09:19 - 21/10/2019
Số hóa để nông nghiệp tăng năng suất bền vững
Ngày nay, nền nông nghiệp thế giới nhờ có hỗ trợ công nghệ đã phát triển nhanh chóng.
Indonesia: Số hoá nông nghiệp để tăng năng suất bền vững
Tại lễ kỷ niệm thành lập đại học Gadjah Mada, một đại học lớn của Indonesia, ông trưởng khoa Công nghệ nông nghiệp (CNNN) đã phát biểu: tương lai của công nghệ nông nghiệp phụ thuộc vào chuyển đổi kỹ thuật số. Để đáp ứng nhu cầu dân số thế giới tiếp tục tăng nhanh, sản lượng công nghiệp phải tăng 60% vào năm 2030.
Để đạt được điều này, nguồn nhân lực (HR) trong lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn cần phải nắm lấy chuyển đổi kỹ thuật số bằng các công nghệ: internet vạn vật (IoT) và các cảm biến trên vùng đất canh tác. Nhiều loại thiết bị và máy móc nông nghiệp khác nhau cũng được sử dụng để canh tác như máy bay không người lái, robot, cảm biến, học máy và phân tích để theo dõi và giám sát cây trồng. Khoa CNNN đại học Gadjah Mada đã tham gia cải thiện năng lực cho nguồn nhân lực nông nghiệp Indonesia, bằng cách cải thiện quá trình giảng dạy và giáo dục: tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường các mối quan hệ đối tác với các bên liên quan, như chính phủ và các tổ chức giáo dục cả trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, còn có các bước tiến hành số hoá và phát triển nội dung bài giảng, cũng như nghiên cứu công nghiệp 4.0, IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), giao diện người – máy, công nghệ robot và cảm biến, và công nghệ in 3D.
Định hướng lớn của khoa CNNN là phát triển thực phẩm và nông nghiệp ở Indonesia. Tuy nhiên, vị trí địa lý chiến lược của Indonesia, sự giàu có đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá, dân tộc và đa dạng cao về ẩm thực, có thể gây ra một số khó khăn trong việc gìn giữ
truyền thống và sáng tạo đổi mới.
Úc: Công nghệ cảm biến và thực tế tăng cường để tăng năng suất nông nghiệp
Công nghệ này sẽ thúc đẩy tăng năng suất nông nghiệp, khi các trang trại đã trở nên thuần thục hơn trong việc thu thập và hiểu dữ liệu từ các công nghệ cảm biến.
Các nhà nghiên cứu từ CSIRO, cơ quan Khoa học quốc gia Úc, gần đây đã cho biết sẽ sử dụng công nghệ trong một sáng kiến đầu tiên trên thế giới: dùng các nền tảng chơi game phổ biến, công nghệ cảm biến và kỹ thuật tương tác dữ liệu, để giúp người nuôi tôm đưa ra quyết định nhằm tăng năng suất.
Điều kiện nước trong ao nuôi tôm có thể nhanh chóng thay đổi từ sạch sang bị đe doạ chỉ trong vài giờ. Trong khi đó, các phương pháp hiện tại để giám sát chất lượng nước lại rất tốn công và bị chậm trễ đáng kể giữa các phép đo. Lợi ích của thực tế tăng cường và công nghệ cảm biến trong nông nghiệp:
– Sẽ giúp nông dân hiểu được các thông số quan trọng về chất lượng nước như nồng độ oxy hoà tan và pH theo thời gian thực.
– Thuận tiện trong sử dụng: các công nghệ có thể đeo để nông dân rảnh tay khi họ đi dạo và quản lý ao. Những người nuôi tôm đã nhận ra những gì họ thực quan tâm, đó là chất lượng nước ao nuôi, chứ không phải tôm.
– Cung cấp cho nông dân thông tin họ cần để quản lý tốt hơn sức khoẻ động vật và thức ăn đầu vào.
– Nông dân có thể chia sẻ hình ảnh tại ao nuôi với các nhà quản lý trong văn phòng, hoặc các chuyên gia bên ngoài để nhập liệu nhanh.
Từ nền tảng “khoa học tương lai” của CSIRO, các doanh nghiệp kết nối được dữ liệu trong một loạt các định dạng khác nhau, tích hợp các phân tích phức tạp, và biến nó thành trí thông minh hữu ích có thể tạo ra sự khác biệt.
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này