
09:53 - 20/03/2023
‘Đi Bình Dương’ kiểu khác!
“Sú thất quá, không biết làm gì? Bây giờ có việc làm vầy là vui”, bà Hai Tuyết, 89 tuổi, vừa đan giỏ từ cỏ năn tượng vừa nói.
Thoát khỏi ám ảnh
Hồi còn trẻ đan rổ để bắt tép, bắt lươn, bắt cá trong đồng nên chỉ học một ngày là bà làm được rồi.Mỗi ngày bà Hai đan được 2 cái giỏ, tiền gia công 50-60 ngàn đồng.Bà thấy vui vì tuổi này còn làm ra tiền, mỗi ngày vừa đan giỏ vừa nói chuyện đời xưa với mấy đứa cháu trong xóm.Khỏe thì mần hoài, mệt thì nghỉ.“Bà còn khỏe lắm”, bà Hai tự tin nói.
Ngoài kia là ruộng năn tượng- một loại cỏ thiên thu ở Cà Mau được đưa về trồng ở ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Chung quanh là những vuông tôm, chỗ thì khô queo, chỗ thì lấy nước nuôi tôm, nhưng chưa có gì chắc chắn vì hệ thống thủy lợi từ hồi trồng lúa tới lúc nuôi tôm chưa có gì thay đổi. Nỗi ám ảnh thất bát của người nuôi tôm nặng nề hơn trồng lúa vì nó chứa kỳ vọng quá lớn vào việc thay đổi sinh kế và thu nhập. Chị Trần Hồng Ni, chủ tịch Hội Phụ Nữ Mỹ Xuyên, người tìm kiếm giải pháp cho những người “không biết làm gì “gặp được người điều hành Dự án MCF (Mekong Conservancy Foundation).
Chủ tịch kiêm giám đốc dự án MCF TS Dương Văn Ni, nói giải pháp thoát khỏi xung đột giữa “sú thất” và tăng thu nhập bền vững ở đây là làm cái gì đừng tạo ra xung đột nữa. Và, đó là cỏ năn tượng, giống cỏ mọc đầy ở Cà Mau. Từ năm 2006, lúc điều hành Trung tâm nghiên cứu đất phèn Hòa An, thầy Ni đã thấy loài này là của trời cho. Cỏ năn tượng có khả năng lọc sinh học, tự nó lấy oxy trong tự nhiên đưa xuống bộ rễ, trời nắng gắt chừng nào thì nó làm việc hăng chừng nấy. Thí nghiệm ở những vùng trồng tại Cà Mau, Kiên Giang cho thấy khả năng làm sạch nguồn nước, tạo môi trường thuận lợi cho tôm, cua, cá… tùy theo sở thích nuôi của người dân. Nhưng nếu chỉ sử dụng năn tượng làm nguyên liệu đan giỏ tương tự như lục bình thì cũng chỉ là giải pháp đã biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Lần đầu tiên gặp thầy Ni vào tháng 10/2022, hổng biết sao thấy rất là tin tưởng. Sau khi tham quan mô hình MCF ở các tỉnh trở về, chị Hồng Ni nói ông xã lại cảnh giác “coi chừng bị lừa vì cỏ này người ta dẹp muốn chết, đem về trồng làm gì?Chị Ni thuyết phục ông Hai Mật, cha ruột “Cha cho con trồng trên đất nhà chứ ba tuổi cao rồi trồng lúa, nuôi tôm quảng canh mà hiệu quả kém, sau này lấy gì dưỡng già.
Chị Hồng Ni trồng năn tượng từ tháng 10/2022 tới nay. Sau 3 tháng trồng cỏ năn tượng để ý thấy nước nó sạch sẽ hơn. Chim cò quay về đây nhiều. Ông Hai so sánh thu nhập của 1 công lúa tính theo tầm cấy (1.296m2), nếu lời thì được 2-2,5 triệu đồng/vụ/năm, còn trồng năn tượng cung cấp nguyên liệu đan giỏ lời 3,5- 4 triệu đồng/1.000 m2/ lần thu hoạch đầu tiên mà khỏe hơn gấp 10 lần. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch lần đầu (4 tháng), lần kế tiếp chỉ mất 2 tháng rưỡi. Tính bình quân 3 vụ/năm). Môi trường để thả tôm, cua chắc chắn hơn nhiều.3 tháng đầu bắt cá lóc tự nhiên trong vuông mấy chục ký.Tháng tới làm sạch cá sẽ thả tôm.
Bà Huỳnh Thị Vững, 67 tuổi, cũng trồng lúa, nuôi tôm, năm trúng- năm thất. Mấy năm nay thất nhiều hơn trúng, gần ruộng ông Hai Mật mới biết cỏ năn tượng, đem về trồng thử, thấy ruộng nó sạch hơn. Một tháng nay, học đan giỏ – một tuần là làm được rồi, rảnh thì đan giỏ, nghe cải lương với ông chồng. Mỗi tuần có đồng ra đồng vô mua đồ ăn cho cả nhà. “Lột tôm cho xí nghiệp ở Sóc Trăng, lấy chồng, có con rồi về quê. Hoàn cảnh như mình thì ai mướn mà kiếm việc làm. May là có tổ hợp tác này”, chị Đinh Thị Trâm, ấp Huỳnh Công Đê, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên nói.

