
15:48 - 19/12/2018
Ôi, tiêu chuẩn!
Tiêu chuẩn vừa khó hiểu, vừa mạnh ai nấy hiểu? Nhà trường phân công một thầy dạy kinh tế làm giám sát đề tài thạc sĩ của tôi về đánh giá hệ thống tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) chuỗi gà của Việt Nam.

Chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã trao chứng nhận cho 12 doanh nghiệp mới tại đại hội Hội DN.HVNCLC vừa được tổ chức ngày 1/12/2018. Ảnh: Tuấn Anh.
Tôi đã rất sốc khi thầy giám sát, một cách từ tốn, nói với tôi rằng, kiểu viết đậm chất hàn lâm kỹ thuật của tôi (lúc đó) làm cho thầy rất vất vả trong việc cố hiểu tôi đang muốn diễn đạt điều gì!
Có lẽ tôi sẽ quên bẵng việc này nếu không có một sự việc nhỏ xảy ra trong lớp học của tôi hồi tuần rồi. Khi tôi nói về nhà xưởng chế biến thực phẩm cần phải được thiết kế như thế nào, một học viên có cơ sở làm sản phẩm truyền thống chia sẻ rằng, mẹ của bạn ấy quanh năm suốt tháng chỉ có hai việc là gói bánh và đập phá sửa chữa theo yêu cầu của cán bộ quản lý ATTP! Tôi nói, tiêu chuẩn có quy định hết, sao không coi theo đó để làm cho đúng. Vậy là hai ba cơ sở khác đồng thanh nói rằng, họ có coi nhưng không hiểu gì hết! Tôi nghĩ, sao lại có thể như vậy, mọi thứ trong tiêu chuẩn “rõ như ban ngày”, dễ hiểu lắm mà.
Cách đây mấy năm, tôi có đi coi một xưởng chế biến phụ phẩm cá tra, tôi xém té vì cái nền gạch men trắng bóng loáng.Tôi hỏi, sao lót gạch men cho tốn kém, trơn trợt. Chủ nhà máy nói là tiêu chuẩn yêu cầu nền phải phẳng, sáng màu nên họ làm vậy, tôi đổ mồ hôi hột. Ôi, tiêu chuẩn!
Xâu chuỗi tất cả những sự việc này lại với nhau, tôi rút ra hai kết luận quan trọng.Thứ nhất, với các cơ sở sản xuất nhỏ, tiêu chuẩn là thứ xa vời, khó hiểu. Thứ hai, cùng một tiêu chuẩn nhưng không ai hiểu giống ai, hậu quả là khi có nhiều cán bộ khác nhau đánh giá cùng một cơ sở, việc đập phá, sửa chữa là điều gần như không tránh được.
Có cách nào giải quyết hai vấn đề này không? Tôi xin thưa là có.
Thứ nhất, theo tôi, với mỗi tiêu chuẩn ban hành cần thêm các tài liệu diễn giải. Việc diễn giải không thể thực hiện chung cho tất cả các loại hình sản xuất thực phẩm, vì rằng mỗi kiểu sản xuất hay sản phẩm/nhóm sản phẩm có đặc thù riêng, nên việc diễn giải phải dựa trên những đặc thù này để tạo thuận lợi cho cơ sở sản xuất khi áp dụng vào thực tế của họ. Để tài liệu diễn giải dễ hiểu đối với cơ sở áp dụng và sát với thực tế, ban biên soạn cần phải nói chuyện với nhà sản xuất. Ngôn ngữ diễn đạt trong những thể loại tài liệu này là ngôn ngữ bình dân, có hình ảnh minh hoạ là tốt nhất.
Thứ hai, trước khi tài liệu hướng dẫn được chính thức ban hành, bản dự thảo (là kết quả làm việc với nhà sản xuất ở điểm thứ nhất) cần được trao đổi thêm với cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý cơ sở đủ điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn, có như vậy mới tránh được việc sửa chữa nhà xưởng do cách hiểu, cách diễn giải khác nhau.
Cuối cùng, nhà sản xuất cần phải tích cực trong việc tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn và các tài liệu diễn giải. Nếu nhà sản xuất không đóng góp ý kiến, tiêu chuẩn và tài liệu sau khi ban hành sẽ không đúng với tình hình thực tế, người chịu thiệt thòi chính là nhà sản xuất.
Trong chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập năm 2019, song song với các nội dung xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vừa và nhỏ, hội sẽ triển khai các hoạt động xây dựng tài liệu diễn giải cho những nhóm sản phẩm khác nhau. Sự tham gia đầy đủ, tích cực của nhà sản xuất vào các dự thảo sẽ là chìa khoá giúp chính nhà sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn theo quy định về ATTP hiện hành của Nhà nước, sau đó là nâng cao năng lực sản xuất thực phẩm an toàn, đủ sức cạnh tranh với thực phẩm nước ngoài…
Kim Thanh (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
GĐĐH Cỏ May Singapore: Thực phẩm muốn vào Singapore phải có chứng nhận Halal
Chuyên gia Deloitte chỉ cách lập kế hoạch kinh doanh tích hợp – IBP
Công nghệ trồng rau củ hộ gia đình, tưởng dễ mà khó
Làm nông nghiệp tiêu chuẩn Thuỵ Sĩ
Quy trình chứng nhận thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn EU
Tin khác


Thuê đất để làm hột lúa hữu cơ

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này