09:33 - 10/05/2017
Cá tra cũng đu dây sang láng giềng
Sau nhiều tháng đổ dồn vào Trung Quốc, cá tra chính thức xem thị trường này là “người bạn thân thiết nhất để chơi”, đồng thời, “xếp” hai anh bạn truyền thống là Mỹ, châu Âu vào thứ yếu.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra trong quý 1 năm nay đã mang về 371,3 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Cũng trong quý 1, ngành cá tra chứng kiến sự bứt tốc tại thị trường Trung Quốc với mức tăng tỷ lệ xuất khẩu 56,8%, đạt 69,7 triệu USD. Như vậy, từ tháng 3 năm nay, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, vì cả hai thị trường truyền thống đều sụt giảm khá mạnh, trong khi Mỹ chỉ đạt 61 triệu USD, giảm 24,3%, còn EU giảm 21,5%, chỉ đạt 49,9 triệu USD.
Rõ ràng, việc Trung Quốc vượt cả Mỹ và EU đã cho thấy bản chất thị trường xuất khẩu cá tra thiếu sự ổn định cần thiết. Với Mỹ và EU, cá tra thâm nhập vào đây ngót nghét 20 năm, tuy có những thăng trầm nhưng vẫn là hai thị trường mang lại tên tuổi, giá trị cho cá tra Việt Nam. Những ngày đầu đi ra thế giới, cá tra chưa hề biết và xem Trung Quốc là chỗ đứng cho mình, có chăng, đích đến ở châu Á chỉ là Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra và Mỹ và EU vài năm gần đây đã bộc lộ quá nhiều vấn đề yếu kém, nổi bật nhất là sự đi xuống về chất lượng, là cạnh tranh không lành mạnh của giới doanh nghiệp xuất khẩu khiến loài cá chỉ có duy nhất Việt Nam có lợi thế nuôi trồng này trở nên rẻ rúng trong mắt người tiêu dùng.
Với thị trường Mỹ, nguyên nhân giảm sút xuất khẩu vẫn là câu chuyện thuế chống bán phá giá. Hơn một năm trở lại đây, dù bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cấp chứng nhận cho 40 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng trên thực tế, chỉ có vài ba công ty vượt qua được rào cản thuế chống bán phá giá để đưa hàng vào. Các doanh nghiệp đó là Vĩnh Hoàn, Nam Sông Hậu, Biển Đông và năm 2017 có thêm Hùng Vương, nhưng phải chịu mức thuế 40 cent/kg, vì là bị đơn bắt buộc (không thương lượng mua thuế). Để có được mức thuế chống bán phá giá 0%, lẽ đương nhiên là Mỹ sẽ chẳng bao giờ cho không ai cái gì. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải “sống chết” giành giật, thậm chí loại trừ nhau, và hàng năm, thông qua các văn phòng luật sư tại Mỹ, họ phải chi hàng chục triệu đôla cho nguyên đơn vụ kiện là hiệp hội Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). Các khoản chi tiền để mua thuế suất thấp buộc doanh nghiệp phải tính vào giá thành xuất khẩu, đây là bài toán khá đau đầu vì doanh nghiệp phải cân đối lượng cá xuất khẩu trong năm, nếu xuất không đủ sản lượng sẽ bị lỗ tiền mua thuế.
Những doanh nghiệp không bỏ tiền “mua thuế”, phải chịu thuế suất cao, muốn bán cá vào Mỹ cũng phải mua lại code từ những doanh nghiệp có thuế suất 0%. Giá cả mua code tuỳ thuộc vào mức giá mà doanh nghiệp đem bán đã phải chi bao nhiêu tiền cho CFA. Thường, một container được quy định 500 – 1.000 USD tuỳ năm, tuỳ thời điểm. Và như vậy, chỉ riêng thị trường Mỹ, dù lâu nay, mỗi năm xuất khẩu cá tra vẫn ba bốn trăm triệu USD nhưng để có con số này, doanh nghiệp phải đồng thời chịu hai lần mua thuế, một ở Mỹ và một ở tại Việt Nam. Thử hỏi, một thị trường tuy vẫn được mặc định là minh bạch, các giá trị thị trường được đánh giá là có luật lệ quốc tế cao mà vẫn tồn tại những chiêu thức phi thị trường như vậy, thì làm sao con cá tra có thể phát triển bền vững, xuất khẩu ổn định được. Chưa kể, ngoài rào cản thuế chống phá giá, thị trường Mỹ còn được đánh giá là thị trường khó tính nhất về hàng rào kỹ thuật, chất lượng.
