09:30 - 27/06/2019
Những cách thức vượt qua rào cản kỹ thuật
Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) khẳng định tiêu chuẩn giúp thuận lợi hoá thương mại, làm cho các quy trình thủ tục trở nên dễ dàng hơn, ngăn chặn việc gian lận và cải thiện chất lượng.
Tiêu chuẩn, theo định nghĩa của tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), là những thoả thuận được lập thành văn bản bao gồm các yêu cầu kỹ thuật hoặc những tiêu chí chuẩn xác được sử dụng nhất quán như là các quy định, hướng dẫn hoặc định nghĩa, nhằm đảm bảo rằng vật tư, sản phẩm, quá trình và dịch vụ phù hợp với mục đích sử dụng.
Tiêu chuẩn được phân thành hai nhóm: tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn cho quá trình. Hầu hết tiêu chuẩn áp dụng cho chuỗi sản xuất thực phẩm là tiêu chuẩn quá trình, tức là tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí về cách thức một sản phẩm thực phẩm được làm ra. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cũng được chia theo mục đích truyền thông giữa bên mua với bên bán (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối (B2C). Phạm vi bài viết chỉ bàn về tiêu chuẩn quá trình của chuỗi sản xuất thực phẩm đã được công nhận rộng rãi trong mậu dịch quốc tế.
Trước hết, thiết lập tiêu chuẩn quốc tế là một việc hết sức khó khăn, nguyên nhân chính là do sự khác biệt về hoàn cảnh, bao gồm khung pháp lý, điều kiện và phương thức sản xuất. Vì lẽ đó, để một tiêu chuẩn được thị trường quốc tế chấp nhận, ngoài yếu tố thực tiễn, có thể nói “chặt chẽ” và “tin cậy” là hai từ then chốt mà một tiêu chuẩn cần phải đảm bảo. Để hiểu rõ hai từ này, có thể dẫn ra vài ví dụ trong việc ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn quá trình tại Việt Nam.
Thực tiễn và tin cậy
Theo UNIDO (tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc), quá trình xây dựng tiêu chuẩn ở một quốc gia nên được thực hiện bởi tổ chức Tiêu chuẩn quốc gia (NSB). Việt Nam đã có tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tuy nhiên, một thực tế là các tiêu chuẩn như thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietG.A.P.), hay tiêu chuẩn về cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lại được ban hành bởi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và bộ Y tế.
Thêm vào đó, UNIDO cho rằng, ban kỹ thuật của NSB cần có đại diện của tất cả các bên liên quan, bao gồm đại diện từ khối tư nhân, người tiêu dùng, và giới khoa học. NSB cũng cần phải đại diện cho quốc gia hiện diện trong các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (CODEX Alimentarius, ISO).
Các tiêu chí này có thể hiểu là nhằm đảm bảo tính thực tiễn và độ tin cậy của tiêu chuẩn.Việt Nam không có bằng chứng cụ thể cho thấy ban ban hành tiêu chuẩn có đầy đủ các thành phần như quy định của UNIDO.
Chặt chẽ (robustness)
Về tính liên kết trên toàn chuỗi, có thể nói hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cho chuỗi sản xuất thực phẩm (nông hải sản) tại Việt Nam khá đầy đủ về mặt số lượng, nhưng lại thiếu chặt chẽ về chất lượng. Đơn cử chuỗi chăn nuôi, Việt Nam có tiêu chuẩn cho trại giống, nhà máy chế biến thức ăn, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào từng mắt xích chuỗi, giới chuyên môn ắt hẳn phải tự hỏi: liệu sự “đầy đủ” về số tiêu chuẩn có dẫn đến kết quả cuối cùng là sản phẩm thịt an toàn cho người tiêu dùng hay không?
Theo báo cáo nghiên cứu về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm trên chuỗi gà của hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – DN.HVNCLC (tháng 10/2018), vấn đề đầu tiên là các tiêu chuẩn được xây dựng đã không chọn cách tiếp cận dựa trên rủi ro, thể hiện ở việc không giám sát kháng sinh và hormone tăng trưởng (vấn đề nổi cộm đối với thịt gà) ở cả trang trại lẫn lò giết mổ. Không thấy quy định về trao đổi thông tin giữa trang trại và lò giết mổ, một yếu tố được cho là giúp kiểm soát tốt hơn quá trình nuôi và quá trình vận chuyển vật nuôi từ trang trại đến địa điểm giết mổ. Các phương pháp khoa học quản lý sức khoẻ vật nuôi, hay việc giám sát Salmonella trước khi xuất chuồng đã không được đề cập.
Một ví dụ khác là chuỗi thuỷ sản. Theo tiêu chuẩn quốc tế, thuỷ sản được chứng nhận sau khi ra khỏi trang trại nuôi sẽ tuân thủ tiêu chuẩn “Giám sát hành trình sản phẩm”, nhằm đảm bảo rằng thuỷ sản ở những mắt xích tiếp theo đúng là sản phẩm từ nguồn được chứng nhận, không có rủi ro trộn lẫn với sản phẩm không được chứng nhận. VietG.A.P. đã không đưa ra được cách thức kiểm soát hành trình sản phẩm.
Sự tham gia của khối tư nhân vào việc tiêu chuẩn hoá và quản lý an toàn thực phẩm
Trong báo cáo của UNIDO năm 2015 về “Phù hơp tiêu chuẩn, Chinh phục thị trường”, chỉ ra các tiêu chuẩn tự nguyện được phát triển bởi khối tư nhân đang ngày càng trở nên quan trọng đối với những nhà sản xuất muốn đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Nếu như các tiêu chuẩn do khối công ban hành mang sứ mệnh phục vụ quản lý nhà nước trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho xã hội, thì hệ thống tiêu chuẩn của khối tư nhân bắt nguồn trước hết từ việc đảm bảo sự hợp pháp của các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thực phẩm, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng, cùng những sức ép về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống hoang dã, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiêu chuẩn tự nguyện cũng phải đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc về thiết thực, tin cậy và chặt chẽ trong quá trình ban hành và quản lý tiêu chuẩn. Đó là lý do vì sao một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan chấp nhận tiêu chuẩn tự nguyện là tương đương với tiêu chuẩn ban hành bởi khối công. Đây là một ví dụ điển hình của hợp tác công – tư trong quản lý an toàn thực phẩm.
Trở lại vấn đề về khó khăn trong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trên những nền tảng khác biệt của mỗi quốc gia, hội DN.HVNCLC đã chọn giải pháp đối tác và diễn giải các tiêu chuẩn tự nguyện được quốc tế công nhận, nhằm tạo thuận lợi cho nhà sản xuất trong nước có thể vượt qua cái được cho là “rào cản kỹ thuật” trong thương mại toàn cầu.
Kim Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này