08:49 - 05/06/2020
Ông Nguyễn Lâm Viên: Covid-19 mang đến cơ hội cho startup nông nghiệp
Là người từng phải đối mặt với hàng loạt biến cố lớn trong hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit có những chia sẻ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ xử lý khủng hoảng trong mùa dịch…
– Trải qua hàng chục năm gầy dựng Vinamit thành công như ngày hôm nay, ông có những ký ức đáng nhớ nào vượt qua khủng hoảng như dịch Covid-19?
– Đối với cá nhân tôi cũng như Vinamit thì nhiều biến cố đã xảy ra, tưởng chừng như không gượng dậy nổi. Cú ngã đầu tiên xảy ra vào năm 1989, khi đó, từ một doanh nghiệp triệu đô, Vinamit gặp hoả hoạn và tất cả những gì còn sót lại chỉ khoảng 4.000 USD. Với những tai hoạ như thế này thì nhiều người đã phải bỏ cuộc, phá sản. Tuy nhiên, bản thân tôi may mắn là có hàng ngàn công nhân xung quanh, nhiệt tình muốn cùng tôi vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Họ đòi đi theo mình và không cần nhận lương. Đây chính là động lực để tôi đứng lên, tiếp tục xây dựng doanh nghiệp Vinamit. Vừa chân ướt chân ráo vượt qua giai đoạn khó khăn này thì năm 1992, một biến cố tiếp theo cũng khiến doanh nghiệp lao đao. Bốn năm sau, vào năm 1996, khi chúng tôi bán hàng qua Đài Loan, do lỗi kỹ thuật, 50 container hàng hoá bị trả về. Đây là con số không nhỏ thời bấy giờ. Mang hàng trở về, bán không được và phải tốn thêm các chi phí để tiêu huỷ. Tuy nhiên, nhờ những sự cố như thế này đã giúp tôi có được những kinh nghiệm để từng bước xây dựng doanh nghiệp và có chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển thị trường tốt hơn, biết cách xử lý khủng hoảng nếu có.
– Ông nhận định những khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt thời dịch bệnh Covid-19 như thế nào?
– Thật ra, tất cả các bạn khởi nghiệp nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đang rơi vào tình trạng khủng hoảng rất bất ngờ. Những ngành chúng ta thấy rõ nhất như dịch vụ, du lịch, vận tải, và ngay cả những ngành sản xuất tưởng chừng không bao giờ ảnh hưởng, nhưng phải đối mặt với khó khăn trước tình hình dịch bệnh. Thị trường không thể cung cấp những nguyên vật liệu, dù là chi tiết nhỏ như con ốc vít, cây đinh cho doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế. Sự ảnh hưởng này diễn ra đồng bộ, rộng rãi ở các ngành, chứ không riêng một ngành nào cả. Duy chỉ có một số ngành đang bộc phát đặc biệt như: y tế với các sản phẩm là khẩu trang, nước rửa tay, các loại thuốc tăng sức đề kháng… Hay như ngành cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu vẫn còn sống được.
– Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, như vậy, cơ hội cho các startup nông nghiệp sẽ như thế nào thưa ông?
– Đối với các bạn khởi nghiệp hiện nay, may mắn của họ khi đang khởi nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, cụ thể là sản xuất, chế biến nông sản, nên tôi cho rằng sự ảnh hưởng chưa lớn. Tuy nhiên, một số kênh phát triển thị trường của các bạn khởi nghiệp đi không khéo, thì cũng chịu sự ảnh hưởng. Thí dụ như kênh phân phối vào các nhà hàng có thể bị ảnh hưởng. Nhưng điều này cũng không đáng lo ngại, vì trong hoàn cảnh nào, người dân vẫn cần phải ăn, phải uống; nên tôi cho rằng các bạn khởi nghiệp trong nông nghiệp luôn ổn định và có cơ hội, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đang sản xuất những sản phẩm mang tính bền vững hoặc mang những yếu tố sinh học. Trong biến cố diễn ra đại dịch hiện nay, con người đều nghĩ đến sức khoẻ, cần miễn dịch và việc nâng cao hệ miễn dịch cho các thành viên trong gia đình được đặt lên hàng đầu. Cho nên, những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ, kháng khuẩn… đang có cơ hội phát triển bùng nổ trong tương lai. Tóm lại, cơ hội đang rất rộng mở dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp.
