10:01 - 14/01/2020
Vĩnh Hoàn & tuần hoàn
Tôi trải qua 5 cuộc gặp chị Lệ Khanh ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng có 3 lần nghe và trao đổi với chị về “kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”.
Hơi ngạc nhiên khi người phụ nữ kinh doanh giỏi hiếm thấy ấy lại bắt đầu câu chuyện bằng lời cám ơn… một dòng sông: “Hơn 20 năm qua, tôi hầu như chỉ kinh doanh con cá tra. Cá tra sống dọc sông Mekong từ thượng nguồn đến hạ nguồn nhưng diệu kỳ ở chỗ khi dòng nước đổ về Việt nam thì con cá tra lại đạt chất lượng cao nhất. Tôi biết ơn dòng Mekong đã trao cho người dân Việt tặng vật quý giá vô cùng là con cá tra”.
Tôi thầm nghĩ, đây là người đàn bà bán cá giàu nhất nghề này. Doanh nghiệp mà chị là chủ tịch, công ty Vĩnh Hoàn, giờ có giá trị vốn hóa hơn 7.200 tỷ đồng, lớn nhất ngành xuất khẩu thủy sản.
Chuyện 3 trong 1 của Vĩnh Hoàn
Trò chuyện với chị để viết bài này 5 lần, nhận ra đằng sau gương mặt Nam bộ chân chất không son phấn là bản lĩnh kinh doanh cực nhạy bén và quyết liệt nhưng tôi không muốn viết lời ngợi khen dễ dãi. Và đọc nhiều cuốn sách, tài liệu về chị, tôi hào hứng với cảm nhận, ở chị là 3 trong 1, chuyện của một doanh nhân tiên phong, cũng là chuyện một doanh nghiệp dẫn đầu ngành mình trong một đoạn lược sử ngành xuất khẩu con cá bản địa nổi danh thế giới, con cá tra. Vĩnh viễn sống mạnh trên Hoàn cầu – Vĩnh Hoàn (VH), đó là ý nghĩa của cái tên công ty này, bà chủ Trương Thị Lệ Khanh giải thích.
Nói với các bạn trẻ khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, những người em đang nhìn ngắm cơ ngơi đồ sộ của bà chị giàu sụ, chị Lệ Khanh nhẹ nhõm nhắc 4 chữ T: trung thực và tuân thủ nhé các em.
Chị không giấu xúc cảm khi bày tỏ tình cảm với con cá giúp chị nên cơ nghiệp: “tội nghiệp con cá tra, đi tới đâu cũng bị cạnh tranh quyết liệt, thương tích đầy mình”, mà hình như con cá tra là ông trời giúp cho dân đồng bằng vì nhiều ưu điểm về cách nuôi, chi phí, nhiều protein lợi cho sức khỏe, thân thiện môi trường…
Mới đầu, nông dân An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang thu hoạch cá đem về nuôi trong ao nhà, thấy nhiều ưu thế vượt trội nên các doanh nhân bắt đầu nuôi. Rồi được các chuyên gia Việt nam và một loạt chuyên gia châu Âu như Pháp dạy cách ươm giống, sinh sản bằng kỹ thuật nhân tạo, Đan Mạch day cách nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và Thụy Sỹ đưa đi dự hội chợ thủy sản quốc tế. Kể lại, chị Lệ Khanh nêu không sót sự giúp đỡ của ai. Thành ra tôi không ngạc nhiên khi chị khẳng định: “Giá trị cốt lõi” của văn hóa VH là: Biết ơn”. Cuộc đấu tranh sống còn với các đối thủ mạnh là các Hiệp hội nuôi cá ở Mỹ hay châu Âu thực sự là bão táp mà người yếu bóng vía khó bình tâm. Hơn 15 năm phải tham gia từ vụ kiện bán phá giá đến vụ Farm Bill đặt điều kiện sản xuất của Việt Nam phải tương đồng với Mỹ cùng vô vàn khó khăn chừng như không dứt để vượt qua. Tuy nhiên VH vẫn đúng vững và phát triển đến hôm nay, liên tục giữ vững vai trò hàng đầu.
