
10:02 - 07/08/2020
LocalG.A.P. cho phụ nữ miền núi phía Bắc
Từ ngày 23 – 26/7/2020 tại Hà Nội, Hội DN.HVNCLC cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức các khoá tập huấn “Thiết kế mô hình kinh doanh – liên kết chuỗi giá trị và tổ chức doanh nghiệp, HTX theo tiêu chuẩn LocalG.A.P – GlobalG.A.P. cho hơn 50 nữ lãnh đạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, các HTX nông nghiệp đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2020, các khoá huấn luyện tương tự cũng được tổ chức tại Sơn La trong mối quan tâm hỗ trợ và liên kết với WISE SOCIAL (công ty cổ phần Xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh) cùng trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của VCCI.
Tại các khoá tập huấn, các chuyên gia đã hướng dẫn học viên về cách thức quản trị hợp tác xã (HTX), xây dựng mô hình kinh doanh và lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu dựa trên quan điểm ‘kiềng ba chân’ gồm: Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa; Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; Mô hình kinh doanh mang lại lợi ích cho nhiều phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Ngoài ra, các học viên cũng được học về cách xây dựng hệ thống bán lẻ chủ động cho sản phẩm và truyền thông online cho sản phẩm.
Với chủ đề xây dựng tiêu chuẩn, chuyên gia về tiêu chuẩn đến từ hội DN.HVNCLC đã dành nhiều thời gian để giới thiệu, hướng dẫn các HTX thực hiện LocalG.A.P. – bộ tiêu chuẩn ra đời từ chương trình hợp tác giữa hội DN.HVNCLC và tổ chức GlobalG.A.P. nhằm mục đích triển khai tại Việt Nam. Trong đó, tập trung nói về sự cần thiết và những yêu cầu của bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn về cách triển khai, xây dựng, định hướng sản xuất, nhấn mạnh vào lộ trình, kế hoạch công việc cần làm khi một HTX muốn tham gia chương trình LocalG.A.P.
Theo chuyên gia, tiêu chuẩn là yếu tố then chốt, là “chìa khoá” mở cửa thị trường cho hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ, góp phần rất quan trọng, rất cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn những người khởi nghiệp nông nghiệp thường sản xuất theo thói quen, nên chưa bắt kịp yêu cầu của thị trường.
Nhiều năm qua, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp của thanh niên, phụ nữ các dân tộc thiểu số phát triển mạnh. Tuy nhiên, phần lớn họ khởi sự kinh doanh bằng niềm đam mê hoặc từ một số lợi thế riêng, ví như những tài nguyên bản địa. Còn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và phát triển, họ chưa có những kiến thức, kỹ năng phát triển sản phẩm một cách hoàn chỉnh để đưa ra thị trường. Đặc biệt là họ chưa có cách tổ chức, vận hành quản lý một HTX, một doanh nghiệp của mình. Cho nên việc áp dụng một mô hình – một bộ tiêu chí vào sản xuất nông nghiệp là việc hết sức quan trọng để các HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp chuẩn hoá ngay từ đầu cho sản phẩm của mình.
Bà Ngô Hồng Điệp, giám đốc vận hành của WISE SOCIAL, trưởng ban tổ chức mong muốn qua các khoá tập huấn này, chị em đồng bào dân tộc ở Sơn La nói riêng và các dân tộc miền núi các tỉnh phía Bắc nói chung có cơ hội nhìn nhận một cách bao quát, tổng thể và dài hạn hơn về hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, đặc biệt là kết nối được với các chuyên gia cũng như các nhà phân phối, thị trường. “Đặc biệt, chị em thấy được điều cốt lõi khi đưa hàng hoá ra thị trường thì cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, từ đó thực hiện đúng và đủ những yêu cầu, xây dựng các tiêu chuẩn, đạt được chứng nhận để bán hàng tốt hơn”, bà Ngô Hồng Điệp nói.
