10:49 - 01/09/2019
Khi nhà nông thích ứng với biến đổi khí hậu
“Sáu đứa con tui học đại học, riêng thằng nhỏ đi Úc học cao học quản trị kinh doanh. Nói thiệt, nó đi học được cũng nhờ có tiền từ cách trồng lúa mới”, ông Nguyễn Hoàng Hương, 71 tuổi, nói như thế trên đường dẫn tôi ra thăm ruộng lúa của ông tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, sáng 24/8.
Trồng lúa không cần nhiều nước
Cách trồng lúa mới mà ông Hương nói đó là kỹ thuật trồng “ướt khô xen kẽ” (AWD) mà tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai tại Bạc Liêu từ năm 2013 đến nay. Ông nói: “Ở đây khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng nhiều, vì thế nông dân làm nhiều mà chẳng lời bao nhiêu, thậm chí còn thua lỗ. Nhưng từ khi áp dụng mô hình AWD, nông dân giảm được nước tưới, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng giống, giảm thất thoát sau thu hoạch, nhưng năng suất tăng, nhờ thế đời sống tăng lên rõ rệt”.
Cùng trò chuyện còn có anh Phan Thanh Tĩnh, cán bộ của GIZ, người từ miền Bắc vào đây lập nghiệp, lấy vợ Nam và lăn lộn hơn chục năm ở vùng đất mới để triển khai mô hình AWD từ lúc đầu tiên. Tĩnh tâm sự: “Không dễ thuyết phục nông dân mình làm theo cách mới. Ông Hương là thí dụ, ban đầu ông rất nghi ngại, chúng tôi phải kiên trì vận động đi tập huấn, rồi hỗ trợ chi phí ban đầu, dần dần ông mới tin và áp dụng. Nhưng từ khi ông thành công, bà con tin nghe theo và răm rắp chuyển đổi canh tác”.
Năm 2008, hợp tác xã Nam Hưng trồng lúa theo mô hình AWD ra đời, do ông Hương làm chủ nhiệm. Ban đầu hợp tác xã chỉ có 40 thành viên, vốn 200 triệu đồng, với 50ha canh tác, nhưng nay quy mô lên đến 69 thành viên, vốn đạt 2 tỷ đồng, diện tích canh tác tăng gấp đôi. Mô hình thành công đến nỗi nhiều bà con ngoài hợp tác xã cũng áp dụng theo.
Theo anh Nguyễn Hoàng Khiêm, chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, mô hình AWD dùng ít nước nên phù hợp với những vùng đất khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn như Bạc Liêu. Trong suốt quá trình lúa tăng trưởng, nước trong ruộng được bơm vào rồi rút ra xen kẽ, và được theo dõi thông qua các ống nhựa dài 40 – 50cm có đục lỗ bên hông, bên trong có chia vạch 5cm. Anh nói: “Có giai đoạn cây lúa được để khô cho bộ rễ ăn sâu vào đất và hút chất dinh dưỡng, nhờ thế lúa cứng cáp, ít ngã đổ và ít bị sâu bệnh tấn công”.
Dẫn tôi ra cánh đồng phủ một màu vàng ươm lúa chính vụ, ông Hương cho biết vụ này trồng giống Đài thơm 8, nếu làm cách cũ năng suất chỉ 4 tấn/ha, nhưng làm cách mới đạt đến 5 – 6 tấn/ha, ngược lại chi phí đầu vào cho mỗi ha lại giảm được 4 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, ở xã Nam Hưng còn nhiều trường hợp hưởng lợi từ mô hình AWD, chẳng hạn ông Nguyễn Chí Linh, mỗi vụ gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng so với trước, con cái đi học ở Cần Thơ, nhà cửa sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy và trả hết nợ ngân hàng.
Trả bớt nước lại thiên nhiên
Thế nhưng, mô hình AWD không phải là cây đũa thần có thể tạo ra phép màu cho mọi người dân bị tác động bởi biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.Anh Khiêm chỉ ra hạn chế của kỹ thuật tưới này, là đất phải bằng phẳng mới ước lượng chính xác nước ra vào được.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ, hai thế kỷ qua con người gần như khai thác và tiêu thụ tài nguyên trái đất đến cạn kiệt và không thể phục hồi. Nhưng hậu quả còn lớn hơn nữa, khi cùng với sự tiêu thụ này là nhiều hậu quả nghiêm trọng phát sinh, như biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan và thiên tai ngày càng nghiêm trọng. Ông nói: “Rất khó chống lại biến đổi khí hậu, vậy tại sao chúng ta không thích nghi sống chung với chúng, chẳng hạn tạo ra những giống lúa chịu mặn. Mọi giải pháp cần phải được tính toán cẩn thận, bởi nếu không giải quyết được vấn đề này, người ta lại tạo ra một vấn đề khác còn lớn hơn nữa”.
AWD quả là một mô hình lý thú, vì trong khi mang lại nhiều lợi ích cho nông dân bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nó còn góp phần giúp giảm thiểu hiện tượng này. Cụ thể, theo tính toán, khi để ruộng khô xen lẫn ngập nước một cách hợp lý, lượng khí phát thải nhà kính giảm được 20% thông qua giảm phát thải khí CH4 và N2O từ các cánh đồng lúa ngập nước liên tục. Chưa kể môi trường còn được bảo vệ, nhờ giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu.
bài và ảnh Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này