
18:28 - 06/12/2018
Trái cây tươi đi châu Âu, quá khó?
Xuất khẩu trái cây tươi đi EU, khó nhất là phải giữ đầy đủ dưỡng chất, nguyên liệu an toàn, nguồn gốc minh bạch… nhưng ông Siebe Van Wijk, giám đốc The Fruit Republic (TFR, Hà Lan) đã xuất hàng này đi EU suốt bảy năm nay.
Tại KCN Hưng Phú 1 (Cái Răng, Cần Thơ), hàng được đóng thành từng kiện đưa vào kho lạnh. Các container sẽ được chuyển tới các siêu thị trong nước, xuất khẩu sang EU và Trung Đông. Tiêu chuẩn – chất lượng giữa các thị trường nội ngoại như nhau.
Năm 2012, TFR xây dựng nhà máy ở Cần Thơ, sau khi đầu tư 100% vốn lập công ty chuyên doanh trái cây tươi xuất khẩu tại Đà Lạt (2009). Kinh nghiệm xây dựng nông trại đạt chuẩn từ Đà Lạt được chia sẻ với nhà vườn Cần Thơ. Ban đầu nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến chỉ khoảng 20 tấn/ngày. Nhưng nay đã tăng gấp ba lần. Các nhà vườn đảm bảo trái cây không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đạt GlobalG.A.P hoặc Organic… và sản lượng cung ổn định hàng năm.
Khi 250 nhà vườn trồng và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy TFR “dứt khoát tách khỏi đám đông lạm dụng hoá chất”, mà chỉ chăm sóc vườn cây ăn trái tươi tốt theo quy trình do TFR hướng dẫn, thu hoạch bảo quản đúng cách thì công ty mới mua với giá cao hơn 10% so với giá trị trường bên ngoài cùng thời điểm.
Hiện nay, vùng nguyên liệu trái cây tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của TFR hơn 700ha. Ông Đỗ Minh Hiền, chuyên viên phát triển sản phẩm của TFR, cho biết, mỗi tháng, TFR mua 120 tấn bưởi, 50 tấn cam, 600 tấn chanh, 10 tấn mít… nên nhà vườn yên tâm.
TFR phải tìm bưởi năm roi tiêu chuẩn GlobalG.A.P. ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng; thanh long, cam, dưa hấu, chanh không hạt… ở nhiều tỉnh để tách múi, làm nước ép nguyên chất từ bưởi, khóm, xoài, mít… để cung cấp vào các hệ thống siêu thị Big C, Lotte, Park Hyatt, Novotel, Caravelle…
Đồng bằng sông Cửu Long có 300.000ha cây ăn trái với sản lượng gần 4 triệu tấn/năm, việc gia tăng sản lượng trái tươi ngon cần điều tiết đủ sản lượng theo mùa vụ (cả nghịch vụ và chính vụ) và đặc biệt, nhà vườn thực hành nông nghiệp tốt gia tăng, nguyên liệu chế biến xuất khẩu không bị “đứt hàng”.
Ông Hiền trăn trở: “Nhà vườn đang mắc kẹt trong cách tính: bằng mọi giá phải tăng sản lượng, trong khi việc chăm sóc vườn cây theo hướng an toàn cần chế độ phân bón phù hợp, tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp áp dụng IPM để cải thiện chất lượng lại mất thời gian dài”.
Kể ra, chuyện làm trái cây hữu cơ vẫn còn hàng ngàn chuyện đau đầu!
Đức Toàn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này