22:32 - 27/09/2018
Thực phẩm: Hiểu thị trường và xây dựng chất lượng để ra thế giới
Trong những hội chợ thực phẩm quốc tế, theo các chuyên gia thị trường, doanh nghiệp tham dự, họ đều nghiên cứu trước những xu hướng mà thị trường cần, nên sản phẩm họ đem đến triển lãm, giới thiệu đều khá sát với thực tế, được đối tác quan tâm.
Điều này được ông Nguyễn Duy Long, chuyên gia của Hội DN HVNCLC và bà Châu Ngọc Hạnh – Quản lý cấp cao của Nielsen VN khẳng định tại hội thảo: “Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu” chiều ngày 26/9 tại TP.HCM.
Chương trình do Hội DN HVNCLC, Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Hội Lương Thực Thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức.
Xu hướng thực phẩm nhìn từ những con số khảo sát
Một số thông tin được bà Châu Ngọc Hạnh cho biết, cụ thể như, thực phẩm đóng gói từng là nguồn tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh, nay đối mặt với sức mua suy giảm. Tuy nhiên, vẫn có những mặt hàng thực phẩm còn duy trì tăng trưởng là xúc xích tiệt trùng, snack và sợi ăn liền.
Trong đó, xu hướng chung sắp tới là người tiêu dùng sẽ quan tâm đến những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, an khang; đến những mặt hàng cao cấp – không đồng nghĩa với việc tăng giá bán; và sự tiện lợi….
Những kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy có 37% người tham gia khảo sát xem sức khỏe là mối quan tâm và xếp thứ hai trong các mối quan tâm hàng đầu; 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ; 80% lo ngại về tác động sức khỏe lâu dài của các thành phần nhân tạo.
Bên cạnh đó, 83% chủ động lựa chọn chế độ ăn uống để ngăn ngừa tình trạng sức khỏe xấu; 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng…
Theo đánh giá của Nielsen, người Việt đang ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ và thông tin nhà sản xuất của những sản phẩm họ sử dụng. Phần lớn người tiêu dùng có nhìn nhận tích cực hơn về các công ty minh bạch về cách sản phẩm được sản xuất.
Một điểm nữa cũng được bà Hạnh chia sẻ, đó là tại Việt Nam ngày càng nhiều hộ gia đình nhỏ, nhưng có thu nhập tăng cao và tập trung sống ở thành thị.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng khai thác chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị dựa trên cơ sở tăng dần nhu cầu cho sự tiện lợi”, bà Hạnh cho biết.
Nhiều liên kết để có thực phẩm sạch
Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã và đang tập trung tăng cường kiểm soát hàng hóa nông sản, thực phẩm, rau củ, quả… vào các chợ truyền thống, đặc biệt là chợ đầu mối tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có những chính sách khuyến khích, ưu tiên đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và Giấy phép an toàn thực phẩm cung ứng hàng hóa vào các hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn…
Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) đã trình bày về “Thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”.
Theo ông Đà, đây là cơ hội giúp giúp doanh nghiệp và nông dân sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa đạt chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình, cho biết, để có thương hiệu cho nông sản, cần đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.
“Người sản xuất cần có sổ tay ghi chép rõ ràng, chi tiết về quá trình sản xuất. Chính sự minh bạch sẽ giúp tạo dựng niềm tin ở người mua. Sự trung thực và chất lượng thật của sản phẩm sẽ tự tạo được sự thu hút”.
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này