08:55 - 30/04/2021
Hai thay đổi quan trọng trong luật an toàn thực phẩm thế giới
Trong một khóa học mới đây của Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập tổ chức cho khoảng 20 doanh nghiệp ngành thực phẩm, chuyên gia Nguyễn Huy đến từ tổ chức Eurofins đã chia sẻ hai yếu tố quan trọng là “văn hóa an toàn thực phẩm”, và “đánh giá không báo trước”.
Theo ông Nguyễn Huy, hiện nay các tiêu chuẩn đang thay đổi rất nhanh. Luật của châu Âu mới đây đã thay đổi về an toàn thực phẩm, có hai vấn đề nổi cộm, cần quan tâm.
Vấn đề nổi trội nhất thời điểm hiện tại là việc đánh giá không báo trước, đang dần trở thành xu hướng của các tiêu chuẩn. “Nếu như những tổ chức, nhà nước, tư nhân không hiểu rõ, doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ sẽ là một thách thức rất lớn ở Việt Nam”, ông Huy nói.
Ông Nguyễn Huy phân tích, thực tế tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ cho một cuộc đánh giá chứng nhận, sau đó họ thường khó khăn để duy trì các điều kiện, chuẩn mực… giờ với yêu cầu đánh giá không báo trước thì thách thức khó khăn hơn gấp nhiều lần. “Các tiêu chuẩn BRC, FSSC, GlobalGAP, giờ đây cứ ba năm sẽ có một lần đánh giá không báo trước. Nhiều tiêu chuẩn khác cũng đang đi theo xu hướng này”, ông Nguyễn Huy nói.
Chuyên gia Eurofins cho biết hiện ngành thủy sản đang có sự chuyển dịch khi bắt đầu đào tạo cho doanh nghiệp về đánh giá không báo trước.
Vấn đề nổi trội thứ hai là văn hóa an toàn thực phẩm. Trước nay chúng ta thường nghe văn hóa doanh nghiệp nói chung, chưa nghe nói về “văn hóa an toàn doanh nghiệp”. Các nhà lập pháp châu Âu muốn nhấn mạnh về văn hóa an toàn thực phẩm, một khái niệm mới được đưa vào trong luật của châu Âu. “Đặc biệt, các tiêu chuẩn phổ quát bây giờ đã bắt đầu áp dụng và yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm, để nâng cao nhận thức của mọi người về an toàn thực phẩm. Nó không đơn thuần là các khẩu hiệu chung chung như trước kia nữa mà người ta hướng đến việc phải xây dựng các kế hoạch hành động, truyền thông và ghi nhận những sáng kiến của người lao động về an toàn thực phẩm”, ông Nguyên Huy chỉ rõ. Như tiêu chuẩn HACCP Codex 2020 có quy định phải có văn hóa an toàn thực phẩm trong doanh nghiệp.
Văn hóa an toàn thực phẩm trong doanh nghiệp có 4P gồm: People (con người), Process (quá trình), Purpose (mục đích), Proactivity (tính chủ động) với khoảng 20 yếu tố đi kèm.
Ông Nguyễn Huy giải thích theo cách đơn gian như sau: People là doanh nghiệp phải có ý thức, đào tạo con người; Process là doanh nghiệp phải có kế hoạch thay đổi, cải tiến thiết bị dây chuyền, công nghệ, chuẩn mực; Purpose là tầm nhìn, sứ mệnh, công bố cho người lao động, người tiêu dùng, coi an toàn thực phẩm là yếu tố sống còn, là danh dự của doanh nghiệp; Proactivity nghĩa là doanh nghiệp phải có tính chủ động, có cơ chế ghi nhận, thưởng cho những sáng kiến có thành tích tốt trong lao động…
“Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ra vấn đề quan trọng của văn hóa an toàn thực phẩm. Họ sẵn sàng bỏ ra khoảng 100 USD cho nhân viên của mình học trong một ngày về vấn đề này. Đây là sự thay đổi lớn”, ông nói.
Các giảng viên của những khóa đào tạo của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập sẽ cập nhật những kiến thức rất cơ bản về nguyên tắc an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó sẽ kết hợp với những thông tin thời sự trên các diễn đàn, trang web về cảnh báo nhập khẩu của châu Âu và Mỹ, giúp doanh nghiệp kịp thời nhận ra được những xu hướng, vụ việc về mất an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo giúp họ nhìn lại dây chuyền sản xuất, trang bị lại những thiết bị, công đoạn, kiểm tra, kiểm soát để sản phẩm ngoài yếu tố chất lượng còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trần Quỳnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này