“Chúng tôi ngay từ đầu hướng đến trở thành công ty toàn cầu, đóng góp vào sự chuyển đổi của thế giới về thủy sản nuôi bền vững, mà tôi tin, thực phẩm cá tra sẽ tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm ngon, an toàn, tốt cho sức khỏe và không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Sản xuất song hành cùng môi trường, đó là điều khẳng định và làm nên sự khác biệt của VH. Tôi muốn người tiêu dùng không phải lựa chọn giữa thực phẩm ngon hay thực phẩm bảo vệ môi trường, mà cá tra VH là cả hai. Đó cũng là thế mạnh tạo ra sự khác biệt của Vĩnh Hoàn”. Một cách tự nhiên, chị nói về nỗ lực của VH như thế, cũng là quá trình nhiều năm tham gia nền kinh tế tuần hoàn. Mỗi năm chúng tôi xử lý chất thải hết 40 tỷ. Chất thải được chuyển thành đầu vào một chu trình trồng trọt mới và nước thải thì đi vào tuần hoàn, dùng để nuôi loài động vật khác. Một yêu cầu quan trọng của kinh tế tuần hoàn là giảm sử dụng nguyên, vật liệu và năng lượng, tìm cách tái chế hay sáng tạo thêm sản phẩm mới cho thị trường mới. VH đã làm điều này rất công phu. Bảy năm trước, VH bắt tay vào dự án chiết xuất collagen, gelatin từ da cá để tối ưu hóa giá trị phụ phẩm này. Đưa chuyên viên đi học ở các nước, năm 2012, VH được hội đồng khoa học của bộ Khoa học và công nghệ chứng nhận dây chuyền chiết xuất này là dây chuyền công nghệ cao và nhà máy xây sau đó (năm 2015) cũng đạt chuẩn GMP-WHO. Hiện các sản phẩm này đã xuất đi Mỹ, Thái, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Theo VH thì 4 nguồn lực của công ty để bảo vệ môi trường thì “môi trường lực” là quan trọng bên canh tiền bạc, con người và tâm lực. Bền bỉ nhiều năm, dù những ngày còn nghèo khó, VH rất siêng năng lấy các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất, giành lợi thế “khác biệt” bằng cách tự đặt mình dưới tất cả quy định ngặt nghèo nhất. Đọc chuỗi ký tự các tiêu chuẩn quốc tế mà VH được chứng nhận, tôi hiểu, bao công sức, tiền bạc để duy trì và tái chứng nhận hàng năm. Ai quen làm ăn cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì hiểu rằng đó chính là những câu “thần chú” linh nghiệm nhất. Hiện tại, Vĩnh Hoàn đang dẫn đầu trong số lượng các vùng nuôi đạt chứng nhận tại Việt Nam với diện tích vùng nuôi đạt chứng nhận Aquaculture Stewardship Council (ASC), Best Aquaculture Practices (BAP), Global GoodAgricultural Practice (GlobalGAP) đã lần lượt đạt 140 ha, 155 ha, và 180 ha; tốc độ mở rộng năm 2016 so với 2015 tương ứng đạt 100%, 88%, và 93%.
Giá trị cốt lõi của VH là 5 chữ C: cam kết, cải tiến, cống hiến, chia sẻ, chuyên nghiệp và văn hóa “biết ơn” cũng là “cốt lõi của cốt lõi” của nền văn hóa tuần hoàn đó. Tôi chú ý đến những câu hiệu lệnh giản dị mà kiên quyết: “Các ứng dụng công nghệ để kiểm soát tác động đến môi trường để có giải pháp xử lý thông minh” gồm: kiểm soát hoàn toàn các thông số trong quá trình nuôi, tối ưu hóa điều kiện vệ sinh, tách biệt với các yếu tố liên quan môi trường và khí hậu, sản xuất ổn định và dễ dự đoán.
Tuần hoàn của kinh tế Việt Nam
Mới đây, tháng 8/2019, 1.500 đại biểu đại diện các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ và các tổ chức nghiên cứu khắp Đông Nam Á đã họp bàn việc hợp tác để giải quyết các hạn chế tài nguyên thông qua nền kinh tế tuần hoàn, với hội thảo chủ đề: “Sự hợp tác cho hành động”. Với dân số ngày càng tăng, thế giới dự kiến sẽ đạt khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050, sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng bất chấp nguồn lực hữu hạn. Vì thế nền kinh tế tuần hoàn nhắm dự báo và giải quyết vấn nạn này. Nhưng nền kinh tế tuần hoàn vẫn là một khái niệm mới đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ Công Thương Việt Nam đang trong quá trình soạn thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, có thể sẽ được thực hiện vào năm 2021- 2030.
Chính phủ và tư nhân cần hợp tác. Và sẽ có nhiều điều luật, chính sách phải thay đổi để định hướng sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm hơn.
Nền kinh tế tuyến tính cần chuyển sang là nền kinh tế tuần hoàn. Vật liệu, nguyên liệu sử dụng phải giảm đến mức hợp lý, sản phẩm tái chế, sửa chữa, sáng tạo thành sản phẩm mới giá trị cao hơn với thị trường mới; chất thải được xử lý triệt để, trở thành đầu vào của chu trình sản xuất khác, từ đó mô hình kinh doanh cũng thay đổi: cho thuê thay vì bán và kích thích mua quá nhu cầu càng tốt; yêu cầu ngay từ vật liệu, nguyên liệu phù hợp kinh tế tuần hoàn, từ đó, luật pháp để định hướng một nền kinh tế khác cũng được xác lập.
Việt Nam vốn là nền kinh tế dựa trên thâm dụng tài nguyên, từ thiên nhiên đến nguồn nhân lực. Vì thế yêu cầu “chạy tốc lực” để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn là rất cấp bách. Khác biệt của VH là sản xuất luôn gắn với môi trường. Khác biệt của Việt Nam là thực hành việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, cần quan tâm cụ thể nơi từng con người, từng tổ chức, từng doanh nghiệp trong việc trong sạch hóa môi trường, chăm chút cho môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thói quen tiêu dùng ích kỷ, vô trách nhiệm, giảm xả bừa chất thải ra môi trường.
Những yêu cầu này lâu nay nói chung chung, nay cần thấy nước ta không thể đi ngược chiều với thế giới. Lớp trẻ sẽ quyết định bằng nhận thức và hành vi có trách nhiệm, dù nhỏ nhất là không tiếp tục tiện tay (và bất chấp) vứt rác ra đường và không thờ ơ mặc người khác làm vậy.
Trách nhiệm với Mẹ Thiên Nhiên ngay trong sinh hoạt hàng ngày chứ không chỉ khi vào nhà máy. KD không tàn phá môi trường, thiên nhiên và nhất là không lấy đi của ngành khác, của mọi người chung quanh và của thế hệ sau điều gì hết.
VH mong muốn đứng vững vĩnh viễn trên hoàn cầu. Đó cũng là mong muốn của đất nước ta, dù hôm nay vẫn đang là một nền kinh tế thâm dụng tài nguyên. Thay đổi, thực lòng và nhanh hơn, chính là thái độ cần lựa chọn.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này