
09:20 - 23/05/2019
Kinh doanh kèm an sinh, môi trường
Tôi biết một anh bạn trẻ xuất khẩu nông sản sang châu Âu đã nhiều năm nay. Trước chỉ thuần làm về thương mại, hơn một năm trở lại đây, anh bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng chuỗi cung ứng: tìm kiếm nhà vườn liên kết và xây dựng nhà máy chế biến.
Tôi hỏi sao không làm thương mại cho khoẻ, xây dựng chuỗi này nọ chi cho mệt. Anh bạn bảo thị trường ngày một khó tính, khách mua hàng ngày nay đòi hỏi đủ thứ, chứng nhận an toàn thực phẩm như BRC (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của hiệp hội Bán lẻ Anh quốc) hay IFS (Tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm) đã là phổ thông, nhà xuất khẩu giờ phải phù hợp thêm với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các vấn đề an sinh cho người lao động và bảo vệ môi trường.
Những nhà mua hàng lớn trong ngành thực phẩm như Walmart, McDonald’s hay Tesco, đã đưa các yêu cầu này vào quy trình đánh giá nhà cung cấp của họ từ rất lâu, ít nhất một năm một lần, nhà cung cấp phải được đánh giá theo những tiêu chuẩn có liên quan.
Vấn đề an sinh cho người lao động
Dù rằng luật Lao động Việt Nam được xem là tương thích với các công ước của liên đoàn Lao động Quốc tế (ILO), tuy nhiên phù hợp với các quy định về an sinh cho người lao động, trước hết là theo luật lao động, chưa bao giờ là dễ dàng đối với các nhà xuất khẩu ở nước ta. Vấn đề nổi cộm thường liên quan đến thời gian làm việc, điều kiện an toàn lao động, hợp đồng và trả lương ngoài giờ. Đối với những công ty sản xuất, đặc biệt là sản xuất mang tính mùa vụ, đây là thách thức lớn với họ. Đa số cho rằng, nếu thanh tra lao động và công đoàn hoạt động hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phù hợp với các yêu cầu an sinh cho người lao động, cũng có nghĩa thành phần doanh nghiệp “không tử tế” sẽ phải đóng cửa, việc cạnh tranh khi ấy chắc chắn sẽ công bằng hơn.
Vấn đề bảo vệ môi trường
Ô nhiễm đất, nước, khai thác quá mức nước ngầm, sạt lở và sụt lún là mối bận tâm chính trong các tiêu chuẩn về sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Tôi lấy ví dụ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalG.A.P, nhà sản xuất, bất kể là trồng trọt hay chăn nuôi, đều phải có bằng chứng cho thấy họ có khả năng quản lý các rủi ro cho đất, nước và không khí.
Với tiêu chuẩn cho cây trồng, quản lý dư lượng trong đất là yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng cần lựa chọn và áp dụng biện pháp tưới thích hợp nhằm tiết kiệm nước sử dụng.Xem xét cách thức đánh luống nhằm giảm thiểu khả năng sạt lở.
Hay như chăn nuôi heo, gà, tiêu chuẩn yêu cầu phải xử lý vật nuôi bệnh, chết sao cho không ảnh hưởng đến môi trường. Điều này có thể dễ dàng hiểu được thông qua đợt dịch tả heo châu Phi hiện nay. Nếu yêu cầu này được các nhà chăn nuôi xem xét thoả đáng, chắc heo chết đã không trôi sông.Tuy nhiên, ai cũng hiểu được rằng, chi phí đầu tư một nơi xử lý vật nuôi chết là rất lớn. Điểm cốt lõi ở đây là: sẽ như thế nào nếu những người nuôi cùng nhau đưa vấn đề này ra thảo luận với cơ quan quản lý, chi phí cần được chia sẻ vì lợi ích chung, mức độ chia sẻ tuỳ thuộc vào mức lợi ích được hưởng của các bên liên quan.
Hoặc như nuôi thuỷ sản, các tổ chức hoạt động vì môi trường lo lắng nhất chính là việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm thâm canh, hay lao vào các vùng bảo tồn để… đào ao nuôi cá. Ngày nay, còn bao nhiêu người miền Tây “dám” tắm sông, lấy nước từ sông lóng phèn để nấu ăn, sinh hoạt? Giờ đây, ngoài phù sa, những dòng sông còn mang trong nó cơ man nào là thuốc bảo vệ thực vật từ các ruộng, các vườn cây ăn trái, hay hoá chất từ các ao nuôi, nhà máy, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi. Tác động trong hoàn cảnh hiện nay là tác động cộng dồn, thế nên tiêu chuẩn nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm mới yêu cầu đánh giá ảnh hưởng đến môi trường phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Trở lại câu chuyện của anh bạn trẻ, tôi mừng vì anh nhận ra rằng kinh doanh ngành thực phẩm thời này không thể chỉ tính mỗi chuyện nội tại của doanh nghiệp, mà cần có cái nhìn tổng thể trên toàn chuỗi.Rằng ngoài giá trị mang lại cho doanh nghiệp, còn phải thể hiện được giá trị doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng. Để “vươn khơi”, an toàn thực phẩm thôi chưa đủ, cần phải cho thấy được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng làm sao hiện thực hoá được điều đó, có lẽ tới lúc phải bàn về chia sẻ và hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, và giữa cộng đồng doanh nghiệp với những cộng đồng khác ngoài kia. Điều này, khiến tôi nhớ lại lời của một chuyên gia Hà Lan trong chuyến đi thực tế vừa rồi, rằng sự chia sẻ và hợp tác có sẵn trong gien của người Hà Lan, đó là lý do Hà Lan dẫn đầu cả về nông nghiệp lẫn thương mại. Nếu việc “cấy gien”… là khả thi thì tốt biết mấy!
Kim Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này