TS Dương văn Ni và cha, con ông Hai Mật, người đầu tiên trồng năn tượng ở Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H. L
Bước ngoặt chuyển đổi
Mỗi công đất trồng năn tượng có thể thu hoạch 1 tấn năn tượng khô, giá trung bình 8 triệu đồng – mỗi năm thu hoạch 3 vụ. Nguyên liệu từ các tổ vệ sinh được làm sạch, để ráo rồi qua công đoạn phơi trong nhà màng, một số được đan giỏ, dùng keo cố định, rồi chuyển về trung tâm điều phối của Cty MCF.Tới đây là hết công đoạn của hợp tác xã. Anh Nguyễn Văn Toàn, giám đốc Hợp tác xã MCF Mỹ Quới, ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng mô tả hành trình của năn tượng.
Hợp tác xã được thành lập vào cuối năm 2021, chính thức hoạt động từ tháng 2/2022, có 9 thành viên. Năm 2022, nhờ cách quản trị chặt chẽ, HTX cung ứng cho Cty MCF trên 30.000 sản phẩm (10 mẫu theo đơn đặt hàng tùy thời điểm). Năm nay, hợp tác xã đặt mục tiêu cung cấp từ 8.000 – 10.000 sản phẩm/tháng, mở rộng thêm các điểm vệ tinh ở khu vực Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
HTX tạo việc làm cho 400 hộ dân tại Mỹ Quới và Mỹ Bình bằng cách hỗ trợ giống năn tượng để bà con trồng gần nhà, tham gia dây chuyền đan giỏ – có thêm thu nhập. Năn tượng qua tay lao động nông thôn thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. “HTX ngang hông này ra đời, nối kết với Cty MCF nhờ người điều hành là con xứ này đi làm ăn, có kinh nghiệm xuất khẩu, có thị trường – Bây giờ trở về quê, sao dám bậy bạ”, TS Ni nói.
Chị Hồng Ni, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng học cách xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp tục học cách tổ chức sản xuất từ HTX này. Ban đầu triển khai lớp học đầu tiên ở xã Hòa Tú 1, sau đó có 3 lớp, “thợ cái” từ công ty MCF (tháng 11/2022) gởi tới dạy. Người học việc không phải đóng tiền và MCF không phải bỏ bao thơ theo kiểu mướn đi học. Tất cả là sự đồng thuận để tìm cách mần ăn bền vững chứ không màu mè lấy có. Tới giờ, có 27 tổ đan với 200 thợ đan, mỗi tuần giao 1.000 sản phẩm. Công ty MCF thanh toán tiền hàng tuần.
Hợp tác xã Mỹ Quới có phòng đọc sách, chung quanh là nhà màng nóng như lò bánh mì, nhưng phòng đọc gắn máy lạnh để con theo mẹ tới đây có thể ngồi chỗ mát mẻ đọc sách. Các cô ở trường gần HTX muốn dạy ngoại khóa thì sử dụng phòng đọc để dạy học trò…thành viên HTX có con học giỏi, thi đậu đại học thì HTX mời tới phát phần thưởng.
Quản lý phòng đọc là hai cô cậu học phổ thông, con của giám đốc Toàn, tự nguyện lo chăm sóc phòng đọc ngăn nắp.
Hiện nay, mỗi tháng Trung tâm điều phối của MCF đưa 30.000-40.000 sản phẩm về công ty Housewares (Bình Dương) xuất đi Mỹ, Úc… Đi Bình Dương, lâu nay người bỏ xứ đi Bình Dương nghe nó sao sao ấy, nhưng MCF đưa hàng thủ công mỹ nghệ (năn tượng) đi Bình Dương để xuất khẩu thì dân tình hả hê.
5 tiêu chí để đánh giá mô hình
TS Dương Văn Ni, Chủ tịch hội đồng kiêm giám đốc Quỹ Bảo tồn Mekong (MCF- Mekong Conservancy Foundation) nói trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, năn tượng (Scirpus littoralis Schrad) là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra. Thuận thiên và một quá trình rất là dài chúng ta nói nhiều về xung đột, mâu thuẫn.Tạm gác chuyện đó để tìm cho được giải pháp. Chưa dám nói năn tượng sẽ mang lại lợi ít kinh tế lớn cỡ nào, nhưng có vẻ như ở đây đã thuận ông trời và thuận lòng người. Thực tế cho thấy muốn thuận được lòng người thì cần có 5 tiêu chí để triển khai, đánh giá mô hình:
1/ Nếu một mô hình nào đó làm có hiệu quả kinh tế nhưng không nâng cao được vai trò của chính quyền và đoàn thể địa phương ở nơi đó thì khó mà đi xa.
2/ Tăng cường tình làng nghĩa xóm hay nói đúng hơn là nuôi dưỡng văn hóa bản địa, làm sao để cho người dân ở đó sống hài hòa, chia sẻ với nhau khi tham gia mô hình.
3/ Không làm ô nhiễm, kiệt quệ môi trường tự nhiên – không làm ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất đai.
4/ Nếu mô hình hiệu quả kinh tế tốt nhưng người phụ nữ quá cực khổ, không còn thời gian dạy dỗ con cái thì cũng có nghĩa là sẽ có những rủi ro, xung đột khác.
5/ Hiệu quả kinh tế là cái cuối cùng – cần phải có trong quá trình triển khai mô hình.
Có thể 5 tiêu chí này hoán đổi vị trí cho nhau tùy thời điểm, tùy nơi xây dựng mô hình – chẳng qua để tăng sự liên kết, thống nhất của cộng đồng.Cũng cần nói thêm rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu, phía trước còn nhiều việc phải làm. Không chỉ cỏ năn tượng mà bồn bồn, thủy trúc đang được MCF nghiên cứu như lợi thế làm sạch môi trường để phát triển cây trồng- vật nuôi một cách bền vững.
H.Lan – N.Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này