rồi, không biết các tháng tới sẽ giảm thêm bao nhiêu nữa”, bà này cho biết thêm.
Một số DN khác ở Tiền Giang, An Giang cũng thông tin tồn kho cá tra đang ở mức cao kỷ lục, cả dưới ao, trong kho nhà máy và hệ thống kho lạnh. “Có DN phải chuyển cá xuống tận các kho ở Cà Mau để gửi rồi”, đại diện một DN cá tra ở Tiền Giang, nói hiện giờ hầu hết các kho gần vùng nuôi, trong đó có TP.HCM đã đầy ắp cá tra. “Giá cá còn dưới 20.000 đồng, trong khi Trung Quốc ăn chậm, thị trường Mỹ cũng giảm 50%, các thị trường khác mua lai rai và giá xuất khẩu thì xuống thấp, nên DN buộc phải tồn kho”, vị này thông tin thêm.
Sau thời gian cá khan hiếm, tăng nóng hồi năm 2018, đã có khá nhiều DN tự đứng ra tổ chức vùng nuôi hoặc liên kết với dân để chủ động nguyên liệu. Điều này đang gây khó khăn cho họ, bởi áp lực tài chính từ khâu nuôi đến việc phải tồn kho ngày càng phình to. Bà Phan Gia Mẫn tính toán cứ mười container (tương đương khoảng 250 tấn cá) gửi kho lạnh trong một tháng, sẽ phải trả phí khoảng 180 triệu đồng. “Phí lưu kho tính theo ngày, để càng lâu phí càng tăng, làm đội giá thành sản phẩm và lúc đó càng khó bán”, bà Mẫn chia sẻ.
Chưa có con số thống kê cá nguyên liệu và thành phẩm còn tồn trong kho là bao nhiêu, nhưng chắc chắn một điều là vùng nuôi và sản lượng nguyên liệu trong năm 2019 đã tăng hơn 30% so với hồi 2018, trong khi lượng cá tra xuất khẩu năm 2019 chỉ ngang năm 2018, còn doanh số thấp hơn 12%, đạt khoảng 2 tỷ USD. Đến giờ vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ kết quả này, đã có tính toán sai, sản lượng và doanh số không cao như vậy do thị trường xuất khẩu chính là Mỹ sụt giảm mạnh 49%, còn 282 triệu USD, còn Trung Quốc thì mua cầm chừng…
Đổ vỡ lặp lại?
Cách đây ba năm (năm 2016), giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rớt thê thảm, có thời điểm xuống 18.500 – 20.500 đồng/kg, người nuôi thua lỗ, bỏ nuôi. Thời điểm đó, hàng loạt đại gia nuôi cá, các DN chế biến, xuất khẩu gặp khó khăn, có ông phá sản, thua nợ đến mức phải trốn ra nước ngoài. Ngân hàng xiết nợ hàng loạt. Tới năm 2018, từ chỗ bỏ nuôi nên nguồn cung khan hiếm, khiến cho giá cá tăng chóng mặt, cuối năm 2018 lên tới 36.500 đồng/kg. Giá cá tăng lại kích thích người nuôi và DN dồn hết vốn vừa kiếm được lao vào nuôi cá. Kết quả là cả ngành cá lao dốc như hôm nay.
Người ta nhẩm tính giá thành nuôi cá hồi đầu năm 2019 lên tới 26.000 – 27.000 đồng/kg, nay bán 20.000 đồng sẽ lỗ 6.000 – 7.000 đồng, nhân với hàng triệu tấn nguyên liệu sẽ ra con số thất thu lớn khủng khiếp. Ngoại trừ số ít người dành dụm được vốn tự có để nuôi cá, còn lại, đa số là vốn vay ngân hàng. Nghe đồn có những DN ở Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ đang nợ ngân hàng cả ngàn tỷ đồng, nếu tình hình xuất khẩu không sớm cải thiện, hàng không ra và tiền không về kịp trả nợ đáo hạn, chắc chắn trong thời gian không xa nữa họ sẽ khó cầm cự. “Vấn đề là hàng tồn kho đang quá lớn, giá thành khá cao, trong khi giá xuất khẩu dự báo khó cải thiện, nếu chấp nhận bán rẻ sẽ chịu tổn thất lớn hơn”, một DN cho hay.
Ông Ngô Quang Trường, CEO công ty CP thuỷ sản Biển Đông, TP Cần Thơ, cho hay năm 2018 xuất khẩu vào thị trường Mỹ với giá gần 5 USD/kg, nhưng hiện tại chỉ hơn 3 USD/kg. Các nhà nhập khẩu nắm rất sát tình hình cá tra nguyên liệu trong nước. Họ biết nhiều DN đầu tư xây dựng vùng nuôi cá và chuỗi sản xuất cá tra, biết nhiều người nuôi không liên kết, luôn hoang mang bán tống, bán đổ thu hồi vốn để quay lại thương lượng, đè giá, gây bất lợi cho các DN chế biến xuất khẩu. Theo ông Trường, ngành cá cần có chiến lược giá phù hợp với sản lượng, chứ không thể cứ chạy theo sản lượng, không chú trọng đến nhu cầu và giá trị sản phẩm chế biến.
Bài toán nuôi ít – lời nhiều hay cứ bỏ công sức, tiền của ra nuôi với sản lượng nhiều tới mức dư thừa, bán rẻ để cùng nhau lỗ lã, cần phải được tính lại. Ông Trường cho rằng, chủ hộ nuôi cá phải đủ điều kiện được cấp mã số ao nuôi, gắn kết với DN chế biến, xuất khẩu, chứ không thể nuôi tự phát rồi tìm DN mua bán trôi nổi, hạ giá gây nhiễu loạn thị trường. Ông đề xuất: “Mỗi tỉnh có vùng nuôi cá tra cần xây dựng trung tâm cung cấp con giống đạt chuẩn và cơ sở ương nuôi cá giống có kiểm soát chất lượng, có sản lượng cá giống cung ứng và cam kết để vùng nuôi đảm bảo cân đối cung – cầu, tạo giá trị sản phẩm cá tra, thì tình hình mới có thể sáng sủa hơn”.
Bảo Anh – Đức Toàn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này