
10:18 - 06/09/2018
Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng: Giúp nông dân và DN có sản phẩm đạt chuẩn chất
Thời gian tới, Bộ KH&CN cùng với Hội DN.HVNCLC sẽ tập trung vào việc tạo nhận thức mới của xã hội và cộng đồng nông dân, DN về chất lượng nông sản và thực phẩm Việt Nam, từ đó thay đổi tư duy và cả hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Từ thành công dự án “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) triển khai, vận hành (tháng 9/2016 đến nay), Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) và hội DN.HVNCLC vừa có ký kết “thoả thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và DN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”.
Đây là chương trình đồng hành cùng DN, nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định trên thế giới. Hợp tác cũng là sự tiếp nối thoả thuận giai đoạn 2013 – 2018, nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng sức cạnh tranh DN, góp phần tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn thứ trưởng bộ KH&CN Trần Văn Tùng, cùng một số gương mặt DN tiêu biểu có sản phẩm vừa được biểu dương “Sản phẩm đổi mới sáng tạo vì an toàn của người tiêu dùng”.
– Thực trạng hiện nay các DN, nông dân khi sản xuất hàng hoá ít quan tâm đến các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, dẫn tới nhiều bất lợi trong cạnh tranh.Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Thực tế, trong những năm qua hàng hoá của Việt Nam có tiến bộ đáng kể về chất lượng, nhưng do thị trường ngày càng mở và hội nhập sâu, nên DN gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại ngay tại thị trường nội địa. Nguyên nhân chính vẫn là các DN chúng ta chưa thể hiện rõ sự cam kết giữ vững chất lượng phù hợp với yêu cầu của quốc tế. Còn không ít DN chưa ý thức được rằng, để sản phẩm của mình vượt qua rào cản kỹ thuật, dễ dàng tiến vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp của chúng ta còn sản xuất manh mún, chưa có sự đồng bộ cả chuỗi giá trị, người nông dân cũng chưa quan tâm đến tiêu chuẩn.
– DN còn e ngại làm theo các tiêu chuẩn tốn công sức cho các thủ tục, chi phí cao, giá bán chưa tương xứng, cạnh tranh không lành mạnh, DN chưa đủ tầm… và hàng ngàn lý do khác. Điều này đúng sai ra sao thưa ông?
– Theo khảo sát của trung tâm BSA gần đây, tôi đọc thì thấy họ ngại chi phí nhiều, đầu ra vẫn không ổn, thiếu nhân sự, và cả thói quen không phù hợp làm ăn đúng tiêu chuẩn. Thực tế chứng minh, dù DN nhỏ cỡ nào hay thậm chí là DN mới khởi nghiệp thì hoàn toàn làm tiêu chuẩn được. Tất cả đều nằm trong tầm tay, trong khả năng của DN nếu họ xác định rõ mục tiêu, xây dựng được giá trị cốt lõi, đầu tư có trọng điểm ngay từ đầu. Như công ty chế biến thực phẩm Ngọc Liên ở TP.HCM chẳng hạn. Họ là DN rất nhỏ nhưng từ khi bắt đầu sản xuất, họ đi theo tiêu chuẩn VietG.A.P, rồi dần dần xây dựng theo các chuẩn quốc tế. Cà pháo mắm tôm của họ vẫn được cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra, chứng nhận hàng năm. Điều quan trọng là chiến lược, là cái tâm, biết chú trọng vào sản xuất theo chuẩn chất hay không.
– Ông có thể cho biết, trước thực trạng trên, việc hợp tác với hội DN.HVNCLC để hỗ trợ DN, hỗ trợ nông dân xây dựng tiêu chuẩn chất lượng mang đến điều gì?
– Hội DN.HVNCLC là đơn vị có hơn 20 năm tư vấn, hỗ trợ DN nên có kinh nghiệm, thiết tha với công việc, chúng tôi tin sẽ phát huy được những năng lực cốt lõi, huy động được các đối tác phù hợp để thực hiện chương trình, mang lại hiệu quả tốt nhất như mong muốn. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, Bộ KH&CN ủng hộ vai trò của bên thứ ba là các hiệp hội DN, các đoàn thể tổ chức xúc tiến, mong họ chung tay, đồng hành trong việc tư vấn, hướng dẫn, khuyến khích DN, để DN và nông dân hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
– Vậy xin ông cho biết rõ hơn về mục tiêu và kế hoạch cụ thể của chương trình hợp tác này?
– Với thoả thuận khung này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tạo nhận thức mới của xã hội và cộng đồng nông dân, DN về chất lượng nông sản và thực phẩm Việt Nam. Cơ bản, qua thông tin, huấn luyện, tư vấn mà chương trình trang bị nhận thức sâu sắc về tiêu chuẩn cho nông dân và DN, từ đó thay đổi tư duy và cả hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Nền tảng để thực hiện việc này là dự án “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” do hội DN. HVNCLC triển khai, vận hành từ tháng 6/2016 đến nay.
– Vấn đề thời gian và kinh phí để thực hiện chương trình này sẽ như thế nào thưa ông?
– Bộ giao tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng làm đầu mối, còn bên hội DN.HVNCLC thì đối tác là trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) làm tổng hợp việc thực hiện. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình này sẽ do Bộ KH&CN, hội DN.HVNCLC, chính quyền các địa phương, nông dân và các DN hỗ trợ. Như vậy, với việc kiểm định chất lượng đã có cơ quan quản lý về tiêu chuẩn quản lý, về nguồn tài chính cũng rõ, và việc điều phối xúc tiến các hoạt động cũng được phân công rõ ràng. Giai đoạn 1 sẽ được triển khai từ quý 4/2018 và kéo dài đến hết năm 2020. Sau đó, sẽ bàn về việc phối hợp của giai đoạn tiếp theo. Tất cả cũng vì mục đích xây dựng nền tảng vững chắc cho chất lượng sản phẩm nông sản và thực phẩm Việt Nam, tạo bước ngoặt trong cạnh tranh hội nhập sắp tới.
– Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này