10:20 - 21/02/2019
Bộ Tài chính bắt đầu mua lúa gạo dự trữ tại các tỉnh ĐBSCL
Ngay từ 20/2, Tổng cục Dự trữ (Bộ Tài chính) đã bán hồ sơ gói thầu mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa dự trữ năm nay. 100% lúa và gạo dự trữ đều được mua từ các tỉnh ĐBSCL.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Đỗ Việt Đức cho biết mức giá mua dự trữ sẽ theo nguyên tắc thị trường và đảm bảo có lãi cho nông dân. Theo quy định, Bộ Tài chính sẽ đưa ra mức giá mua.
Từ mức giá đó, Tổng cục Dự trữ sẽ đấu thầu rộng rãi. Tiêu chuẩn chất lượng lúa, gạo đã có nên chỉ căn cứ vào năng lực của đơn vị tham gia và nhất là mức giá, doanh nghiệp nào đưa ra giá thấp nhất sẽ trúng thầu.
“Trên cơ sở khảo sát giá thị trường, tính toán các chi phí sản xuất…, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ đưa ra mức giá mua lúa, gạo tối đa. Ví dụ là X đồng/kg lúa cho vụ đông xuân năm nay thì Tổng cục Dự trữ sẽ công bố mức giá không cao hơn X đồng để đấu thầu.
Hiện chưa có mức giá mua lúa, gạo vụ đông xuân năm nay, bởi theo quy định Luật đấu thầu, Luật dự trữ, thời gian nhận hồ sơ thầu là khoảng 20 ngày, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu và công bố mức giá mua vào, nên giá đưa ra trước 20 ngày sẽ không sát với thị trường” – ông Đức giải thích.
Chậm nhất 15/3 sẽ đấu thầu
Về triển khai mua, ông Lê Văn Thời – phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ – cho biết chậm nhất là ngày 15/3 tới, Tổng cục Dự trữ sẽ công bố giá mua và tổ chức đấu thầu.
Ngành dự trữ sẽ khẩn trương tổ chức các công việc như nhận hồ sơ thầu, tổ chức đấu thầu nhanh nhất có thể để sớm mua lúa gạo vụ đông xuân, tháo gỡ khó khăn cho người dân ĐBSCL.
Về nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hùng – vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) – cho biết mua lúa gạo là một trong những mặt hàng mà các ngân hàng thương mại, nhất là 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank phải dành vốn cho vay. Không có chuyện không có vốn để cho vay mua lúa gạo. Hiện thanh khoản ngân hàng đang rất tốt.
Nếu chi nhánh ngân hàng thương mại ở các tỉnh ĐBSCL chưa thu xếp được vốn, ngân hàng mẹ phải điều chuyển vốn cho chi nhánh đó. Hạn mức tín dụng mua lúa gạo không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Quan trọng là doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh lúa gạo hiệu quả. Lãi suất cho vay mua lúa gạo thuộc lĩnh vực ưu tiên với mức 6,5%/năm.
Một ngày sau khi Chính phủ chỉ đạo về tiêu thụ lúa đông xuân, giá lúa tại ĐBSCL có nơi nhích nhẹ nhưng có nơi vẫn “nằm im”. Tại An Giang, ghi nhận ngày 20/2, giá lúa đã nhích lên khoảng 200 đồng/kg, thương lái đã mua nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Chơn (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) cho biết do thỏa thuận trước đó nên ông vừa bán lúa IR 50404 với giá 4.400 đồng/kg, trong khi nhiều hộ khác bán 4.530 đồng/kg.
Nhiều thương lái cho biết sau khi nông dân nghe tin Chính phủ mua lúa tạm trữ nên đã đòi giá lên mà chưa bán. Tại Đồng Tháp, giá lúa hiện tăng 50-100 đồng/kg. Cụ thể giá lúa tươi IR50404 dao động quanh mức 4.500-4.550 đồng/kg. Lúa hạt dài, lúa thơm cũng tăng nhẹ 100-150 đồng/kg. Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết thị trường lúa gạo vẫn chưa có chuyển biến gì.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này