09:53 - 07/08/2020
Trao chìa khoá mở cửa thị trường xa
Mở rộng thêm triển vọng đi ra chợ thế giới, và cũng từ đó, doanh nghiệp (DN) cũng như các HTX thấy rõ, họ cần có tấm giấy thông hành để khỏi “bị rớt từ vòng gửi xe”.
Cần chìa khoá để bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Đó chính là các giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, tấm giấy thông hành giúp các nhà sản xuất nông sản đi ra thế giới với sự công nhận về chất lượng, tính an toàn. Tổng hợp cho các loại tiêu chuẩn khác nhau, một tiêu chuẩn chung được xây dựng trong bốn năm qua, để cộng thêm vào tài sản “Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) do Người tiêu dùng bình chọn” một sức mạnh mới: nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC – Chuẩn hội nhập”.
Hội DN.HVNCLC đã tiến hành chương trình thứ 2 song song với chương trình NTD bình chọn hàng năm, để hình thành một bộ tổng thể hai loại tiêu chuẩn, thể hiện hai mặt sức mạnh của sản phẩm: vừa được thị trường nhìn nhận, vừa đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn, điều mà thường khi, NTD chỉ với cảm nhận trực quan thì chưa thể hiểu sâu về tính an toàn, tính bình ổn của chất lượng sản phẩm để tin cậy đầy đủ…
Một tiêu chuẩn mới ở Việt Nam là “bước đệm” đưa nông sản vượt ra khỏi biên giới của thị trường nội địa, đến với thị trường thế giới chính là LocalG.A.P., vừa được tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn GlobaLG.A.P. phối hợp xây dựng với Hội DN.HVNCLC và từ năm 2020, bắt đầu thực hiện tại Việr Nam.
Sau khi nội dung của LocalG.A.P. được tổ chức GlobalG.A.P chính thức công bố, hiện nay việc bắt tay vào tư vấn – huấn luyện và hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp đã được tiến hành.
Chuyên gia tiêu chuẩn Nguyễn Kim Thanh của chương trình “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” đã phụ trách việc hỗ trợ các HTX triển khai áp dụng tiêu chuẩn GlobalG.A.P. và LocalG.A.P. (còn gọi là Primary Farm Assurance) trong khuôn khổ dự án CoopEnable tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp. Tuần rồi, chuyên gia tiêu chuẩn Nguyễn Huy (nguyên giám đốc tiêu chuẩn của tổ chức đánh giá chứng nhận Bureau Veritas), đã trực tiếp “khai tâm” cho hơn chục HTX nông nghiệp – khởi nghiệp tại Sơn La. Điều cảm động là số HTX tự ứng cử để nhận được sự hỗ trợ của Hội DN.HVNCLC (hỗ trợ 30% chi phí làm tiêu chuẩn) và tổ chức WISE (hỗ trợ HTX và DN phụ nữ phát triển) là khá nhiều, nên các chuyên gia đã trải qua cuộc “đấu xảo”, để cuối cùng chọn được bảy HTX sẽ được hỗ trợ lấy chứng nhận này.
Thấy gì từ bốn HTX ở ĐBSCL làm tiêu chuẩn LocalG.A.P.?
Đó là bốn HTX: HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (vú sữa) Đồng Tháp; HTX Xoài Tân Thuận Tây Đồng Tháp; HTX Nông sản an toàn An Hoà (nhãn) Đồng Tháp; Hộ sản xuất Cũng Quang Tiến (lúa) của TP Cần Thơ.
Nhìn chung, cả bốn HTX chưa có nhân sự đủ năng lực để thiết lập và vận hành một hệ thống quản lý chất lượng. Trong quá trình triển khai tiêu chuẩn GlobalG.A.P., sở NN-PTNT, chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã đưa cán bộ chuyên trách hỗ trợ thiết lập và vận hành hệ thống quản lý chất lượng. Nhờ vậy, các HTX tìm được nhân sự tại chỗ để phát triển nguồn nhân lực nội tại của các HTX khác trong tương lai. Một ghi nhận thú vị từ HTX Nông sản nhãn an toàn An Hoà, là những nông dân trẻ (không phải cấp quản lý của HTX) đã tham gia tích cực vào nhóm vận hành hệ thống quản lý chất lượng, và đảm đương được việc lấy thông tin, nhập dữ liệu và quản lý hồ sơ sản xuất điện tử.
Còn với xã viên, họ có một số thiếu sót: không quen ghi chép và lưu giữ hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất; không thống nhất áp dụng một kỹ thuật trồng tốt nhất, và không có một kế hoạch quản lý dịch hại tổng hợp, qua việc sử dụng thuốc sâu.
Cuối cùng, sau các khoá huấn luyện để lấy giấy chứng nhận, phía tư vấn đưa ra một số điểm khuyến nghị, thì thấy các HTX đã thực hiện tương đối tốt hai điều: bản thân HTX và các thành viên cần ý thức rõ ràng việc họ phải đóng vai “làm chủ” trong suốt quá trình triển khai áp dụng tiêu chuẩn và cấp quản lý nhà nước là sở Nông nghiệp có hỗ trợ và thúc đẩy áp dụng hồ sơ điện tử, vừa giải quyết được vấn đề ngại ghi chép của nông dân, vừa tạo thuận lợi trong giám sát quá trình sản xuất và xây dựng các kế hoạch thương mại. Các điều còn lại cần được nâng cao tiếp tục (xây dựng được kế hoạch kinh doanh tốt; cơ quan quản lý chú trọng hơn tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại HTX).
16 HTX vùng cao, lần đầu nghe LocalG.A.P.
Còn với 16 HTX dự tập huấn về quản trị và xây dựng tiêu chuẩn tổ chức tại tỉnh Sơn La, thì ngoài một ngày được nghe trình bày về tiêu chuẩn nói chung và về tiêu chuẩn LocalG.A.P. bởi chuyên gia Nguyễn Huy, sau đó, các chuyên gia đã nghe 16 HTX giới thiệu các dòng sản phẩm, việc gia tăng giá trị cho sản phẩm, và các nhu cầu cần hỗ trợ. Các HTX này hầu hết sản xuất trái cây (mận, bơ, xoài địa phương, cam canh, chanh dây, nhãn, thanh long…), ba HTX đặc sản (măng, mật ong…), một HTX rau và một HTX phân phối, một HTX dịch vụ du lịch. Một số không nhỏ sản phẩm độc đáo và hấp dẫn nhưng sản lượng còn nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều yêu cầu về hỗ trợ để chế biến sản phẩm, cho thấy nhận thức của các HTX có sự tiến bộ rõ nét về: tính khác biệt và giá trị gia tăng như là lợi thế cạnh tranh lớn của sản phẩm. Các HTX cũng quan tâm tới thiết kế bao bì, hệ thống nhận diện, là những chỉ dấu cho thấy bước đầu các HTX đã nhận thức rõ rệt về các yếu tố cạnh tranh nhất thiết phải nâng cao.
Các chuyên gia chọn được sáu HTX có sản phẩm đặc sắc, định hướng chế biến rõ rệt, có vốn tài chính và nhân lực mức tương đối, và có quyết tâm theo đuổi việc xây dựng LocalG.A.P.
Hy vọng những cái tên được biết nhiều: Nà Sản, Mộc Châu, Yên Châu, Bắc Yên rồi đây sẽ có thể được đặt phía sau tên sản phẩm bản địa xuất khẩu, với sự chắp cánh của tiêu chuẩn LocalG.A.P.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này