
09:48 - 07/04/2020
Luang Prabang và câu chuyện ‘lấy đá tự ghè chân’
Thuỷ điện – giải pháp từ những năm 50 thế kỷ trước cùng những tham vọng dùng đập thuỷ điện để vừa chi phối thị trường điện năng vừa đảo lộn và khống chế vùng hạ lưu Mekong – đang chứng minh sự huỷ diệt.

Dịch vụ ca-nô cao tốc James Bond Boat xé gió, lướt nước trên dòng Mae Nam Khong (tên người Lào gọi sôn Mekong).
Phía thượng nguồn, những đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong làm tê liệt từng phần, đang tiếp tục gây tai biến vùng hạ lưu theo dòng vốn đầu tư.
Điều khó tin nhưng có thật
Không thể tin rằng trong số đó có tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) dành 38% trong tổng số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, đổ vào dự án thuỷ điện Luang Prabang (phía Lào 25%, các đối tác khác 37% ). Càng không thể tin rằng, trong khi Chính phủ Việt Nam chuẩn chi 350 tỷ đồng để hỗ trợ năm tỉnh báo động khẩn cấp trước hạn – mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tháng 4 tới đây, các nhà đầu tư PV Power sẽ khởi động lại dự án thuỷ điện Luang Prabang – công trình dạng đập dâng với hồ chứa có diện tích 90km2, điều tiết ngày đêm, công suất lắp máy Nlm = 1.410MW, tương ứng điện năng trung bình năm khoảng Enn = 6.016 triệu kWh.
“Là đập lớn thứ 5 của Lào trên dòng chính Mekong, dự án này sẽ gia tăng sức ép vùng hạ nguồn, trong đó có ĐBSCL”, PGS.TS Lê Anh Tuấn, từng là điều phối viên chương trình Phát triển nông thôn ở Lào (hợp tác Việt – Lào) từ năm 1993 – 1998/1999, hiện nay là phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ (viện DRAGON – Mekong), nói. “Điều rất tệ hại nếu một công ty quốc doanh Việt Nam tham gia đầu tư bất kỳ dự án thuỷ điện nào ở dòng chính sông Mekong, vì nó sẽ gây ra sự huỷ hoại hệ sinh thái và cuộc sống ở vùng hạ lưu. Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng chuỗi đập từ thượng nguồn gây biết bao khó khăn, giờ đây, PV Power lại đầu tư vào Luang Prabang chẳng khác nào tự mình hại mình!?”
Các chuyên gia năng lượng (người Việt) từ nước ngoài về, cùng nghiên cứu Biển Hồ và các dự án đập thuỷ điện ở Campuchia, Lào, từng đưa ra ý kiến phát triển mạng lưới điện tái tạo (gió, mặt trời) thay thuỷ điện. Như vậy, không nhất thiết phải làm xây đập mới có nguồn điện năng. Theo TS Lê Anh Tuấn, các nhà khoa học tin rằng điện tái tạo mới là xu hướng đầu tư đúng, vì không huỷ hoại môi trường và giá thành điện tái tạo ngày càng rẻ.
Cuộc chơi trong dòng vốn
Các nhà đầu tư thuỷ điện quá biết những thành tựu mới từ năng lượng tái tạo và hậu quả của những đập thuỷ điện trên dòng chính, kể cả những suy tính kìm hãm vùng hạ lưu khi Trung Quốc làm đập ở thượng nguồn, nhưng tại sao họ vẫn khởi động lại dự án Luang Prabang?
Trước khi có quyết định đầu tư, cũng từng có nhiều biện bạch, rằng nếu PV Power không làm thì Trung Quốc sẽ nhảy vào? Tuy nhiên, là người có kinh nghiệm nghiên cứu Mekong nhiều năm, PGS.TS Lê Anh Tuấn, nói với tiềm lực của Sinohydro, Datang International và China Power… (những công ty được Trung Quốc vinh danh đã “thuần hoá Mekong”) và hệ thống ngân hàng Trung Quốc, nếu họ muốn đầu tư vào thuỷ điện này thì “Việt Nam sẽ không có cửa”. “Chẳng qua, đây là một cái “bẫy”, khi Việt Nam nhảy vào dự án thuỷ điện Luang Prabang, thì sau này không thể phê phán tác hại thuỷ điện trên dòng chính của Trung Quốc hay Lào được nữa”, ông Tuấn nhận định, đồng thời đánh giá trong điều kiện biến đổi thời tiết, khí hậu như hiện nay, việc tìm kiếm lợi nhuận từ đập thuỷ điện không đơn giản. Do đó, lý do tái khởi động dự án có lẽ vì các nhà đầu tư thuỷ điện muốn lấy lại lòng tin từ ngân hàng và các cổ đông?
