11:34 - 17/08/2018
Làm sao để vượt hàng rào kỹ thuật đưa nông sản, thực phẩm Việt vào EU?
“Vượt qua hàng rào kỹ thuật ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu vào châu Âu” là vấn đề được đem ra mổ xẻ tại hội thảo cùng tên do Hội DN HVNCLC, công ty Bureau Veritas tổ chức sáng 17/8.
Bà Marieke Van Der Pijl, đại diện Eurocham: Muốn giảm thuế, nông sản Việt Nam phải có chứng nhận xuất xứ
Tiêu chuẩn châu Âu khá nghiêm ngặt, từ vấn đề chất lượng đến truy xuất nguồn gốc. Hàng hóa ở bất kỳ quốc gia nào muốn xuất khẩu vào châu Âu cũng đều phải qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt. Hệ thống giám sát chất lượng của châu Âu đều bằng phương pháp kiểm định tự động, sản phẩm được kiểm định hai lần, một ở quốc gia xuất khẩu và một tại châu Âu.
Liên quan đến chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, các quốc gia phải đảm bảo sản phẩm phải xuất xứ tại sở tại chứ không phải tạm nhập tái xuất, vấn đề này, với Việt Nam sẽ liên quan đến cam kết trong hiệp định thương mại tự do VN-EU, liên quan đến điều khoản ân huệ thuế. VN sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào EU theo lộ trình nhưng phải đảm bảo sản phẩm đó có xuất xứ tại VN.
Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều sản phẩm xuất khẩu của VN lại đang nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác, như ngành điều có đến 63% nguyên liệu nhập, tôm, gỗ cũng được nhập về nhiều, sau đó chế biến để XK. Tương lai những sản phẩm này sẽ không được công nhận giảm thuế.
Hiệp định thương mại tự do VN-EU cũng đặt ra vấn đề cạnh tranh đối với nông sản Việt Nam. Hàng hóa VN có thể xuất khẩu, được ân huệ thuế xuất nhưng cũng đối mặt cạnh tranh khi nhiều sản phẩm châu Âu sẽ tràn vào VN, như thịt bò Úc là một ví dụ. Theo đó, ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn, như thịt gà, heo. Theo lộ trình, những mặt hàng này sẽ giảm thuế trong vòng 8-10 năm khi hiệp định có hiệu lực (hiện nay 10% và giảm về 0% trong 8-10 năm tới). Thịt bò và những sản phâm liên quan đến sữa có 3 năm cho VN chuẩn bị.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy các bạn cũng đang gặp khó khăn, thiếu cơ chế đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị, chúng ta mới chỉ chú ý đến khâu cuối cùng. Vấn đề này khiến hàng hóa VN thường bị cảnh báo tại các quốc gia châu Âu, như năm 2017 có 77 cảnh báo, trong đó 23 lô hàng bị từ chối liên quan đến nhiều vấn đề như dán nhãn, đóng gói, chứng nhận. Bảy tháng đầu 2018 cũng có 36 cảnh báo và 11 từ chối, tuy thấp nhưng vẫn gây mất lòng tin đối với cộng đồng EU.
Ông Nguyễn Huy, giám đốc khối thực phẩm Bureau Veritas: Kiểm soát dư lượng chất cấm trong các lô hàng xuất khẩu
Hệ thống cảnh báo nhanh của châu âu về thực phẩm và thức ăn nhanh (RASFF), thống kế trong vòng 10 năm (2004-2014), Việt Nam là quốc giá có số vụ hàng nông thủy sản bị cảnh báo đứng tốp đầu các quốc gia Đông Nam Á. Nếu 2004, Việt Nam có 72 vụ bị cảnh báo, chiếm 31% trong tổng số 256 vụ của khu vực, thì đến 2014 vươn lên đứng đầu, số vụ vi phạm là 146 vụ, chiếm tỷ lệ 48,5% trong tổng số 374 vụ của khu vực. Nguyên nhân bị cảnh báo đến từ tồn dư thuốc thú y (kháng sinh-có số lô hàng chiếm nhiều nhất) , kế đến là dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh…Tình trạng này xuất hiện đa số trong các lô hàng thủy sản. Gần đây nhất, năm 2016 và 2017, tình hình có chuyển biến, như số vụ dính dư lượng thuốc BVTV vẫn cao.
Kiểm soát cách nào? Hiện nay các DN Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận đến nhiều tiêu chuẩn quản lý, giám sát của nước ngoài, như tiêu chuẩn BRC (Hiệp hội bán lẻ anh quốc), mục đích tăng cường trao đổi thương mại, kết nối nhà sản xuất, bán lẻ với các tiêu chuẩn thị trường châu âu. BRC như giấy thông hành để hàng hóa vào châu Âu.
Ngoài ra, ở châu Âu còn có thêm hai tiêu chuẩn khác là GlobalGAP, ASC, Mỹ có tiêu chuẩn BAP. Những tiêu chuẩn này đều liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm, nếu áp dụng sản xuất, kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ đảm bảo truy xuất từ trang trại đến kệ bán hàng, điều này đáp ưng yêu cầu của châu Âu.
Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án HVNCLC – chuẩn hội nhập: Lỗi hệ thống ở con gà
Luật hiện hành VN đều có chế tài an toàn vệ sinh thực phẩm, từ trang trại, nhà máy, đến bán lẻ sản phẩm thịt gà…Mỗi khâu đều có quy định ràng buộc, nhưng thực tế, khâu cuối cùng là sản phẩm bán ra thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Báo cáo ngân hành thế giới chỉ ra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm VN được xếp vào loại hiện đại, hơn cả Indonesia, Philippine nhưng trên thị trường hiện tại, có khá nhiều mẫu thịt gà nhiễm kháng sinh, E.coli, salmonella, đây vấn đề nổi cộp của VN. Một báo cáo mới đây cũng chỉ ra lượng kháng sinh sử dụng cho một con gà ở trang trại ĐBSCL lên đến 420 mmg/chu kỳ nuôi. Điều này, giải thích vì sao chúng ta có hệ thống kiểm soát được đánh giá cao lại không dẫn đến hiệu quả tốt ở khâu cuối cùng-thịt gà bán trên thị trường
Việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm, không chỉ bắt đầu từ các trạng trại (còn sử dụng kháng sinh, chưa có phác đồ sử dụng vaccine), sản phẩm chăn nuôi khi đưa vào giết mổ cũng có nhiều nguy cơ. Chợ truyền thống cũng chưa có quy chuẩn rõ ràng. Các cửa hàng tiện ích quy định Vietgap có đủ điều kiện và có hệ thống kiểm soát riêng.
Trong khi đó, khảo sát nhận thức người tiêu dùng lại khá tốt, hơn 80% số người được hỏi đều nói họ dựa trên sản phẩm tươi, có giấy chứng nhận; quán cơm bình dân cũng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Như vậy, hệ thống quản lý đang áp dụng với con gà chưa dựa trên đánh giá, tiếp cận rủi ro, chưa tương thích với thực hành quốc tế. Muốn sản phẩm an toàn, chúng ta không chỉ kiểm tra ở sản phẩm đầu cuối mà phải giám sát suốt quá trình nuôi, lưu thông, chế biến, đóng gói…Qua khảo sát, việc giám sát hành trình sản phẩm từ con gà lúc nuôi, qua thương lái, đến hệ thống giết mổ thì vấn đề truy xuất còn rời rạc; các khâu nuôi, lưu thông, giết mổ, bán lẻ…đều chưa chắp nối được.
Theo Bảo Anh/BSA/TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này