22:42 - 28/11/2018
Vào chuỗi cung ứng toàn cầu để mở rộng thị trường xuất khẩu
Tham gia vào chuỗi cung ứng chính là cơ hội và giải pháp mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang vướng phải nhiều rào cản do hạn chế về khả năng cạnh tranh, nhất là chất lượng hàng hóa chưa phù hợp với các yêu cầu của thị trường.
Đây là thông tin được cho biết tại Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM, ngày 28/11.
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp hiện có của Việt Nam và chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đó có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở các mức độ khác nhau.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây, nhưng 70% giá trị xuất khẩu thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án USAID LinkSME cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng là do năng suất chưa cao, thiếu công nghệ sản xuất, thiếu chiến lược và nhân sự quản lý hiệu quả.
Trong khi đó, muốn kết nối hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp cần có nguồn lực, định hướng và hành động cụ thể trên mục tiêu dài lâu. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ trong việc kết nối với các nhà mua và cải thiện phương pháp vận hành doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng cần có giải pháp kết nối các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi, cập nhật cơ hội, thách thức từ xung đột thương mại toàn cầu, các dịch vụ hỗ trợ như bảo hiểm, kiểm định hàng hóa, logistics, thông tin doanh nghiệp…
Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể duy trì được đà tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu hiện nay và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các ngành sản xuất của Việt Nam trong dài hạn.
Dẫn chứng cụ thể, ông Tô Mạnh Linh, Phó Giám đốc thị trường, Vinacontrol Group cho rằng, muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần phát triển năng lực cạnh tranh, thỏa mãn nhu cầu người mua với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chứng minh hàng hóa của mình phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà người mua chấp nhận, đáp ứng được về cả số lượng, chất lượng, đặc tính, hiệu suất tính bền vững…
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ đơn thuần là thay đổi công nghệ mới, máy móc hiện đại mà quan trọng là phải cải tiến khâu tổ chức, thực hiện quy trình sản xuất, đầu tư đào tạo về nguồn nhân lực trong nhà máy.
Còn ông Takimoto Koji, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM nhấn mạnh, tham gia chuỗi cung ứng sẽ tạo ra giá trị tăng thêm cho cả bên mua và bên bán. Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nhờ ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc cung ứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam.
Nhân Phương (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này