17:44 - 09/01/2019
Tiêu chuẩn & hội nhập: Sản phẩm tốt cần gì xuất khẩu
Năm 2018, báo TGTT từng viết khá nhiều gương mặt làm nông nghiệp có tiêu chuẩn rõ ràng. Nay nhìn lại, hầu hết đều đang gặt hái thành công.
Như vậy, sản phẩm nông nghiệp chỉ cần sản xuất theo tiêu chuẩn, tiêu thụ sẽ dễ dàng, thậm chí không đủ cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, đâu phải bàn đến việc xuất khẩu.
Mới đây, trong một lần đến thăm trang trại rau hữu cơ Happy Vegi ở Măng Đen, đại diện của chuỗi siêu thị Ân Nam (Annam Gourmet Market) đề xuất bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ân Nam được biết đến là siêu thị chuyên về thực phẩm hữu cơ và nguyên liệu nấu ăn chất lượng cao, được hình thành từ niềm đam mê về ẩm thực châu Âu của cặp vợ chồng người Pháp và Việt. Từ khởi đầu khiêm tốn tại một cửa hàng nhỏ với một vài sản phẩm, Annam Gourmet Market ngày nay đã và đang trên đà phát triển mạnh mẽ với một chuỗi cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Sở dĩ Ân Nam bao tiêu rau hữu cơ cho Happy Vegi, là vì sản phẩm sản xuất theo tiêu chí sáu không, đặt an toàn sức khoẻ lên hàng đầu. Bác sĩ Trần Ngọc Diệp, công tác tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, chủ nhân vườn rau Happy Vegi, chia sẻ nhu cầu thị trường về sản phẩm hữu cơ đang tăng, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của nông trại Happy Vegi, năm 2016, họ có 80.000 người sử dụng rau của nông trại. Con số tăng lên 120.000 trong năm 2017 và ở năm 2018, đã có tới 160.000 khách hàng thường xuyên mua sản phẩm của vườn rau này. Điều này chứng tỏ khách hàng quan tâm đến sản phẩm hữu cơ ngày càng nhiều và công việc trồng rau của bác sĩ Diệp đang có lãi.Trước nhu cầu ngày càng lớn, những người chủ của Happy Vegi phải mở thêm hai trang trại hàng nghìn mét vuông tại TP Vũng Tàu và Măng Đen (Kon Plong, Kon Tum).
Tương tự như thương hiệu rau Happy Vegi, mãng cầu Bà Đen (Tây Ninh) chuẩn VietG.A.P.mang thương hiệu Natani của luật sư Nguyễn Thế Tân cũng thường xuyên “cháy hàng”, dù làm ra cả trăm tấn mỗi vụ. Để có sản phẩm đạt chuẩn, Nguyễn Thế Tân thuyết phục người dân hợp tác, liên kết với công ty thay đổi cách sản xuất theo tiêu chuẩn rõ ràng (chỉ sử dụng phân vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học, thấp nhất là phải theo chuẩn VietG.A.P). Đến nay, Nguyễn Thế Tân có hơn 50ha sản xuất mãng cầu chất lượng, mang thương hiệu Natani bán ở hệ thống các siêu thị Aeon, Big C, IMart, Saigon Co.op, cửa hàng 141 ở TP.HCM. Thu nhập của người dân trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn cũng tăng lên 200 triệu đồng/ha/năm. Cung không đủ cầu, dù nhóm của Nguyễn Thế Tân đã nghiên cứu sản xuất mãng cầu quanh năm, thay vì chỉ có hai vụ/năm như trước.
Một nhân vật khác cũng đầu tư sản xuất nông sản chuẩn chất, đó là Trần Phong Lan, chủ trang trại dưa lưới hữu cơ thương hiệu Hải Âu. Sau năm năm miệt mài, trang trại 4ha của Trần Phong Lan cho ra 200 tấn dưa lưới Nhật mỗi năm. Chưa cần xuất khẩu, dưa lưới Hải Âu trồng ra không đủ cung cấp cho hệ thống siêu thị tại TP.HCM, Cần Thơ, Nghệ An… Còn rất nhiều mô hình làm nông hướng đến chuẩn, chất, họ có thể là những người đi ngược xu thế lạm dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật mà bao đời nay người sản xuất vẫn quen xài. Vấn đề dễ nhận thấy là với những sản phẩm sản xuất theo chuẩn, nguồn cung cho thị trường nội địa không đủ, chứ đừng nói đến xuất khẩu. Nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng đang ngày càng tăng, với thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam, cơ hội dành cho người sản xuất đàng hoàng là không bao giờ vơi.
bài, ảnh Anh Tuấn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này