15:18 - 24/10/2018
Tình thế hiểm nghèo, không chỉ chuyện ‘trái thanh long đổ cho bò’
Chiều thứ bảy 13/10, cùng hai bạn nữa ngồi trò chuyện với nông dân Vĩnh Long, trên kênh truyền hình trực tiếp qua sóng đài truyền hình tỉnh này, tôi được trực tiếp nghe người nông dân kể về nạn trái thanh long rớt giá và tình thế tiến thoái lưỡng nan của họ.
Không nghe đến hai tiếng “giải cứu”, nhưng câu chuyện đổ thanh long cho bò ăn hay bỏ mặc nó rơi rụng không buồn hái là quá đau lòng. Tôi đọc hơn 20 tờ giấy mà thư ký ghi các câu hỏi từ khán giả nông dân gọi về đài, có đủ tên, địa chỉ, số điện thoại từ các tỉnh khắp đồng bằng sông Cửu Long, như đọc rõ nỗi lo canh cánh trong lòng họ. Sao để cho trái cây nhập tràn lan và trái cây trong nước lép vế? Đất cằn, đất bệnh mà cứ trồng tới, biết nguy hiểm nhưng giờ làm sao? Có thuốc gì vuốt tai cho xanh, xịt trái cho bóng mà an toàn không? Liên lạc với ai để làm tiêu “chửn”, biết cần nhưng tốn một đống rồi bán ở đâu, bán cho ai?
Tôi có đứa cháu nhà ở Long An, lâu lâu gửi lên chục trái thanh long, viết giấy dặn dò khẩn thiết: “Trái này nhà trồng, chỉ trồng riêng một “khúm” để nhà ăn, thứ bán là khác, dì đừng mua thanh long ngoài chợ ăn”.
Ở cuộc họp, nghe họ hay nói nhiều nhất là từ NHÓNG. Tôi ghim hàng là nhóng giá, không ngờ giá bỗng giảm, rồi nhiều trái đổ bệnh, giá rớt, rớt riết, giờ trắng tay…
Nỗi khổ của nông dân là… thiếu thông tin, mà thông tin thì không biết kiếm ở đâu.Ai nói cho họ biết là mấy tỉnh tây nam bên Tàu đã tự trồng được thanh long đạt sản lượng cao, nên nhu cầu mua đã thay đổi. Ông Nguyễn Ngọc Nhân, giám đốc hợp tác xã chôm chôm Bình Hoà Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) kể: “Tôi nhìn 13.000 tấn thanh long xuất qua bển và biết họ đã thu hoạch 35.000ha thanh long, thì biết là mình phải làm gì rồi”. Nhưng có bao nhiêu người biết như ông Nhân để liệu đường tự tính? Lại thêm thực trạng là thanh long giờ trồng tràn lan khắp các tỉnh Nam bộ, nên số lượng quá thừa. Mà chất lượng lại vẫn bị vấn nạn dư lượng thuốc sâu. Ông Nhân kể tiếp, ông nghe nói trái cây đạt chuẩn GlobalG.A.P xuất khẩu hiện chỉ chiếm 0,5%. Muốn xuất khẩu đi châu Âu, thì họ cấm những loại thuốc nào, nông dân biết không và Nhà nước cấm nhập, cấm kinh doanh thuốc có nghiêm không?
Luật chơi chung của thế giới hiện nay là phải có tiêu chuẩn. VietGap cũng là một tiêu chuẩn nền tảng, trên cơ sở đó, nhà nhập khẩu sẽ đòi hỏi tiếp các chỉ tiêu của chính họ (như Huy Long An xuất chuối bền vững cho Nhật). Nhưng thực trạng nông sản hiện nay là “nạn không giấy tờ” sẽ cản trở mọi ngõ đường của người nông dân, vì ngay cả thị trường Trung Quốc, họ cũng bắt đầu đòi truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn. Những người nông dân vẫn đang “tự bơi”. Và khó đủ bề.Bán hàng cho siêu thị phải có dán nhãn hàng hoá, kiểm tra ngặt, mua số lượng ít và tiền thì neo hơn tháng. Còn xuất khẩu chính ngạch thì quá xa vời bởi nhiều điều kiện lắm.
Các chuyên gia có lời khuyên, thời thế đang thay đổi nhanh, bà con phải biết làm ăn minh bạch, dùng thuốc trong danh mục được phép, đúng liều lượng để tránh rủi ro. Tôi không thuộc nhóm người chỉ khuyên họ. Tôi thấy Nhà nước và các tổ chức xúc tiến, các hội đoàn phải làm công việc của mình trên chuỗi liên kết nông sản. Các nước đều phải làm như thế.Đừng nói là phải “giúp” nông dân. Chỉ cần anh làm tròn công việc của anh. Không có nước nào trên thế giới buộc nông dân tự biết hết thảy và tự… trắng tay hết thảy.
Thời khắc này là lúc nông nghiệp Việt Nam cần thoát nạn kêu gào giải cứu, và tình thế đã khá hiểm nghèo, không thể chần chừ. Bộ Nông nghiệp và các tổ chức liên quan cần có chiến lược chuyển đổi, tập trung nguồn lực đúng mức, vào đúng chỗ thực sự cần. Nông dân không thể tự đi nghiên cứu thị trường, nhận diện các thị trường tiềm năng, tự chọn tiêu chuẩn để xây dựng, tự trang bị các kiến thức nghiêm ngặt về chính sách, các thay đổi về đảm bảo an toàn, hay tự mình tham gia bán buôn trên không gian mạng, hay tự quản lý vùng trồng dù bằng những cái app đơn giản.
Cuộc tái cấu trúc nông nghiệp song hành cùng xây dựng nông thôn mới triển khai từ lâu, nhưng chúng ta cần có nhạc trưởng và đạo diễn cho dàn nhạc này cùng các tổ chức phụ trợ hiệu quả. Trong khi chờ mọi vị trí được xếp đặt lại, ai cũng nên làm ngay những công việc của mình để hạn chế rủi ro, tăng thêm cơ hội cho người nông dân như: cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu, sử dụng các quy trình quản lý hiệu quả, đưa họ đi các hội chợ quốc tế, để họ thấy rõ họ cần làm gì…
Cả một hệ thống làm thị trường, từ tham tán thương mại khắp các nước, các viện nghiên cứu thị trường, các tổ chức xúc tiến thị trường, các cơ quan R&D… vẫn nhận ngân sách lớn từ Nhà nước. Chúng ta có đủ nhưng mỗi đơn vị làm công việc của mình thế nào? Tất cả đều rất mạnh, mạnh nhất ở chỗ: mạnh ai nấy làm.
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này