11:23 - 12/10/2018
Theo anh Takahiro Nunome lên Lâm Đồng học làm nông kiểu Nhật
Đảm nhiệm công việc điều hành chính tại trang trại hoa của Công ty Pan Saladbowl từ giữa năm 2016, anh Takahiro Nunome (35 tuổi, Nhật Bản) đã đến vùng đất Đa Nhim (huyện Lạc Dương, cách TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hơn 30km) để trồng hoa.
Công việc thường ngày tại trang trại của anh Takahiro là hướng dẫn công nhân cách trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa.
Nhờ anh Takahiro hướng dẫn chi tiết nên gần 40 công nhân, trong đó gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số, đã nắm vững kỹ thuật và các yêu cầu sản xuất hoa đạt chất lượng Nhật Bản.
Để vận hành trang trại hoa ổn định, anh Takahiro đã mang 70 giống hoa cẩm chướng và 50 giống hoa cúc từ Hà Lan, Tây Ban Nha, Colombia, Nhật Bản sang Việt Nam trồng thử nghiệm để chọn những giống phù hợp nhất sản xuất hoa xuất khẩu.
Hiện hàng tháng trang trại hoa ở Đa Nhim xuất khẩu gần 200.000 cành hoa cẩm chướng và cúc các loại, trong đó gần 70% được đưa sang thị trường Nhật Bản.
Có kinh nghiệm hơn 30 năm làm hồng khô ở TP Đà Lạt nhưng 5 năm trước, trong một đợt trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, bà Đặng Thị Thu Vân cùng nhiều nông dân khác được các chuyên gia của Tổ chức JICA (Nhật Bản) sang Đà Lạt giới thiệu công nghệ chế biến hồng sấy của Nhật Bản, mà theo bà Thu Vân đây là cách chế biến trái hồng hoàn toàn mới lạ đối với người Việt Nam.
Theo quy trình này, những trái hồng già sau khi thu hoạch sẽ được gọt sạch vỏ, sấy trong lò khoảng 3 giờ ở nhiệt độ từ 50 – 60°C. Từng trái hồng sau đó được kẹp gắn tách biệt, treo thành từng dây ngoài gió sấy tự nhiên trong điều kiện trời nắng ráo, kéo dài khoảng 3 tuần cho tới khi khô hẳn.
Với cách làm mới này, chỉ riêng gia đình bà Thu Vân đã chế biến khoảng 100 tấn hồng tươi mỗi năm.
Công nghệ mới được chuyển giao từ Nhật Bản đã mở ra hướng tiêu thụ đặc sản hồng trái; giúp thời gian chế biến hồng kéo dài, thay vì lượng hồng trái thường tập trung vào một mùa từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau; nông dân vì vậy cũng tránh bị ép giá vào mùa cao điểm.
“Khi hồng sấy lò truyền thống có giá khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg thì hồng sấy treo theo công nghệ Nhật Bản được bán 400.000 – 420.000 đồng/kg nhưng không có đủ hàng để cung ứng ra thị trường. Giá hồng sấy này cao hơn thông thường bởi có vị thơm, ngọt thanh tự nhiên, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Bằng cách thức sấy khô theo công nghệ Nhật Bản, giá trị của hồng sấy tăng lên rõ rệt”, bà Thu Vân tâm sự.
Vừa qua, được sự tài trợ của JICA, Công ty TNHH Himimeji Sàn giao dịch (Nhật Bản) phối hợp với UBND TP Đà Lạt xây dựng trung tâm nghiên cứu và nhân giống hoa, với phòng nhân cấy mô và khu vườn ươm giống, sản xuất hoa hiện đại rộng 2.000m2.
Dự án này do JICA tài trợ, có trị giá trên 21 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm. Sau khi dự án kết thúc, toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị sẽ được JICA chuyển giao cho UBND TP Đà Lạt quản lý và tiếp tục vận hành.
Để dự án đảm bảo hiệu quả, từ tháng 7/2018 đến tháng 2/2019, các chuyên gia thuộc dự án thường xuyên di chuyển giữa Nhật Bản và TP Đà Lạt, trực tiếp mở các khóa học, truyền đạt kinh nghiệm gieo trồng, sản xuất 2 giống hoa cúc và cẩm chướng.
Chị Trần Thúy Vân, cán bộ kỹ thuật tại trung tâm, cho biết: “Các cán bộ nông nghiệp và nông dân ở TP Đà Lạt sẽ được học cách chọn giống hoa để nhân giống trong phòng thí nghiệm và ươm giống ngoài đồng; cùng học kỹ thuật trồng trọt, cách ngăn ngừa sâu bệnh, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hoa cẩm chướng và hoa cúc đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngay cả khi các chuyên gia trở về Nhật Bản, nhưng họ vẫn cập nhật thông tin từng giờ về khu vườn tại xã Xuân Thọ qua internet”.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều dự án do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hoặc tài trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành.
Thông qua các doanh nghiệp Nhật Bản, những công nghệ từ đất nước Mặt trời mọc được áp dụng trong điều kiện thực tế tại địa phương, đã giúp người dân nơi đây tiếp cận công nghệ sản xuất mới. Với những người làm nông tại tỉnh Lâm Đồng, điều mang lại lớn nhất khi trải qua các khóa tập huấn từ các chuyên gia Nhật Bản, đó là học được cách thức tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất, quản lý nhân sự, vật tư, tài chính và thị trường.
“Nền nông nghiệp Nhật Bản đã được khẳng định vị thế từ nhiều năm qua, dù điều kiện tự nhiên của họ không thuận lợi như ở nước ta. Vì vậy, thông qua các trang trại do người Nhật đưa công nghệ cùng những mô hình chuẩn sang, người sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã học hỏi được cái gì sẽ phải làm, cái gì chưa làm được”, ông Lại Thế Hưng nhấn mạnh.
Theo Đoàn Kiên/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này