Việc LocalG.A.P. được chọn để đưa vào chương trình tập huấn, bà Phạm Hoàng Ngân, cố vấn của chương trình Ươm tạo tăng tốc của dự án WISE, cho rằng vì đây là bộ tiêu chuẩn sát với thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa sức với doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân, thanh niên cũng như các HTX, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc.
“Chúng tôi tin tưởng LocalG.A.P. sẽ giúp cho các HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc chuẩn hoá được hai yếu tố. Trước hết là tái cấu trúc doanh nghiệp, HTX một cách chuyên nghiệp, đầy đủ chức năng. Thứ hai là giúp cho các xã viên, thành viên HTX chuẩn hoá tốt hơn về quy trình, phương thức sản xuất, vận hành, kinh doanh. LocalG.A.P. là tiêu chuẩn toàn diện không những về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, mà cả về tổ chức HTX, các xã viên HTX”, bà Phạm Hoàng Ngân đánh giá.
Ngoài ra, đối với nhóm đối tượng là các HTX đang có quy mô sản xuất nhỏ, ban tổ chức chọn mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên để định hướng và huấn luyện quy trình như một cách tôn trọng và hoàn thiện tối đa nông pháp không dùng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tham gia khoá tập huấn, ngoài việc tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia, học viên còn được tham quan, trải nghiệm thực tế tại một số mô hình cụ thể tại Hà Nội, như: Mô hình sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên của Nguyễn Thị Thu, huyện Thường Tín; HTX nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến, đơn vị đạt tiêu chuẩn GlobalG.A.P. về rau quả. Ngoài ra, học viên còn được tham quan, học kỹ năng bán hàng tại siêu thị VinMart, cửa hàng thực phẩm sạch Đồng Quê, Trâu Vàng…
LocalG.A.P. là chương trình hợp tác giữa hội DN.HVNCLC với GlobalG.A.P. để tạo thuận lợi cho nông hộ nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia vào thị trường.
LocalG.A.P. là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất và được thiết kế đặc biệt bởi GlobalG.A.P. cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Tiêu chuẩn này định hướng để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông hộ nhỏ cải tiến hiệu quả quản lý trang trại, vùng sản xuất, giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm (ATTP) và tuân thủ các quy định về ATTP. Thông qua công cụ này, nông dân có thể đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào các thị trường địa phương, khu vực…
LocalG.A.P. cũng là bước đệm cho nông dân có nhu cầu đạt chứng nhận GlobalG.A.P. nhằm đưa sản phẩm của mình vào các thị trường quốc tế – nơi đòi hỏi có chứng nhận GlobalG.A.P. Mặt khác, công cụ này cũng có thể giúp nhà nhập khẩu nước ngoài bổ sung vào danh sách khách hàng của mình trong mạng lưới các nhà sản xuất nông nghiệp tin cậy để mua hàng qua những mã số LGN (LocalG.A.P. number) do GlobalG.A.P. cấp và đăng tải trên web của mình.
Theo đó, từ năm 2020, bên cạnh chứng nhận VietG.A.P., nông dân có thể chọn chứng nhận LocalG.A.P. như một đảm bảo cho nông sản an toàn. Với uy tín toàn cầu của GlobalG.A.P., chương trình LocalG.A.P. sẽ nâng cấp năng lực sản xuất của nông dân Việt, cũng như cấp “thị thực” cho nông sản Việt Nam ra nước ngoài.
Trong năm 2019, đã có hai HTX (sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp) được hai tổ chức quốc tế hỗ trợ, dự kiến hai đánh giá chứng nhận đầu tiên sẽ được thực hiện trễ nhất là vào cuối năm 2020. Với dự án này, HTX được tập huấn cho cách xác định vị trí vườn trồng của các hội viên, từ đó, người mua hàng dễ dàng biết nhãn, lúa được sản xuất từ vùng nào, quy trình chăm sóc, năng lực cung cấp… Ngoài ra, đối với HTX có hội viên là nông dân trẻ, việc thu thập dữ liệu và thiết lập hệ thống hồ sơ điện tử được hướng dẫn cho nhóm này, để HTX có thể tự thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất.
bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này