09:13 - 27/02/2019
Làm sản phẩm mới phải nghĩ đến tiêu chuẩn quốc tế
Muốn sản phẩm bay xa, nhất quyết phải đạt chất lượng về xanh, sạch, về sức khoẻ an toàn mang tầm quốc tế cho tất cả người tiêu dùng…
Nói về giải pháp “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới”, hội thảo do Hội DN.HVNCLC tổ chức mới đây, bà Nguyễn Phi Vân, chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia, cho rằng ngày nay muốn sản phẩm bay xa, nhất quyết phải đạt chất lượng về xanh, sạch, về sức khoẻ an toàn mang tầm quốc tế cho tất cả người tiêu dùng…
Làm truyền thống tuy sống, nhưng sống… yếu
Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) là một trong số ít doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) ngành rau quả đạt được các tiêu chí như bà Nguyễn Phi Vân nói. Antesco đang làm hai mặt hàng là bắp non và đậu nành rau xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU, trung bình mỗi năm khoảng 12.000 tấn sản phẩm. Một ngày đầu tháng 2/2019, nông dân trồng bắp ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang giải thích họ được Antesco cung cấp giống bắp, đậu nành và hướng dẫn kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. và VietG.A.P. Một vụ bắp dài chừng 55 ngày, từ lúc tẻ hạt đến khi thu hoạch họ phải tuân thủ tiêu chuẩn trồng trọt nghiêm ngặt, để đến khi thu hoạch, công ty lấy mẫu kiểm tra không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới chấp nhận lấy hàng. Giá bán bắp non loại 1 là 14.500 đồng/kg, loại hai thấp hơn 1.000 đồng, nhưng ông Phạm So, nông dân có hai công đất trồng bắp non ở Mỹ An, cho biết mỗi năm làm bốn vụ, thu nhập không chỉ từ bán bắp non mà thân cây bắp còn nuôi bò, có thêm khoản lợi nhuận kha khá nên gia đình khá an tâm khi hợp tác với công ty.
Hiện Antesco có hàng ngàn nông dân ở An Giang, Đồng Tháp là đối tác sản xuất nguyên liệu bền vững cho họ. Nông dân đang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalG.A.P. hay VietG.A.P. Ông Nguyễn Công Luận, phó tổng giám đốc Antesco, nhìn nhận cơ hội để rau quả Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ và EU còn khá lớn, nhưng trước xu hướng tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải sản xuất có trách nhiệm với xã hội, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
“Sản xuất theo lối truyền thống, nghĩa là không có chứng nhận tiêu chuẩn gì cả vẫn bán được, nhưng giá thấp và rủi ro cao. Nhiều năm nay, Antesco đã cố gắng hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tếvà chúng tôi đã thành công”, ông Luận nói.
Với vai trò là diễn giả chính tại hội thảo: “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới”, bà Nguyễn Phi Vân cũng đánh giá thị trường thế giới từ năm 2019 – 2030 có năm chuyển động chính. Một trong số đó là chuyển động về dân số, về giá trị của người tiêu dùng hay thế hệ người tiêu dùng số, thế hệ thiên niên kỷ. Đây là những lớp người dùng sẽ quan tâm nhiều đến xã hội, đến môi trường, quan tâm đến thế giới, đến hành tinh… Chính vì vậy, khi doanh nghiệp Việt muốn sản xuất ra bất kỳ một sản phẩm nào đó, điều đầu tiên họ phải nghĩ đến phải đảm bảo chất lượng về xanh, sạch, về sức khoẻ an toàn mang tầm quốc tế.
“Chúng ta không thể nói chuyện ngày hôm nay về việc sản xuất một sản phẩm chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam nữa. Nếu tư duy như vậy đã tự thua ngay tại đây rồi vì thị trường hiện nay không có biên giới và tất cả các doanh nghiệp khác trên thế giới cùng ngành sẽ vào Việt Nam để cạnh tranh”, bà Vân nêu vấn đề. Do đó, theo bà, doanh nghiệp Việt không còn lựa chọn nào khác là buộc phải nâng cấp để cạnh tranh, muốn nghiên cứu ra sản phẩm nào thì phải nghĩ ngay đến tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên. Nếu không có thì đừng mơ nói được câu chuyện tiếp theo.
Hiểu người để đi xa
“Bán cái khác biệt, cái thị trường không có” là quan điểm của ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT công ty Vinamit khi nói đến kinh nghiệm khai thác thị trường Trung Quốc.Năm ngoái, Vinamit là doanh nghiệp Việt đầu tiên lấy được chứng nhận hữu cơ (organic) Trung Quốc. Ông Viên đánh giá đây là lợi thế rất lớn dành cho Vinamit ởthị trường hơn 1 tỷ dân, có nhu cầu sử dụng thực phẩm cao cấp, an toàn ngày càng lớn mạnh.
“Thị trường Trung Quốc phù hợp với Việt Nam nhiều thứ, Vinamit có organic Trung Quốc và chúng tôi tạo ra sự khác biệt, không doanh nghiệp nào có tiêu chuẩn đó nên chỉ cần bán cao giá hơn 10% là thắng rồi”, ông Viên nói.
Để khai thác hiệu quả ở thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp còn cho rằng trước khi muốn bán thứ gì đó qua đây, chúng ta phải biết mình đang sở hữu gì trong tay, sản phẩm đó có phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của họ? Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group, nói thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập sầu riêng, mít, thanh long, bánh đậu xanh, nhưng sắp tới những mặt hàng này phải được sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn bao bì, thậm chí các nhà máy chế biến phải được họ cấp phép, cấp mã code. Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên còn nhắc đến kinh nghiệm doanh nghiệp Việt phải tích cực tham gia hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới tận tay khách hàng mới có thể xuất khẩu.
“Sản phẩm phải đến hội chợ, chào hàng tại hội chợ thì nhà nhập khẩu, hệ thống siêu thị, nhà hàng tới mới biết được và chúng ta phải đủ khả năng thuyết phục họ”, ông Viên nói.
Bà Phan Gia Mẫn, phụ trách kinh doanh công ty TNHH XNK Vũ Thạnh, đơn vị chuyên xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, lại đề cập đến rào cản ngôn ngữ của các doanh nghiệp Việt khi tìm hiểu chính sách cũng như doanh nghiệp Trung Quốc. Với kinh nghiệm nhiều năm làm ăn với Trung Quốc, theo bà Mẫn, có ít doanh nhân Việt biết tiếng Hoa, điều này rất khó khăn khi tìm hiểu các chính sách, thói quen tiêu dùng và giao tế với khách hàng Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt ngại tiếp xúc tới thị trường này. Do đó, ngoài nâng cao trình độ tiếng Trung giống như chúng ta đã tiếp cận rất tốt ở thị trường Mỹ, EU bằng tiếng Anh, Việt Nam rất cần có đội ngũ những người làm xúc tiến thương mại chuyên nghiệp cho thị trường này. Đội ngũ này nên có đa số là người Trung Quốc, am hiểu thị trường, luật pháp và chính sách, có tin cậy và ràng buộc rõ ràng để cùng với những nhà xúc tiến chuyên nghiệp của Việt Nam tác chiến, cho không chỉ một doanh nghiệp, mà cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam muốn được bảo vệ nhiều hơn ở thị trường này.
Bảo Ngọc – Anh Tuấn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này