10:08 - 20/03/2019
Ino Mayu giáo dục làm hàng sạch
Việt Nam hay nói “giàu” là vì thiên nhiên quá ưu đãi, nhưng bây giờ khác rồi, có nhiều rủi ro biến đổi khí hậu, nguồn nước, Ino Mayu, người phụ nữ Nhật Bản sáng lập ra tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn), chia sẻ như vậy.
Ino Mayu, người dành hơn 20 năm gắn bó với nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ từ Bắc chí Nam. Tại Bến Tre, Ino Mayu phối hợp với đoàn thanh niên đi điều tra hệ sinh thái, nguồn nước ở địa phương, làm sổ tay về các loại cây, côn trùng, thiên địch… Những kiến thức này, ban đầu cho trẻ con học, sau này người lớn cũng thích tới nhà văn hoá xem, vì có nhiều điều họ chưa biết.
“Xây dựng vườn rau hữu cơ không hề đơn giản chút nào, vì từ lâu bà con mình làm theo kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm đó không thích ứng trước những thay đổi”, biết vậy, Ino May giúp các trường làm vườn rau sạch và từ đó giúp các em hiểu thế nào là rau sạch, rau hữu cơ.
“Các anh ở xã nói, mình nói nông dân không nghe chứ con cưng của đi học về nói thì họ sẽ nghe”, cô hóm hỉnh. Từ suy nghĩ đó, Ino Mayu lập nhóm trò chuyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thay vì nông dân chỉ làm lúa thôi, Mayu gợi ý sản xuất theo mô hình lúa-vịt, quy mô 1 công đất (1.000m2), mô hình nuôi tôm-cá kết hợp trồng lúa hay chăn nuôi, cây ăn trái.
Có bốn lĩnh vực được Ino Mayu chú trọng: 1/ Tận dụng hết các nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương (con người, kiến thức, nguồn tài nguyên thiên nhiên…), phục tráng giống bản địa; 2/ Giảm phụ thuộc bên ngoài và phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững; 3/ Tăng thu nhập thông qua làm việc theo nhóm chia sẻ thông tin xu hướng thị trường; kết nối với người tiêu dùng, liên kết chuỗi từ sản xuất tới chế biến nông sản; và 4/ Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.
Ino Mayu nói ở Nhật đã thay đổi tư duy sản xuất từ rất lâu, Trung Quốc bây giờ cũng vậy, họ xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Cách đây 15 năm, cũng như các tỉnh khác, người nuôi tôm ở Bến Tre bị bệnh tôm, nhưng vẫn làm.Quy mô vài công đất, rủi ro cao. Nếu hên thì lợi nhuận nhiều. Lúc dự án Seed to Table tới Bến Tre, nhiều gia đình nuôi tôm, trồng dừa gặp khó do hạn hán, nên cô suy nghĩ cách giúp họ. Bắt đầu mô hình lúa-vịt-tôm kết hợp. Nhiều người không có thói quen ghi chép, không có tư duy quản lý vốn nên cô tập huấn, cung cấp giống, sau đó hộ nuôi tốt thì cho mượn để hộ khác nuôi tiếp.Những hộ làm tốt, mua lại đất, nuôi tôm khá giả.
Tuy mô hình này bước đầu thành công, nhưng phải có người làm, ít nhất năm hộ và có chính quyền ủng hộ. Ở xã Vĩnh Hoà, huyện Ba Tri, lãnh đạo ủng hộ, đồng hành, thậm chí bỏ tiền ra làm hai sạp để ưu tiên bán hàng sạch của nhóm rau hữu cơ. Nhóm sản xuất hữu cơ ở Bến Tre thành công là nhờ xây dựng chuỗi giá trị từ năm 2012; có một nhóm được chứng nhận PGS tồn tại tới bây giờ.PGS là hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng, thanh tra nội bộ cấp chứng nhận riêng cho nông dân.
“Cộng đồng tham gia tự nguyện, đóng góp đúng vai trò khi xây dựng chuỗi sản xuất đến tiêu thụ. Doanh nghiệp cũng tham gia và bà con giám sát doanh nghiệp và ngược lại”, Ino May nói.
Vân Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này