
12:22 - 20/10/2018
Đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải nhận thức lại về quyền sở hữu trí tuệ
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trưởng hiện có tình trạng, khoảng 90% dân số biết hàng giả vẫn dùng, còn doanh nghiệp phát hiện bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn ngại đấu tranh.
PGS.TS Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, kiêm Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đối với từng cơ quan, lực lượng chức năng, nhưng kết quả quản lý thị trường vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Ông Thế nói như vậy tại hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – Nguy cơ, thách thức và giải pháp” do Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Báo Công Thương tổ chức tại TP.HCM, ngày 19/10.
Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 907 tỷ đồng.
Đáng chú ý, xuất hiện nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện xử lý, các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Điển hình có thể kể đến là vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty TS, vụ kinh doanh lụa tơ tằm của Công ty tập đoàn Khải Silk…
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, cần nhận diện lại tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để có những giải pháp hiệu quả hơn. Với khoảng 90% dân số biết hàng giả vẫn dùng, còn doanh nghiệp phát hiện bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn ngại đấu tranh.
Theo kinh nghiệm từ thực tiễn trên địa bàn TP.HCM cho thấy, vai trò tham gia của doanh nghiệp – chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng.
Do đó, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đề xuất, sự liên kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật.
Các doanh nghiệp phải xác định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là một quyền tài sản được Nhà nước bảo hộ và đây là một loại tài sản vô hình.
Trong nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu được bảo hộ có giá trị to lớn đối với doanh nghiệp và trong một số doanh nghiệp thì giá trị nhãn hiệu của doanh nghiệp thậm trí còn lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình của doanh nghiệp hiện có.
Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay. Đồng thời, sự nguy hại của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư và kinh doanh…
Nhân Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này