Khởi động năm 2007, trong đó PV Power nắm cổ phần lớn nhất, nhưng vì nhiều lý do nên việc đưa Luang Prabang vào khai thác vào năm 2014 theo kế hoạch bị đổ vỡ. Theo TS Tuấn, có thể nhà đầu tư tính toán không có lời chứ không phải trì hoãn, vì thời gian tham vấn kéo dài sáu tháng. Càng không phải vì họ cân nhắc trước cảnh khô hạn ở vùng hạ lưu sông Mekong.
Trước những biến đổi khó lường, Trung Quốc cũng khốn khó khi nguồn nước cạn kiệt. Bằng chứng là tháng 3/2016, Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc xả nước đập thuỷ điện Cảnh Hồng từ mức 1.100m3/giây, lên mức 2.190m3/giây để giải hạn cho vùng hạ lưu. Nhưng nước không có, ĐBSCL vẫn đồng khô cỏ cháy. Năm nay, chính Trung Quốc chủ động tuyên bố tăng mức xả nước đập Cảnh Hồng từ 850m3/giây lên 1.000m3/giây, để giải quyết phần nào nhu cầu cấp bách của các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mekong, nhưng ở ĐBSCL khô hạn và xâm nhập mặn còn khốc liệt hơn năm 2016.
Làm gì để không hối tiếc?
“Vấn đề đáng nói là PV Power lại là một bên đối tác quan trọng trong khai thác dự án Luang Prabang. Việc làm này tạo ra một tình huống bất minh. Một mặt, Việt Nam phản đối xây đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong, mặt khác PV Power lại chia phần trong dự án thuỷ điện – là phát kiến đã lỗi thời”, ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nói.
Về mặt sinh thái và đa dạng sinh học thì đập thuỷ điện tác động đến hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học của dòng sông, có thể chọn các dạng năng lượng tái tạo gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thuỷ điện không đập, thuỷ triều… Năm nay, hạn hán, cạn dòng – biến đổi khí hậu bồi thêm đòn chí tử vào sự tồn tại của đa dạng sinh học – các loài cá, đặc biệt là các loại quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, vừa do mất môi trường sống, vừa do ngư dân khai thác triệt để vì sinh kế của họ. Về tương lai của ĐBSCL, cần xác định nơi này còn là nơi đáng sống sau năm 2050 hay không? “Nếu câu trả lời là còn, thì cần một hệ thống bảo vệ nguồn nước thống nhất và thân thiện với môi trường sinh thái. Yêu cầu của hệ thống bảo vệ này là đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô hạn, giúp bảo đảm sinh mạng và tài sản người dân”, ThS Kỷ Quang Vinh nói.
Sắp tới, theo thoả thuận đã ký, dự án thuỷ điện Stung Treng có vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD sẽ được xây dựng ở vùng đông bắc Campuchia. Các nhà đầu tư từ Việt Nam sẽ thực hiện dự án thuỷ điện này (khả năng lưu trữ hoạt động 70 triệu m3, sản lượng điện hàng năm khoảng 3,76 tỷ kWh, diện tích ngập 211km2), gồm có: IDICO, tổng công ty Sông Đà, tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI), và ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Nikkei Asian Review đã chứng minh: đập Pak Beng trị giá 2,4 tỷ USD đang được xây dựng bởi công ty Datang Overseas Investment, Trung Quốc. Dự án thuỷ điện Pak Lay trị giá 2,1 tỷ USD trên sông Mekong do ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) tài trợ với khoản vay 1,7 tỷ USD, và Power China Resources làm chủ thầu. Công ty thuỷ điện Sinohydro và China International Water & Electric Corporation, công ty con của tập đoàn Three Gorges, đang bao phủ lĩnh vực năng lượng tại Lào. Trong đó, Sinohydro chịu trách nhiệm cho các dự án đập trị giá hơn 2 tỷ USD do ngân hàng Xuất nhập khẩu và ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp vốn. Lào đã nhận tổng cộng 11 tỷ USD tài chính hỗ trợ phát triển từ Trung Quốc, đứng thứ 2 sau Pakistan – quốc gia nhận tài trợ nhiều nhất từ Trung Quốc (16,3 tỷ USD), theo Nikkei Asian Review.
Hoàng Lan – Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này