
10:46 - 30/01/2019
LocalG.A.P và câu chuyện quản lý rủi ro
Như đã trình bày trong số trước, rủi ro an toàn thực phẩm trong canh tác rau màu và trái cây, có thể đến từ môi trường, từ điều kiện vệ sinh kém và những thứ được sử dụng trong quá trình trồng.
Bước đầu tiên để quản lý rủi ro là phân tích, tức là nhận biết các mối nguy (lý học, hoá học và sinh học), tìm hiểu nguồn gốc sản sinh ra mối nguy và khả năng gây hại. Người trồng sẽ ghi chép kết quả công việc này vào một tài liệu gọi là “đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm”, sau đó tìm hiểu và đưa ra các giải pháp an toàn cho người tiêu dùng.
Quản lý rủi ro từ mối nguy sinh học
Ví dụ, mối nguy sinh học trong trồng xà lách là vi trùng tiêu chảy hoặc phó thương hàn.Chúng có thể có trong nguồn nước, do hàng xóm nuôi gà vịt, hoặc vài con chó nhà chạy rông trong vườn rau. Khi đó, để rủi ro “tiêu chảy và thương hàn” không xảy ra, xem xét các việc: không trồng rau khi xung quanh hàng xóm nuôi rất nhiều gà vịt, không lấy nước tưới từ nguồn có chất thải của những con vật nuôi này; hoặc là, nên làm rào, nói với hàng xóm quây gà vịt của họ lại ở nơi cách xa vườn rau; hàng rào xung quanh vườn trồng cũng giúp ta ngăn không cho mấy con chó chạy rông vào nơi chúng không nên có mặt.
Quản lý rủi ro từ mối nguy hoá học
Đối với mối nguy hoá học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải được xem xét. Một trong những chuyện đầu tiên nhà nông nên làm là giữ liên lạc với cán bộ khuyến nông, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để biết tình hình dịch bệnh và cập nhật các loại thuốc BVTV được phép sử dụng. Người trồng cần nên nhớ rằng thuốc BVTV là lựa chọn sau cùng! Nên thực hiện tới nơi tới chốn các biện pháp IPM sinh học để giảm thiểu sâu bệnh, tức là có thể hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV.
Có lần thăm một hộ trồng bưởi ở Nhơn Thạnh (Bến Tre), ông chủ vườn cho biết, nhờ tưới đêm mà sâu bệnh giảm đáng kể, vì ban đêm là giờ bướm ra đẻ trứng, bị ướt cánh nó sẽ chết, hoặc nước sẽ rửa trôi trứng bám trên trái, hoặc trứng sẽ bị ung.Nếu bất đắc dĩ phải dùng thuốc BVTV, người trồng phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất về liều dùng và thời gian cách ly.
Những việc như tưới đêm, tham gia tập huấn đầy đủ, giữ liên lạc với cán bộ khuyến nông, tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất và phân tích dư lượng BVTV, là các biện pháp hiệu quả giúp người trồng quản lý tốt rủi ro hoá học.
Quản lý rủi ro từ mối nguy lý học
Việc đảm bảo đất, đá, tạp chất trong sản phẩm sau thu hoạch tương đối dễ dàng, người trồng chỉ việc vệ sinh và kiểm tra sự sạch sẽ của dụng cụ sử dụng cho thu hoạch là có thể ngăn ngừa rủi ro lý học rồi.
Trên thực tế, tuỳ loại cây trồng mà mối nguy và các biện pháp quản lý rủi ro có thể ít nhiều sai khác. Điểm then chốt là người trồng cần thực sự nghiêm túc khi thực hiện đánh giá rủi ro và tuân thủ cách thức quản lý rủi ro mà họ đã đề ra, sao cho sát với những gì diễn ra thực tế, vừa sức, đảm bảo được an toàn thực phẩm cho trái cây và rau màu do mình sản xuất ra. Điểm lưu ý tiếp theo là phân tích rủi ro và quản lý rủi ro phải được thực hiện, hoặc xem xét lại sự phù hợp của chúng với tình hình thực tế ít nhất mỗi năm một lần! Và cuối cùng, tất cả những việc làm trên phải được ghi chép lại!
LocalG.A.P bắt đầu từ năm nay
LocalG.A.P là chương trình hợp tác giữa hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) với GlobalG.A.P, để tạo thuận lợi cho nông hộ nhỏ (chiếm hơn 70% cơ cấu
nông nghiệp của Việt Nam) có thể tham gia thị trường.
Từ năm 2016, hội DN.HVNCLC đã bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên với đại diện của Food Plus tại trụ sở chính của GlobalG.A.P ở Cologne (Đức) về lộ trình để người sản xuất nông nghiệp nhỏ tại Việt Nam có thể tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.
Năm 2018, tại hội chợ trái cây và rau Logistica tại Berlin (Đức), hội DN.HVNCLC đã làm việc với bà Christi Venter, chuyên gia cao cấp của GlobalG.A.P về chương trình LocalG.A.P
đầu tiên áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt. Chương trình tương tự cho hai lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản dự kiến hoàn tất trong năm 2019.
Tham gia chứng nhận LocalG.A.P, thông tin của nông hộ sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của GlobalG.A.P. Phía hội DN.HVNCLC đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng với GlobalG.A.P để triển khai chương trình chứng nhận LocalG.A.P, chậm nhất cuối quý 1/2019 là có thể bắt đầu.
Kể từ năm 2019, bên cạnh chứng nhận VietG.A.P, nông dân có thể chọn chứng nhận LocalG.A.P như một đảm bảo cho nông sản an toàn. Với uy tín toàn cầu của GlobalG.A.P, chương trình LocalG.A.P sẽ nâng cấp năng lực sản xuất của nông dân Việt, cũng nhưcấp “thị thực” vào thị trường hội nhập của nông sản Việt Nam.
“LocalG.A.P là giai đoạn chuyển tiếp để các doanh nghiệp, nhà sản xuất có cơ hội chuyển sang GlobalG.A.P”. Đó là chia sẻ của ông Phạm Việt Anh, đại diện tổ chức GlobalG.A.P tại Việt Nam, tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch vào các thị trường phát triển” do hội DN.Hàng Việt Nam chất lượng cao và công ty BSA tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Theo ông Phạm Việt Anh, thực hiện LocalG.A.P, các doanh nghiệp có được nhiều lợi thế. Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số, từ số này những nhà bán lẻ trên thế giới nhìn vào và thấy doanh nghiệp đã phần nào thực hiện theo chuẩn GlobalG.A.P, như vậy họ sẽ kết nối đểmua hàng, cơ hội bán trong nước và quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Thứ hai, về mặt chi phí, doanh nghiệp sản xuất phải trả để có chứng nhận GlocalG.A.P sẽ thấp hơn rất nhiều so với GlobalG.A.P.
“Chúng tôi đặt ra lộ trình tối thiểu năm năm để một doanh nghiệp từ sở hữu chứng nhận GlocalG.A.P sẽ đạt được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GlobalG.A.P”, ông Việt Anh nói. T.Q
Kim Thanh (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Nông – thủy sản Việt rộng cửa chinh phục thị trường Halal
Dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép của thị trường Mỹ
Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn phức tạp
Bảo vệ nhãn hiệu thương mại cho các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ
Hội nhập nhưng đừng quên ‘sân nhà’
Tin khác


Doanh nghiệp phải vượt ‘rào cản môi trường’ để nông sản xuất ngoại bền vững

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này