14:44 - 23/05/2019
Nông – thủy sản Việt rộng cửa chinh phục thị trường Halal
Dự kiến đến năm 2030, quy mô của ngành công nghiệp Halal toàn cầu có giá trị lên tới 30,6 nghìn tỷ USD, riêng khu vực châu Á –Thái Bình Dương là 1.100 tỷ USD; trong đó, Malaysia là 228,5 tỷ USD.
Những sản phẩm nông – thủy sản của Việt Nam (trừ thịt lợn) cơ bản có thể đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo.
Khi sản phẩm Việt Nam đạt được chứng nhận Halal thì không chỉ có thể xuất khẩu vào Malaysia mà còn có cơ hội tiếp cận tới thị trường Halal toàn cầu với quy mô dân số dự kiến đạt 2,7 tỷ người vào năm 2020.
Mặc dù vậy, để tìm đường chinh phục thị trường Halal nói chung, xuất khẩu vào Malaysia nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu về thị hiếu, văn hóa bản địa của người tiêu dùng. Song song đó, đơn vị xuất khẩu cũng nên đầu tư phát triển khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc ITPC cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Malaysia liên tục tăng trưởng trong nhiều năm. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Malaysia và nước này cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khu vực trong khu vực ASEAN. Malaysia là thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng có thể khai thác.
Đặc biệt, doanh nghiệp nên bắt đầu kinh doanh quốc tế thông qua thương mại điện tử ngay cả khi doanh nghiệp đã có khách hàng đều đặn để tăng cơ hội khơi thông thị trường xuất khẩu. Bởi xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu quốc tế phổ biến tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa thông qua kênh thương mại điện tử. Đồng thời, kênh phân phối thương mại điện tử là tất yếu trong bối cảnh thời đại 4.0 hiện nay.
Thương mại điện tử là công cụ kinh doanh không thể thiếu đối với doanh nghiệp thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong thời đại hội nhập và công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay. Thương mại điện tử được tiến hành trên mạng nên không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, không phân biệt nhà cung cấp nhỏ hay lớn; hiện diện trên toàn cầu cho nhà cung cấp, lựa chọn toàn cầu cho khách hàng.
Đây là phương thức kinh doanh hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vươn đến những thị trường xuất khẩu mới, nhất là thị trường Halal đòi hỏi cung cấp đầy đủ thông tin, chứng nhận trước khi nhập khẩu sản phẩm. Ngoài ra, sự phát triển vượt bậc của Internet, các dịch vụ cung cấp đường truyền Internet, cùng với các thiết bị thông minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến và phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.
M.Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này