11:25 - 06/09/2022
Sầu riêng thành sầu chung!
Giá cả dù ổn định, đầu ra hút hàng nhưng người trồng sầu riêng vẫn kém vui khi năm nay mất mùa nặng.
Các tỉnh Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch sầu riêng. Trong đó, Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai, sau tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, năm 2022 năng suất sầu riêng Đắk Lắk giảm mạnh do biến đổi khí hậu khiến người trồng sầu riêng lo lắng.
Mất mùa vì mưa bất thường
Ông Đặng Văn Tuấn (ngụ xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình có hơn 1,5 ha trồng sầu riêng. Trong đó, hơn 1 ha trồng xen canh trên đất liên kết với Công ty Cà phê Phước An nhưng năng suất giảm tới 30% so với vụ trước.
“Nhiều vườn sầu riêng trồng liên kết với Công ty Cà phê Phước An cũng đang mất mùa nặng, sản lượng giảm từ 30%-50% so với năm ngoái. Gia đình chị gái tôi có 1 ha liên kết, năm ngoái thu hoạch được 26 tấn nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 8 tấn sầu riêng, giảm tới hơn 2/3 sản lượng. Bên cạnh đó, việc mất mùa khiến chất lượng sầu riêng bị ảnh hưởng, trái xấu nên giá bán không cao” – ông Tuấn nói.
Về giá cả, ông Tuấn cho biết năm 2020, 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên giá sầu riêng xuống rất thấp. Năm nay, giá sầu riêng bán xô tại vườn đạt khoảng 45.000 đồng/kg, tương đương với mức trung bình những năm trước dịch. Trong khi chi phí tái đầu tư thời gian qua tăng rất cao khiến nông dân thiệt hại nặng. Người trồng sầu riêng vẫn loay hoay điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Chiến (xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), gia đình có 2 ha trồng sầu riêng, năng suất năm nay giảm khoảng 35% so với năm ngoái. “Biến đổi khí hậu đã làm sai chu kỳ chăm sóc của người trồng sầu riêng. Khi cây nở hoa thì gặp trời mưa nên tỉ lệ đậu trái thấp và vẻ ngoài trái sầu riêng khá xấu” – ông Chiến nói.
Tại Đắk Nông, người dân trồng sầu riêng cũng lo lắng khi năng suất giảm mạnh. Chủ trang trại 17 ha sầu riêng – ông Nguyễn Ngọc Trung – cho biết sản lượng năm nay giảm khoảng 30%-40%. Trong khi đó, giá bán không tăng mà chi phí đầu tư tăng mạnh nên không có lợi nhuận.
Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện chưa có thống kê cụ thể về sản lượng sầu riêng niên vụ 2022. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ có thể thấy một số vùng năng suất giảm thấy rõ.
“Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ thay đổi. Người trồng sầu riêng cứ nghĩ bình thường như mọi năm nhưng khi canh hoa nở thì gặp mưa, ảnh hưởng đến quá trình đậu trái” – ông Thành cho biết thêm.
Tập trung cho thị trường lớn
Dù sầu riêng năm nay mất mùa, năng suất thấp nhưng các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương vẫn đang triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc theo bản nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng vừa được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết hồi tháng 7 vừa qua.
Ông Đặng Văn Tuấn cho biết chính quyền địa phương vừa vận động người dân tham gia chương trình VietGAP để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện ông vẫn chưa rõ các điều kiện, quy trình sản xuất và quyền lợi tham gia thế nào.
“Chúng tôi nghe tin sầu riêng chuẩn bị được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây là tín hiệu vui. Bên cạnh đó có rất nhiều quy định, ràng buộc nên người trồng sầu riêng mong muốn cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ lưỡng quy trình chăm sóc, thu hoạch sầu riêng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” – ông Tuấn đề xuất.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngay khi nghị định thư bắt đầu được xây dựng. Đến nay, tỉnh đã thiết lập và xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.500 ha và 24 mã cơ sở đóng gói trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho hay nghị định thư thực chất là những yêu cầu kỹ thuật buộc bên xuất khẩu phải tuân thủ. Do đó, để trái sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc lâu dài, bền vững thì mỗi địa phương, doanh nghiệp, nông dân phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong vận hành chuỗi giá trị để đáp ứng tốt các yêu cầu, quy định đề ra. “Chúng tôi đang chờ phía Trung Quốc xem xét và cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng” – ông Côn nói.
Còn theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông – Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), nghị định thư xuất khẩu sầu riêng mới là sự khởi đầu mở ra một trang mới cho ngành sầu riêng Việt Nam.
Trong xuất khẩu, việc tuân thủ các quy định là yêu cầu quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết để sản phẩm có thể nhập khẩu vào thị trường đối tác. Đắk Lắk cần có những chương trình giám sát, bởi bên cạnh kiểm tra sự tuân thủ thì cần hỗ trợ đào tạo, tập huấn trực tiếp cho người nông dân để họ bảo đảm được những yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
“Việc khai thông xuất khẩu sang Trung Quốc là điều đáng mừng nhưng các nhà hoạch định xuất khẩu nông sản không nên quá dựa dẫm vào một thị trường mà cần phải tiếp tục mở rộng, phát triển sang những thị trường khác” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này