Còn thị trường châu Âu, vốn đứng thứ 2 sau Mỹ nhập khẩu cá tra Việt Nam, thì đến nay cũng gặp rắc rối sau các vụ bôi bẩn chất lượng, bôi bẩn hình ảnh của giới truyền thông châu Âu. Thời gian qua, các vụ tố cáo cá tra nuôi trong môi trường ô nhiễm của giới truyền thông đều không có cơ sở, mang rõ hàm ý triệt hạ chứ không hề khách quan chút nào. Ấy vậy mà, các thông điệp bẩn này vẫn có tác dụng đánh vào tâm lý số đông người dùng lẫn giới kinh doanh châu Âu. Tất nhiên, nói đi thì phải nói lại, việc con cá tra “bị đánh” tại thị trường EU có một phần lý do nó được bán với giá quá thấp, thấp đến mức rẻ mạt khiến cho người ta phải nghi ngờ có sự gian dối trong quá trình nuôi và chế biến. Lâu nay, ở nhiều quốc gia châu Âu, người dân cũng nuôi trồng các loài cá nước ngọt và đương nhiên, chúng được ăn bằng thức ăn mang giá trị đồng euro, nên giá thành nuôi ra chúng phải cao hơn con cá tra và người dùng phải trả tiền gấp nhiều lần con cá tra là lẽ thường. Chính vì vậy, việc con cá tra chỉ được bán với mức giá ba bốn đôla/kg, thấp phân nửa, thậm chí là chỉ bằng 1/3, 1/4 cá nuôi nội địa đã gây ra cuộc cạnh tranh trực diện, khiến ngư dân châu Âu mất việc, nghề nuôi thuỷ sản gặp khó khăn, còn người dùng thì nghi ngờ về chất lượng nên cá tra “rất khó sống hoà thuận” được.
Sâu xa mà nói, lỗi này thuộc về ai, đó chỉ có thể là doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra môi trường cạnh tranh hạ giá bán để giành thị trường, giành khách hàng. Thử hỏi, nếu cá tra được kiểm soát chất lượng tốt, bán với giá cao vừa đủ để không gây ra cạnh tranh về giá với các loài thuỷ sản nội địa, thì những rủi ro đến từ truyền thông chắc chắn sẽ giảm chứ không thể nào lặp đi lặp lại như thời gian qua. Hội chợ Thuỷ sản quốc tế vừa diễn ra tại Vương quốc Bỉ cuối tháng 4/2017, VASEP cũng tổ chức họp báo để “nói lại cho rõ” những gì đang diễn ra với con cá tra là không đúng cho giới doanh nghiệp, truyền thông châu Âu hiểu. Nhưng doanh nghiệp cho rằng, với chỉ nhiêu đó là chưa đủ, mà phải cần tới hàng chục triệu đô là để làm hẳn một chiến dịch truyền thông rầm rộ thì may ra mới khôi phục lại được thị trường châu Âu.
Mệt mỏi ở Mỹ và EU, con cá tra rõ là đang chạy lòng vòng, đến nay thì đích đến của nó là Trung Quốc, nhưng thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cách thức thu mua và giá cả không ổn định. Bán cá tra sang Trung Quốc chỉ mong là được lúc nào thì hay lúc đó, chứ nơi đây chưa bao giờ đem lại sự an tâm lâu dài như Mỹ và EU dành cho con cá tra.
Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này