– Để tận dụng tốt cơ hội, họ cần làm gì?
– Đứng trước cơ hội lớn như hiện nay, doanh nghiệp phải chú trọng đến kênh phân phối và làm sao để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhiều kinh nghiệm, và đặc biệt là phải có chuỗi liên kết với nhau, tạo nên những nhóm (team) để gắn kết giữa nông thôn và thành thị, giữa nội địa và xuất khẩu… Những mối liên kết đó, những chuỗi (teamwork) đó rất quan trọng, để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đẩy nhanh cơ hội, đẩy nhanh giá trị gia tăng cho sản phẩm. Doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ thống nhất vai trò của từng đối tượng ở từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng đối với sản phẩm, cũng nhưđối với từng đơn vị tham gia liên kết.
– Nhưng họ vẫn lo lắng vấn đề tài chính, thị trường…?
– Khi gặp khủng hoảng, ai cũng đều hoang mang, lo sợ. Điều quan trọng các bạn cần làm trong lúc này là phải bình tĩnh. Chúng ta phải biết làm những việc cần thiết của một đơn vị, của gia đình hay của cá nhân là phải cẩn trọng trong việc chi tiêu. Nếu cần thiết thì hãy chi tiêu, còn lại là phải có khoản dự phòng để ngừa rủi ro. Không chỉ riêng lương thực, mà nhiều vấn đề khác cũng cần phải dự phòng. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần tăng khả năng bán hàng để tăng thu, giảm chi, biến hay hoá giải những định phí thành biến phí, để chúng ta luân chuyển, từ đó giúp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Quan trọng nhất là phải bảo toàn sức khoẻ và cẩn trọng trong việc đầu tư. Đối với các khoản nợ thì phải trả. Tuy nhiên, giữa cuộc khủng hoảng chung của thế giới như hiện nay thì việc xin tạm hoãn trả nợ là cần thiết. Hoãn trả nợ tức là doanh nghiệp đang còn có ít vốn liếng để tìm cách vượt lên. Chắc chắn, những chủ nợ nào cũng đồng tình với mình, bởi nếu chủ nợ nào cũng đòi lấy bằng được tiền thì đâu còn để lấy. Ngay cả nợ ngân hàng cũng vậy.
– Với người trẻ khởi nghiệp, khai thác hết lợi thế thị trường đang có luôn là bài toán khó?
– Trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, doanh nghiệp cần có cách thức quản trị tốt hướng đến việc bảo tồn vốn, tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi thu hút, và tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất trong marketing, bán hàng là luôn thấu hiểu. Phải hiểu nội lực của bản thân và thấu hiểu mong muốn của khách hàng, xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng và tạo được sự ổn định và khác biệt. Thấu hiểu khách hàng là điều quan trọng. Chuyển biến của đại dịch là chuyển biến của thấu hiểu mới, và sự thấu hiểu mới này sẽ tạo ra nhiều cơ hội. Nếu chúng ta càng thấu hiểu khách hàng, chúng ta càng nhìn ra được cơ hội để tiếp cận và mở ra trang mới cho một sản phẩm mới, cũng như thị trường mới. Nếu các bạn khởi nghiệp tập trung nhiều vào việc thấu hiểu khách hàng, thì đây là cơ hội rất tốt. Tâm lý của khách hàng trong thời điểm dịch bệnh như thế này là hoàn toàn khác với trước đây, nó khác biệt rất lớn. Doanh nghiệp phải tìm cách riêng để phục vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó, nâng cao được giá trị thông qua cảm xúc của khách hàng. Khi khách hàng nhận biết được việc nâng cao sức khoẻ, hệ miễn dịch, thì chứng tỏ được rằng doanh nghiệp cũng nâng cao hệ miễn dịch để tồn tại và phát triển.
Bài, ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này