09:00 - 15/01/2020
Đất giồng, cơ may cho vùng nhiễm mặn châu thổ
Giồng cát là cơ may cuối cùng cho cách canh tác nước ngọt trên vùng đất mặn. Điều cần ngăn cản là hiện nay một số người mưu tính khai thác cát ở các giồng cát dùng cho san lấp trong xây dựng.
Sông Mekong chảy từ Tây Tạng vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Việt Nam bằng hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu, rồi chia ra những chi lưu mang phù sa bồi đắp cho vùng ven biển Đông. Quá trình kiến tạo qua tương tác sông – biển ở phía Đông vùng đồng bằng, đã tạo nên những vạt trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, dần dần hình thành giồng cát ven biển. Cát trên đất giồng có màu vàng, vàng xám đến vàng nâu, là các dải đất hẹp, mang dấu vết của bờ biển từ xa xưa. Những giồng cát chạy song song vùng ven bờ biển, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.
Giồng cát ven biển chỉ có ở các nhánh sông Cửu Long đổ ra biển. Vùng bán đảo Cà Mau không có giồng cát, vì những hạt cát nặng hơn chỉ lắng tụ ở vùng cửa sông, các hạt phù sa nhẹ hơn như bùn thì bị đẩy ra biển, theo dòng hải lưu đưa xuống vùng Cà Mau và được sóng biển đưa vào bồi tụ hình thành vùng đất bán đảo Cà Mau.
Đất giồng là nơi có địa hình tương đối cao hơn các vùng ven biển khác, dao động từ dưới 1m đến xấp xỉ 4m so với mực nước biển, nên thoát nước dễ dàng trong mùa mưa và dễ bị khô hạn vào mùa nắng. Tuy không phải là vùng đất màu mỡ, nhưng vùng đất giồng cát là nơi ít bị úng ngập, và dù không trồng lúa được nhưng lại là vùng có nước ngọt, nhờ hiện diện các vỉa nước ngầm tầng nông lưu trữ nước mưa và phù hợp với canh tác rau màu, cây ăn trái, cây lâm nghiệp và có thể phát triển chăn nuôi gia súc, ươm nuôi thuỷ sản và hình thành các cụm dịch vụ công nghiệp chế biến nông thuỷ sản và tiểu thủ công nghiệp, phục vụ cho các khu vực lân cận ven biển.
Gần bờ biển, nguồn nước hạn chế vào mùa khô, có tính đa dạng sinh kế cao, vùng giồng cát được xem là một vùng có hệ sinh thái khá nhạy cảm với các thay đổi về môi trường và các biến động của những yếu tố khí hậu, như hiện tượng nắng nóng, bốc hơi cao, hạn hán vào mùa khô, mưa thất thường, lốc xoáy, ảnh hưởng bão – áp thấp nhiệt đới và nguy cơ nước biển dâng – xâm nhập mặn.
Người dân sống ở vùng đất giồng cát ven biển đã có những kiểu thích nghi với biến đổi khí hậu rất sáng tạo, hình thành nhiều mô hình canh tác nông nghiệp và thuỷ sản khá đa dạng.
Các giồng cát ven biển là nơi cao nhất so với các vùng lân cận, là nơi cung cấp nhiều loại rau trái nước ngọt và chăn nuôi ven biển. Cái hay của dân giồng cát là sự chọn lựa kiểu canh tác đa canh, chiếm từ 85 – 95% số nông dân được khảo sát. Họ dựa vào yếu tố kinh nghiệm thay đổi thời tiết, đất đai và thị trường, để chọn cây trồng, sự đa dạng cây trồng cho thấy sự năng động và thích ứng cao của nông dân. Chung quanh nhà và ruộng, rẫy, người dân trồng cây ăn trái, hoa kiểng và chăn nuôi (chiếm từ 12,5 – 30%), như là một nghề phụ, tăng thêm thu nhập ngoài làm rẫy trồng màu.
Giồng cát là nơi hấp thu nước mưa, trữ lại trong các tầng cát nông và cung cấp cho người dân mùa mưa, khả năng bổ sung nước ngầm tương đối thuận lợi. Nhưng gần đây, ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), dân làm rẫy trên giồng cát, nói họ phải thức giữa khuya chia nhau thời gian, luân phiên bơm nước ngầm, dù đã khoan sâu trên 100m.
Giồng cát là cơ may cuối cùng cho cách canh tác nước ngọt trên vùng đất mặn. Điều cần ngăn cản là hiện nay một số người mưu tính khai thác cát ở các giồng cát dùng cho san lấp trong xây dựng, sẽ làm nguy cơ thu hẹp diện tích giồng cát, gây suy giảm nguồn nước ngọt, đe doạ sinh kế và sinh hoạt.
Hạn chế sử dụng nông dược trong sản xuất, duy trì sản xuất an toàn ở giồng cát, là điều nên làm, vì không những phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng hiện nay, mà còn hứa hẹn phát triển du lịch.
Vùng đất giồng là nơi có mật độ dân cư tương đối cao, ngoài yếu tố là đất cư trú, hình thành các chùa Khmer với kiến trúc đặc sắc, đây còn là nơi có sự đa dạng sinh kế cao, tồn tại nhiều hoạt động sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp khá đa dạng. Đây cũng là nơi có sự đa dạng về sinh học. Hai tỉnh có diện tích đất giồng cát nhiều nhất vùng đồng bằng là Trà Vinh (14.806ha) và Bến Tre (14.248ha). Tổng diện tích hiện có của các giồng cát ở ĐBSCL là 48.822ha, chiếm 1,2% tổng diện tÍch đất tự nhiên của ĐBSCL. Có một số nơi, đất giồng bị lấp chìm dưới lớp đất phù sa, gọi là giồng chìm, như ở Gò Công, Tiền Giang.
TS Lê Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này