09:17 - 13/03/2019
Bình luận thị trường: Giải mã khó khăn hàng rau quả Việt vào Trung Quốc
Xin bắt đầu trả lời câu hỏi này bằng câu chuyện xuất khẩu trái cây giữa Thái Lan, Malaysia và Việt Nam vào Trung Quốc.
Năm 2015, tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) công bố nghiên cứu về “Đáp ứng tiêu chuẩn, chiếm lĩnh thị trường” thuộc chương trình Phù hợp tiêu chuẩn trong mậu dịch quốc tế – TSC (Trade Standards Compliance). Theo nghiên cứu, từ năm 2000 – 2010, mậu dịch giữa các nước đang phát triển ở các châu lục Á, Mỹ và Phi đã gia tăng đến 320%, trong khi đó, con số này giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển (châu Âu, Mỹ, Canada) chỉ tăng có 132%. Hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ như “thỏi nam châm” hút các nhà xuất khẩu từPhi châu đến Nam Mỹ, Á châu.
Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ luận bàn về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Nhạy nhất trong nắm bắt xu hướng có lẽ là Thái Lan. Chương trình thu hoạch sớm có tên EHP (Early Harvest Program), liên quan đến hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, được Thái chuẩn bị từ năm 2002. Không dừng ở đó, tiêu chuẩn của Thái (ThaiG.A.P.) dành cho ngành trồng trọt được bộ Nông nghiệp Thái Lan mau lẹ diễn giải và đối chuẩn thành công với GlobalG.A.P. Thế là hàng hoá của họ ngập tràn các siêu thị lớn của Trung Quốc!
Không chịu chậm chân, năm 2007, thông qua thoả thuận thương mại song phương được ký kết giữa hai Chính phủ Trung Quốc và Malaysia.Và Malaysia đã có sự chuẩn bị toàn diện dẫn tới thành công sau đó.Chúng ta thử xem họ đã làm những gì?
Trước nhất, cơ quan chức năng phụ trách về nông nghiệp của Malaysia đạt được sự thống nhất với phía Trung Quốc các quy trình về kiểm dịch đối với trái cây của Malaysia xuất khẩu vào thị trường hơn tỷ dân này. Theo đó, Chính phủ Malaysia hỗ trợ và đăng ký các bên tham gia vào chuỗi giá trị trái cây xuất khẩu (nhà vườn, nhà đóng gói, nhà chế biến) thuộc chương trình thương mại song phương với Chính phủ Trung Quốc, đảm bảo doanh nghiệp của họ có thể thành công vượt qua các đánh giá liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của cơ quan chuyên trách AQSIQ phía Trung Quốc. Tiếp theo đó, Chính phủ Malaysia phát triển chương trình Đảm bảo chứng nhận vệ sinh thực vật (MPCA), dựa trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp vệ sinh thực vật (ISPM) do công ước Bảo vệ cây trồng quốc tế (IPPC) thiết lập. Như vậy, họ đã có sự chuẩn bị toàn diện, đầy đủ và thâm nhập một cách chuyên nghiệp vào thị trường Trung Quốc, vốn được cho là dễ dãi.
Không may mắn như Thái Lan hay Malaysia, trái thanh long Việt Nam, mặc dù được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu lớn, lại chịu kiếp long đong, bất định ở cả chợ Tây lẫn chợ Tàu, với cùng lý do liên quan đến kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật (SPS).
Nghiên cứu cho biết, nguyên nhân là do trình độ sản xuất của nhà vườn Việt Nam còn thấp, không thể đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kiểm dịch thực vật. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietG.A.P., với kỳ vọng đưa được thanh long vào được thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, GlobalG.A.P được nhà nhập khẩu tin tưởng hơn, mà VietG.A.P. lại chưa được đối chuẩn thành công với GlobalG.A.P, thế nên nỗ lực chưa đem lại được kết quả như mong đợi. Theo đánh giá của giới chuyên môn, xuất khẩu thanh long Việt Nam vào Trung Quốc hiện chỉ dựa vào ngoại quan, giá và hàng rào kiểm dịch thực vật (mà đến giờ không có bằng chứng rõ ràng là liệu các biện pháp kiểm dịch đang áp dụng có tương thích với các thực hành được quốc tế công nhận hay không).
Câu chuyện này cho chúng ta thấy, có lẽ đã đến lúc cần nhận định lại cách thức mà nông sản Việt đang đi vào các chợ, dù trong hay ngoài nước, dù dễ tính hay khó tính, ta cần phải chuyên nghiệp nếu muốn được hưởng lợi ích từ các hiệp định tự do thương mại.
Qua được rào cản thuế quan chưa phải là đích đến, ta còn phải tiếp tục vượt qua được các rào cản về kỹ thuật (chính là các tiêu chuẩn) và rào cản về kiểm dịch SPS, theo các thông lệ được quốc tế thừa nhận. Hội nhập về tiêu chuẩn chính là như vậy! Dĩ nhiên, còn có một yêu cầu cao nữa là công tác tiếp thị và thâm nhập các chuỗi phân phối toàn cầu, cũng đòi hỏi tính chuyện nghiệp rất cao.Tuy nhiên, chưa qua được cái ải về tiêu chuẩn chất lượng, thì mong gì nâng xuất khẩu chính ngạch?
Thái Lan đi trước Việt Nam gần 20 năm
Tháng 6/2003, Thái Lan và Trung Quốc ký kết một chương trình Thu hoạch sớm về các mặt hàng rau, quả và một số loại ngũ cốc. Chính phủ Thái Lan đã nhìn rất xa, dám chấp nhận một lộ trình cắt giảm thuế đối với nông sản rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Trên thực tế, Thái Lan đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, và hiện nay Thái đang chiếm lĩnh các kệ hàng siêu thị. Theo ký kết, ngay từ đầu tháng 10/2003, thuế suất áp dụng 188 mặt hàng rau, quả và hạt được xuất, nhập khẩu giữa hai quốc gia được cắt giảm xuống 0%. Chương trình Thu hoạch sớm trong nông nghiệp Thái Lan – Trung Quốc, là cam kết đầu tiên giữa Trung Quốc và một thành viên của hiệp hội ASEAN. Năm 2005, Thái đã tổng kết lại một hệ thống những trở ngại khi tiếp cận thị trường rau quả Trung Quốc:
Thứ nhất, hàng nhập khẩu Trung Quốc phải có giấy chứng nhận sản phẩm của Chính phủ Thái, nguồn gốc từ các nhà sản xuất đã đăng ký, được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thứ hai, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản Thái Lan, phải được Chính phủ Trung Quốc cấp giấy phép hoạt động và giấy phép nhập khẩu, thường chỉ trong vòng một tuần lễ. Mà mỗi giấy phép chỉ có thời hạn sáu tháng.
Thứ ba, vận chuyển hàng hoá bằng đường biển từ Thái Lan vào Trung Quốc rất khó khăn. Đường bộ lúc đó giao thông cũng khó, nên hàng Thái chỉ đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Côn Minh.
Những giải pháp được thực hiện
Thái Lan tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, dùng cả máy bay để chuyển hàng. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái đã ký kết với Chính phủ Trung Quốc các hiệp định chung về kiểm dịch động, thực vật và cơ chế kiểm tra hải quan một lần.
Việt Nam mới có tám loại trái cây được Trung Quốc công nhận.Và vì những giải pháp này, hệ quả là rau quả Việt xuất khẩu vào Trung Quốc lại giảm đi. Và bây giờ thách thức lớn nhất cho nông sản Việt Nam tại Trung Quốc là… nông sản Thái Lan. TL.TBKTSG
Kim Thanh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này