08:28 - 16/11/2018
Làm hữu cơ không thể theo kiểu ‘xỉa ngang’ hay ‘ăn gian’ được
Nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến sản xuất lúa hữu cơ đã được kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ trong chương trình “Nông nghiệp an toàn” trên đài truyền hình Vĩnh Long vừa qua.
Kỹ sư Hồ Quang Cua giải thích, sản xuất hữu cơ là một chuỗi chứ không phải “xỉa” ngang mà thành được. Bởi tiêu chuẩn hữu cơ rất nghiêm ngặt, không có chuyện kiểu như “đốt cháy giai đoạn” được.
Mặt khác khi năng suất bón phân hóa học cao mà chuyển qua phân hữu cơ thì năng suất khó bằng được. Và cũng không thể chứng nhận được là sản xuất theo hữu cơ.
Mặt khác, nhiều người sản xuất theo cách truyền thống mấy mươi năm nay và giờ vẫn nói là truyền thống, nhưng lại không biết rằng, mức độ hóa học tăng bao nhiêu lần qua mấy mươi năm đó.
“Thực ra chúng ta đang chuyển biến từ từ mà chúng ta không hay”.
Còn đối với những HTX đang trồng lúa theo VietGAP, muốn tiến lên hữu cơ, kỹ sư Hồ Quang Cua khuyên, nên tiến một cách từ từ không vội vàng.
“Làm VietGAP người ta cho bón phân hóa học, mình nên thay dần bằng những sản phẩm hữu cơ. Phân hữu cơ trên thế giới nhập khẩu giá rất rẻ, mua về bón để đất tích lũy hữu cơ. Bởi khi hàm lượng cacbon trong đất lên đến mức độ nào đó canh tác hữu cơ mới hiệu quả”.
“Tức là tiềm năng về sự phì nhiêu của đất càng ngày càng tăng lên”.
Mặt khác, có rất nhiều chất thay thế chất hóa học. Muốn hiểu về những chất thay thế bằng hữu cơ này, nông dân hay HTX nên có sự tư vấn của đơn vị có chuyên môn.
Ông Cua dẫn chứng, như con sâu bình thường xịt thuốc nó sẽ chết, nhưng lấy dầu dinh hương xịt thì về nhà áo quần của mình đến ngày hô sau còn thơm. Tại sao chúng ta không dùng nó để xịt?…
Bằng những biện pháp, cách làm trên, theo thời gian, sự tích lũy hữu cơ sẽ tăng, độc chất trong đất giảm đi, lúc này có thể làm hữu cơ được.
“Tại sao ở vuông tôm chúng tôi làm ngay năm đầu tiên quốc tế chứng nhận hữu cơ liền. Vì ở vuông tôm không có tồn dư độc chất, tổ chức đánh giá Control Union đã kiểm định và chứng nhận cho chúng tôi”, kỹ sư Hồ Quang Cua nói.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, “chúng tôi có thực nghiệm và thấy rằng, với những hộ nông dân làm tốt theo quy trình hướng dẫn, hoàn toàn đạt được 6 tấn lúa tươi/hec ta ở vuông tôm cho sản phẩm gạo hữu cơ ST 24.
Ông Cua cho hay, khi sản xuất hữu cơ, ở khâu lưu không thì công ty kiểm định họ kiểm soát rất kỹ.
“Sẽ không có chuyện sản xuất được 10 tấn mà chúng ta bán được 50 tấn. Bởi nếu không kiểm soát kỹ thì chính công ty tư vấn cũng bị xử lý, nên là họ kiểm soát rất gắt gao trong các khâu”.
Vị kỹ sư được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cũng khuyên các hộ nông dân, hợp tác xã khi làm gạo hữu cơ, gạo an toàn, phải có tên giống ngoài bao bì, bởi tên giống ảnh hưởng đến sở thích của khách hàng khi mua.
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này