08:10 - 12/03/2016
GS Nguyễn Ngọc Trân chỉ ra 5 điểm yếu của ‘Báo cáo Mekong’
Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì đặt hàng tổ chức tư vấn quốc tế là Viện thủy lực Đan Mạch (DHI – Danish Hydraulic Institute) thực hiện Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong (MDS)* (Mekong Delta Study), Ủy ban sông Mekong Việt Nam điều hành, thực hiện từ ngày 30/6/2013 và đến 31/12/2015, với tổng số tiền 4,3 triệu USD từ ngân sách nhà nước.
Báo cáo này sẽ được thông qua dù nhiều nhà khoa học tại ĐBSCL khẳng định: thiếu độ xác tín.
Thiếu tin cậy
Tại hội thảo khoa học về Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong, ngày 4/3, GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL bức xúc nói rằng những kiến nghị góp ý của ông và các nhà khoa học khác ở ĐBSCL bị phớt lờ và kết quả của MDS là thiếu tin cậy, mức độ chính xác không cao, cần được bổ sung nghiên cứu thêm.
Xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ tác động sâu sắc và không thể vãn hồi đối với ĐBSCL, trước mắt và lâu dài trong bối cảnh nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
MDS là một công trình nghiên cứu đối chiếu với thực tiễn, có tính pháp lý và phải được tham vấn một cách nghiêm túc- GS Trân nhấn mạnh 5 điểm yếu cơ bản của MDS: 1/Phương pháp luận tiếp cận: Không đầy đủ, một chiều, thiếu tính hệ thống; 2/Mô hình hóa: Còn một số điểm thiếu cơ sở khoa học, có sai số; 3/ Số liệu đầu vào: Chấp vá, không cập nhật số liệu thực tế tại đồng bằng; 4/ Chế độ vận hành các đập: Có thực tế hay không? ; 5/ Hiểu biết thực tế: Đánh giá tác động không phải là “bài tập” trên máy tính.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) nói: Trong báo cáo MDS chưa đưa những số liệu về các đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc vào nghiên cứu, không thể dự đoán được việc xả nước về hạ lưu của các đập thuỷ điện trên.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là 2 nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn nước, nhưng trong báo cáo MDS đã không đưa yếu tố này vào để tính toán.
Không chỉ ngồi một chỗ chạy chương trình trên máy tính
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nêu thêm yếu tố đầu vào về mảng nông nghiệp trong báo cáo chỉ mới xem xét ảnh hưởng giảm phù sa, dinh dưỡng đối với lúa và bắp mà không tính đến các vườn cây ăn trái, cây màu khác là một thiếu sót trầm trọng.
Nghiên cứu về thủy sản, MDS kết luận rằng, các đập thủy điện sẽ làm giảm nguồn cá tự nhiên rất nhiều, nhất là cá trắng (276.874 tấn cá trắng như cá linh, cá mè, cá lòng tong,… mất trắng) mà chưa đề cập đến các loài cá đen. MDS chọn 2 loại cây để đánh giá là lúa và bắp. Trong khi chính MDS thừa nhận sản lượng bắp không đáng kể (250.000 tấn/năm).
Bỏ qua hoàn toàn cây ăn trái, trong khi ĐBSCL đóng góp tới 80% sản lượng trái cây cả nước. Đáng nói là khi đánh giá về thủy sản thì việc chọn loài đánh giá không phù hợp.
“Tôi không hiểu sao MDS lại chọn cá lau kiếng để đưa vào 10 loài có giá trị kinh tế nhất ĐBSCL sẽ chịu tác động của đập thủy điện. Trong khi cá lau kiếng là loài không có giá trị cao và có thể là mối đe dọa đối với hệ sinh thái thủy sinh ĐBSCL”, ThS Nguyễn Hữu Thiện nói thêm, khi đánh giá tác động về dinh dưỡng trong nông nghiệp, chỉ nói tới đạm (N) và lân (P), không thấy nói tới các chất dinh dưỡng khác, kể cả kali (K).
TS Dương Văn Ni, Bộ môn Quản lý môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – trường ĐH Cần Thơ thông tin, đánh giá tác động của các đập thủy điện lên đa dạng sinh học cũng nhỏ hơn nhiều so với thực tế, do bỏ sót vùng ven biển, vùng không ngập hàng năm ở ĐBSCL; Diện tích đánh giá tác động không phải là vùng có mức độ đa dạng sinh học cao; Loài chỉ thị nghiên cứu không phù hợp;
“ Nếu ngồi một chỗ chạy chương trình trên máy tính sẽ không thể nào có độ xác tín cao được”, Ths Thiện nhấn mạnh.
Điều gì sẽ xảy ra?
TS Dương Văn Ni lo lắng nói đây là báo cáo do Chính phủ Việt Nam đặt hàng nên một khi kết quả được thông qua thì nó mang cả ý nghĩa khoa học và pháp lý trong phạm vi nước Việt Nam, thể hiện quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam về các đập thủy điện đối với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong , một vấn đề có tính quốc tế, điều gì sẽ xảy ra?
Về kết quả đánh giá tác động trực tiếp trong báo cáo của MDS trình bày: Giảm lượng phù sa bùn cát gây sụt giảm tổng sản lượng gạo ở Việt Nam là 552.500 tấn, nếu sự sụt giảm liên tiếp trong 10 năm (3 kịch bản); và sản lượng lúa bị ảnh hưởng từ không tác động đến tác động thấp (4 phương án).
Thiệt hại chính trong sản xuất lúa ở ĐBSCL trong thời gian qua do mặn, phèn, lũ và dịch bệnh. Trên các vùng đất phèn, khi mực nước thấp, nước phèn trong đất sẽ chảy ra kênh rạch và nước phèn này sẽ lắng đọng các chất lơ lững trong nước (lắng phèn). Năm 2015-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, ĐBSCL có gần 340.000 ha lúa bị thiệt hại do xâm ngập mặn.
ĐBSCL đang chịu hạn, mặn kỷ lục trong 100 năm qua. Nếu lấy năng suất lúa 5 tấn/ha thì con số thiệt hại do xâm ngập mặn đã lên tới 1,7 triệu tấn cho 1 vụ.
Do đó, MDS kết luận “sụt giảm phù sa bùn cát lắng đọng trên diện tích cấp xã, lượng sét có giảm nhưng không lớn” là chưa đúng với thực tế.
Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng quản lý Khoa học – Sở Khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau nói, sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau nói riêng và ở ĐBSCL nói chung đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và tình hình xâm ngập mặn, hạn hán đang diễn ra dữ dội, ảnh hưởng tới an ninh lương thực của quốc gia.
“Làm sao phản ánh được tới Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét lại, bổ sung những điểm thiếu sót để báo cáo đáng tin cậy hơn, sát với tình hình thực tế địa phương,” Ông Vinh nói.
“Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức để có thể cung cấp những thông tin chính xác về đồng bằng này. Đó là trách nhiệm của không chỉ những người làm nghiên cứu mà tất cả chúng ta nên xem đây là trách nhiệm của mình,” TS Ni nói.
Ngọc Bích
Theo Bsa.org.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này