15:56 - 23/01/2019
Liên kết chuỗi mới có trái cây chuẩn
Vina T&T group là số ít doanh nghiệp làm trái cây bài bản. Doanh số xuất khẩu năm 2018 của công ty này vào khoảng hơn 30 triệu USD, tăng 3 triệu, có đến 80% sản lượng bán vào mỹ, còn lại là các thị trường khó tính khác như EU, Úc, Nhật…
Tại sao T&T làm được điều này, họ đi ngược xu hướng trái cây việt đang bỏ trứng vào rọ ở thị trường Trung Quốc?
Từ năm năm trước, mới chân ướt chân ráo vào làm trái cây tươi xuất khẩu, T&T đã xác định phải tự đứng ra tổ chức, sản xuất trái cây mới có thể phát triển bền vững. Không như các doanh nghiệp làm thương mại chỉ chăm chăm mua trái cây trôi nổi để xuất khẩu, T&T bỏ công sức, tiền của, họ xuống tận vùng trồng liên kết với nông dân, sau đó mua sản phẩm cho họ.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, CEO T&T, thời gian đầu do ký hợp đồng với từng hộ nên nhiêu khê, lúc thị trường hút hàng bị nông dân bẻ kèo, cũng có khi chính T&T cũng mất uy tín với nông dân. Sau đó, công ty chọn cách tiếp cận kết hợp các viện cây ăn trái của bộ Nông nghiệp. Cũng thông qua Bộ, T&T được giới thiệu những hợp tác xã (HTX) sản xuất tốt nhất, sau đó liên kết với nơi đó rồi giao vùng trồng lại cho viện cây ăn quả giám sát, hướng dẫn nông dân trồng theo tiêu chuẩn.
Để các xã viên HTX có vốn, T&T làm việc với ngân hàng, đảm bảo tín chấp bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của HTX cho khoản vay. Như vậy, trong mối liên kết này, nếu lô trái cây nào sản xuất ra không đạt yêu cầu, xuất khẩu bị đối tác trả về, người chịu trách nhiệm đầu tiên là viện cây ăn quả, kế đến mới là nông dân. Ngược lại, hàng làm ra đạt đúng yêu cầu hợp đồng mà T&T không mua, thì T&T chịu trách nhiệm.
“Nhiều năm nay nông dân sản xuất trái cây dựa trên đơn đặt hàng của T&T. Họ được giám sát quy trình trồng và chăm sóc từ các viện của bộ Nông nghiệp. Với cách làm này, chúng tôi không yêu cầu nông dân sản xuất trái cây ồ ạt, mà chỉ làm theo các hợp đồng ký trước với nhà nhập khẩu”, CEO Nguyễn Đình Tùng chia sẻ. Ông dẫn chứng, quý này chúng tôi cần chục tấn nhãn, trên cơ sở đó các viện phân chia cho vùng này, vùng khác trồng cho ra đủ số lượng chứ không làm dư.
Sau gần chục năm xuất khẩu nông sản và gần năm năm chế biến trái cây tươi xuất khẩu, thời điểm này, Vina T&T đã thiết lập được hệ thống sản xuất trái cây xuất khẩu từ nhà vườn tới người tiêu dùng, giúp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Hiện công ty này đang sở hữu khá nhiều vùng trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như trái nhãn ở HTX An Hoà (Châu Thành, Tiền Giang); vú sữa của HTX Tân Phú, Sóc Trăng; chôm chôm ở Vĩnh Long; thanh Long ở Tiền Giang, Long An; hay vùng trồng dừa xiêm, dừa dứa rộng lớn ở Bến Tre đang cung cấp mỗi tuần hàng trăm ngàn quả vào thị trường Mỹ…
“Bộ Nông nghiệp thông qua các hợp đồng bao tiêu của T&T hỗ trợ kinh phí cho nông dân, HTX làm VietG.A.P., GlobalG.A.P. hay các chứng nhận quốc tế khác. Như vậy, mô hình liên kết này cũng giúp chính sách hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng”, ông Tùng nói thêm.
Ông Tùng vừa có một tuần khảo sát thị trường Mỹ cuối tháng 12/2018. Từ chuyến đi này, ông cho rằng, nếu biết tận dụng cơ hội, thay đổi lại cách tiếp cận theo hướng sản xuất trái cây, chế biến trái cây có chứng nhận, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu trái dừa tươi, thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa và nhiều loại trái chúng ta đang có thế mạnh khác vào Mỹ.
“Tại sao người tiêu dùng Mỹ đang phải trả 350.000 đồng cho một ký vú sữa xuất xứ Việt Nam, gần 200.000 đồng cho một ký thanh long? Đơn giản vì những loại trái cây này đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sức khoẻ cho người Mỹ. T&T đang xuất khẩu mỗi tuần 40.000 trái (mùa nắng ấm 120.000 – 140.000 quả) dừa xiêm Bến Tre sang Mỹ cũng vì quản lý tốt vùng trồng dừa. Công ty này cũng vừa khởi công nhà máy dừa công suất 25 triệu tấn/năm ở ngay vùng trồng Bến Tre để đẩy nhanh sản lượng vào Mỹ.
“Chúng tôi liên kết với nông dân trồng dừa, đầu tư nhà máy vì muốn phát triển bền vững. Chắc chắn khi sản lượng tăng lên, cơ quan FDA, USDA của Mỹ sẽ qua kiểm tra, lúc đó chúng ta mới có cái để cung cấp cho họ. Tôi cho rằng, bán quả dừa hay bất cứ quả gì cũng phải thay đổi, bán cái do mình quản lý, chịu trách nhiệm, chứ không phải mua của người khác đểbán”, ông Tùng nói.
Hoàng Bảy (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này