08:57 - 31/12/2015
Ethephon: Truyền thông sai, doanh nghiệp lãnh đủ
Những thông tin thất thiệt về chất làm chín trái cây Ethephon trên các phương tiện truyền thông đã dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp và cả ngành nông sản.
Trước hết là chuyện dư luận cho rằng chất Ethephon độc ngang với hóa chất từ Trung Quốc.
Với những thông tin sai lệch như vậy khiến xã hội xôn xao, dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ cho nông dân cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng đó là những hệ lụy về việc truyền thông sai về chất tạo chín từ Ethephon chuyển thành Etylen.
Theo ông Viên, trong những năm 2012 – 2013, việc xuất khẩu nông sản chế biến của Việt Nam phát triển mạnh. Đến năm 2014, các thông tin từ truyền thông cảnh báo về nông sản “nhúng” hóa chất bắt đầu diễn ra, và bùng nổ và mạnh nhất là 2015.
Nhưng đến năm 2015 xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các sản phẩm như gạo, khoai, các loại trái cây… đều sụt giảm. Lý do là nghe cácthông tin cảnh báo trên truyền thông Việt Nam, các công ty nhập khẩu nước ngoài họ bắt đầu “siết lại”, và các nhà nhập khẩu đẩy Việt Nam vào nhóm xét nghiệm dư lượng như với hàng hóa Trung Quốc.
Hệ quả là, khi xét nghiệm “họ phát hiện ra rằng một số sản phẩm của Việt Nam có quá dư lượng”. Đầu tiên và bùng nổ nhiều nhất, là sản phẩm hồ tiêu. Theo ông Viên, kết quả kiểm định phát hiện một số lô hồ tiêu của Việt Nam có khoảng 20% dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Vì thế các nhập khẩu bắt đầu bị người tiêu dùng nước đó đe dọa, họ truyền thông cho nhau, từ đó tiếp tục và ảnh hưởng đến những loại nông sản khác, như gạo”, ông Viên nói trong một buổi tọa đàm mới đây về chất Ethephon tại TPHCM.
Nhưng nặng nề nhất trong các loại nông sản, theo ông Viên, khoai môn và khoai lang của Việt Nam. Khoai môn đang có giá từ 20 – 30 ngàn đồng/kg bị tụt xuống mức 4.000 đồng/kg.
“Tôi là người đi cứu ngành khoai môn ở An Giang, nhưng tới cuối cùng cũng không thể cứu nổi bởi vì giá tụt mãi, tới mức tôi phải dừng lại”, ông Viên kể. Trong khi đó, giá khoai lang cũng đang lao xuống, chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg.
Ông Viên khẳng định, đó là hệ lụy của việc truyền thông không đúng của chúng ta. Ngay sau những thông tin trong nước về nông sản nhúng hóa chất như thế, nhiều người tiêu dùng ở thị trường Bắc Mỹ, kể cả ở Châu Á, Trung Quốc bắt đầu dè dặt sản phẩm đến từ Việt Nam.
Ông Viên cho rằng người tiêu dùng bắt đầu đánh giá nông sản Việt Nam đứng số 2 sau Trung Quốc, theo nghĩa quốc gia có nhiều sản phẩm nông sản và thực phẩm nguy hại”.
Hệ lụy dẫn đến sự việc trở nên bế tắc hơn, nhất là những người làm xuất khẩu nông sản, trái cây ở Việt Nam. Ông Viên cho rằng, nếu những nhà xuất khẩu như ông đi trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ thì những nhà nhập khẩu tại đó phải mua bảo hiểm cho người tiêu dùng nước họ cao hơn nhiều nước khác.
“Trước đây, chúng ta cũng mua nhưng chỉ từ 5 – 15%, nay do Việt Nam bị xếp vào nhóm với Trung Quốc cho nên thuộc nhóm 50% trên chuẩn của mình”, theo ông Viên.
Trong khi đó, các nước trong ASEAN, hay Đài Loan được nằm ở nhóm từ 5 – 15%. “Vì thế, người làm xuất khẩu tại Việt Nam phải tìm ra ngách khác để vào”, ông Viên cho biết và giải thích thêm rằng Việt Nam phải bán qua các nước lân cận.
“Như chúng ta đã bán rất nhiều cho Thái Lan, Đài Loan, từ đó mới lấy các chứng nhận xuất xứ (C/O) ở đó bán đi”. Ông Viên kể, trong hội chợ hồi tháng 11/2015 ở Chicago (Mỹ), các nhà nhập khẩu nói với ông rằng, “tốt nhất nên bán hàng qua một nước khác rồi mới bán cho họ” để người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn. Còn nếu bán lấy nguồn gốc Việt Nam thì phải bán rẻ hơn nhiều so với khu vực.
Ông Viên tâm sự, rất buồn về những từ như “tắm hóa chất”, “nhúng” hóa chất mà truyền thông đưa ra đã gây ám ảnh cho những người xuất khẩu nông sản, trái cây. Giới truyền thông cũng không tìm hiểu kỹ xem, rất nhiều công ty lớn trên thế giới và tại Việt Nam cũng dùng Ethephon trong hoạt động sản xuất.
Ông Viên nhấn mạnh rằng phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Vì thế, trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối mà phải sử dụng các loại thuốc như Ethephon.
Trần Quỳnh
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này