
10:12 - 15/05/2019
Địa lợi, nhân hoà và GAP
HTX xoài cát núm Trung Chánh và HTX xoài Quới An (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những nơi được “chọn mặt gởi vàng” trong chuyến xoài đầu tiên sang Mỹ.
Nếu lấy con số 1,5 tấn vừa tham gia xuất khẩu so với sản lượng xoài 59.425 tấn (4.899ha), thì con số này quá nhỏ.
TS Huỳnh Kim Định, chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện nay công ty TNHH TM DV XNK Vina T&T đưa xoài qua Mỹ, công ty Cát Tường, công ty Hương Việt đưa xoài đi Hàn Quốc, Singapore. Tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít có khoảng 380ha xoài cát núm đang cho trái cung ứng cho các thị trường này. Ưu thế của giống xoài núm là vị ngọt, hạt rất mỏng, trái no đầy (từ 350 – 500g/trái), rất sai trái, rải vụ quanh năm.Đáng nói, tỷ lệ loại 1 khi bao trái cao hơn những loại xoài khác.
Hiện nay, mỗi tháng Vĩnh Long có thể xuất 2 container đi Hàn Quốc, xoài cát núm dù “lênh đênh” đến 16 ngày trên biển, nhưng chất lượng vẫn… ngon lành. “Đó là kết quả của sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP)”, theo TS Định, ý nghĩa của GAP là bảo quản được lâu hơn, giá cả ổn định, ngày càng có nhiều hợp đồng dài hạn.
Nhiều nông dân nói, kể cả những lúc giá xoài còn 11.000 đồng/kg, giá xoài cát núm xuất đi Hàn vẫn có giá 35.000 đồng/kg. Đợt xoài vừa qua, công ty Vina T&T mua với giá cao hơn thị trường 15%. Sàn giao dịch điện tử Farm 360 của Vĩnh Long “được nước” chào bán xoài cát núm với giá từ 43.000 – 47.000 đồng/kg. Công ty Green Path từ Hà Nội, cũng đã vào Vĩnh Long tiếp cận với các hợp tác xã (HTX) để tìm nguồn hàng.
Như tràng pháo đã bén lửa, nhiều vùng trồng cây ăn trái rộ lên sản xuất GAP để có mặt trong những lô hàng xuất khẩu sắp tới. Tại Vĩnh Long có ba HTX, bốn tổ hợp tác được cấp mã (code) xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tập trung ở Quới An, Quới Thiện, Trung Chánh, Tân Phú, Tân Quới Trung. Đó là kỳ công xây dựng mô hình kiểm soát quy trình kỹ thuật, tập trung kiểm soát, phòng trị thán thư, thẩm định – chứng nhận và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, TS Định nói.
Xoài cát núm Vĩnh Long theo chuẩn GAP bán được giá, nên khi chuyên gia tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) nói về chế biến, thì nhà vườn “bàn ra”; vì cái nhà vườn cần là làm gì để bán xoài loại 1, chứ chế biến thì còn… xa quá. Cái dở là tầm nhìn! UNIDO đã chuyển dự án qua Đồng Tháp, và bây giờ muốn xử lý hơi nóng cho hàng xuất khẩu, Vĩnh Long phải chạy qua Đồng Tháp hay Bến Tre, để nhờ hỗ trợ.
Còn cái hay của Vĩnh Long là có thể truy xuất được nguồn gốc. Bây giờ, nhiều người “check QR code” mà ít người mua thì nhóm hỗ trợ tại Vĩnh Long, nhà vườn có mã code sẽ biết được vấn đề gì và tìm cách khắc phục. Nhóm ứng dụng phần mềm gồm mười người, trong đó có hai tiến sĩ về từ Mỹ, Pháp – là dân Vĩnh Long – tự nguyện lập nhóm hỗ trợ công nghệ cho các bác nhà vườn ở quê nhà làm hàng xuất khẩu theo chuẩn GAP. Mai mốt họ sẽ giúp kết nối hoạt động thương mại điện tử. TS Định nói: “Tinh thần của nhóm là ứng dụng công nghệ số hỗ trợ HTX thực hiện CSR (trách nhiệm xã hội), hướng bà con tới việc tạo ra giá trị khác biệt để hàng hoá tiêu thụ thuận lợi, người dùng yên tâm hơn”.
Cũng phải mất 2 – 3 năm tập huấn làm bộ hồ sơ, mã vùng trồng, nông dân mới quen, nhưng TS Định tự tin: “Bây giờ nhà vườn có app để theo dõi thông tin liên quan tới mình. Còn hai tuần nữa là tới đợt thu hoạch xoài, tải app Agri Vinh Long1 sẽ biết danh sách HTX, tên nông dân, diện tích, sản lượng dự kiến hiện lên màu đỏ”.
Trong các loại trái cây qua Mỹ, xoài cát gây tiếng vang lớn hơn cả, nhưng nếu không giữ chuẩn mực như lần đầu để phát triển thị trường, chỉ cần cẩu thả là mất code.TS Định thú thiệt “đó là điều đáng lo nhất”.
“Theo dõi trên mạng, thấy bà con Việt kiều thương mình, hàng bán giá cao vẫn mua, nên tôi khuyên nhà vườn phải cố gắng giữ chất lượng, chuẩn mực.Còn chi cục sẽ xây dựng nguồn kinh phí kiểm tra mẫu và giúp bà con giữ đúng bài bản đã tập huấn”, TS Định cam kết như vậy.
Nhóm ứng dụng phần mềm gồm mười người, trong đó có hai tiến sĩ về từ Mỹ, Pháp – là dân Vĩnh Long – tự nguyện lập nhóm hỗ trợ công nghệ cho các bác nhà vườn ở quê nhà, làm hàng xuất khẩu theo chuẩn GAP.
Vân Anh (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Hướng dẫn: dán nhãn thực phẩm (khối lượng thực của sản phẩm)
Các bạn trẻ đã tạo một thế hệ khởi nghiệp từ nông sản Việt
Tìm bạn đồng hành tiêu chuẩn hoá
Tiêu chuẩn & hội nhập: Sản phẩm tốt cần gì xuất khẩu
Cộng đồng SMEs hội nhập: những dấu chân tí hon
Tin khác


Thuê đất để làm hột lúa hữu cơ

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này