
10:34 - 27/03/2019
Đi xem người Miến Điện làm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Vào giữa tháng 3 này tôi có dịp được làm việc cùng với nhóm dự án hỗ trợ chứng nhận an toàn thực phẩm HACCP cho các xưởng chế biến trà, cà phê và gạo của những doanh nghiệp nhỏ ở nhiều vùng khác nhau của Miến Điện.
Tất cả là doanh nghiệp gia đình, hầu hết các xưởng rất thô sơ, sử dụng công nghệ cũ.
Ở Mandalay, tôi gần như bỏ cuộc khi thăm xưởng chế biến lá trà lên men, một món truyền thống được dùng như khai vị, tráng miệng và món ăn cùng với cơm trong bữa chính. Để đạt yêu cầu về nhà xưởng, khu vực xay lá và gia vị (tỏi, ớt) phải đập hết và bố trí lại, mà dự án chỉ có thời hạn chưa đầy hai tuần để hoàn tất các nội dung chuẩn bị, tôi nói nhóm quản lý bàn với lãnh đạo, theo tôi họ nên dời thời hạn đánh giá. Anh phụ trách chính không trả lời, chỉ nói anh muốn chúng tôi thảo luận phương án bố trí mới. Ngay chiều hôm đó, người chủ thông qua ngân sách cho việc cải tạo theo phương án chúng tôi vừa thống nhất cách đó không lâu, nhóm quản lý cam kết họ sẽ hoàn thành công việc đúng tiến độ.
Đến Shwebo, ngay hôm đầu chúng tôi được nhà máy ‘nhờ’ đôn lịch làm việc lên sớm hơn, vì lý do ngày hôm sau anh chủ đưa mẹ đi Singapore trị bệnh (ngoài dự kiến). Nhà xưởng bố trí hợp lý, kho bãi sắp xếp khá gọn gàng.Phòng thay đồ cho công nhân đang được xây, rộng rãi và thoáng, không thấy dấu hiệu chắp vá, làm kiểu đối phó.
Ở một nhà máy khác trong vùng đó, bác chủ yêu cầu nhóm HACCP phải tham dự đầy đủ, hỏi chúng tôi cặn kẽ từng chi tiết.Họ ham học hỏi, nhưng cũng rất có chính kiến. Mấy cái sàng để tách đá ra khỏi lúa, gạo họ kêu là máy loại đá hết. Tôi nói nó là cái sàng, nhưng họ nhất quyết không phải vậy, phải gọi là máy loại đá vì nó giúp loại đá, sau hơn nửa giờ tranh cãi, tôi bỏ cuộc. Hơi buồn cười nhưng thấy dễ thương.Mỗi một đề xuất của chúng tôi bao giờ cũng phải đi cùng với giải thích hợp lý thì họ mới chịu, tinh thần như vậy là tốt, họ muốn hiểu để làm thiệt, làm đúng.
Ở Pyin Oo Lwin khác hơn, cà phê làm theo chuỗi, chương trình làm với hội viên của hiệp hội Cà phê Miến Điện. Nhà máy hợp tác với nhà vườn bao tiêu đầu ra, xấu đẹp gì cũng mua, ngạc nhiên là họ tách riêng hàng xấu, không thấy đấu trộn. Nhà vườn được một dự án của Đức hỗ trợ làm G.A.P. Cà phê của họ xuất đi châu Âu và Nhật đã hơn ba năm, chưa một lần ‘dính’ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Điều ấn tượng nhất với tôi trong chuyến đi này là dù doanh nghiệp gia đình, quy mô nhỏ, nhưng tất cả đều nhận thức rất rõ ràng rằng phải làm tiêu chuẩn, làm cho đúng, cho tốt. Họ cho rằng sẽ rất tự hào nếu được chứng nhận HACCP, GMP.Trong khi ở Việt Nam, chứng nhận này rất cơ bản và phổ biến trong các nhà máy thực phẩm.
Về trình độ sản xuất, Việt Nam vượt xa Miến Điện, chúng ta có hạ tầng cơ sở tốt, giao thông thuận lợi, cung cấp điện và nước ổn định.Tuy nhiên, nếu so về mức độ nghiêm túc trong việc làm tiêu chuẩn, cam kết về chất lượng, thì có lẽ ta cần phải suy nghĩ. Những gì đang là lợi thế của Việt Nam có thể sẽ không còn là lợi thế tuyệt đối giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại. Trường hợp Miến Điện, nếu họ giữ và phát huy tinh thần làm đúng như hiện nay, không bao lâu chắc chắn các nhà mua hàng quốc tế sẽ để mắt tới họ, như cách họ đã để mắt tới Việt Nam nhiều năm trước đây, và rồi chúng ta sẽ phải thôi hát bài ca ‘cái này ngoài tôi ra không ai làm được’. Mọi việc đều có thể, kể cả việc bị qua mặt, bị thay thế.Vì rằng thế giới không ngừng chuyển động.Hôm qua tốt, hôm nay có thể vẫn còn tốt như vậy, nhưng vấn đề là không chắc đủ tốt để giữ thị trường, đừng nói chi đến chuyện mở rộng.
Không nghi ngờ gì về hiểu biết của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm ở Việt Nam, chỉ bận tâm liệu doanh nghiệp sẽ chọn thái độ nào để cạnh tranh, giữ và phát triển thị trường, giữa thời buổi nhiều cơ hội mà cũng lắm đe doạnhư hiện nay?
Kim Thanh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này