10:54 - 01/09/2022
Cộng sinh dưới tán dừa
Sản xuất hữu cơ đang có trớn. Không chỉ ở Bến Tre mà Trà Vinh cũng có thêm hàng ngàn hecta dừa canh tác hữu cơ tham gia chuỗi giá trị hàng xuất khẩu.
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty CP Chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH Thực phẩm Dừa Xanh, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong… đang từng bước thực hiện chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Có thể nhìn thấy sự chuyển động ở 28 hợp tác xã (HTX), 32 tổ hợp tác (THT) liên kết, quy mô chuỗi lên hơn 5.600 ha với trên 6.000 thành viên. Trên 1,25 triệu trái dừa tươi và khoảng 2,745 triệu trái dừa công nghiệp được chế biến, xuất khẩu. Nguồn cung từ 28 HTX, 20 THT chuyên canh dừa công nghiệp và 12 THT chuyên cung cấp dừa tươi.Nhưng dừa đang rớt giá, chỉ còn 50.000 đồng một chục.
Cả tỉnh Bến Tre có trên 77.230 ha dừa, ngành nông nghiệp muốn đến năm 2030 diện tích dừa hữu cơ sẽ tăng lên và đạt khoảng 30% so tổng diện tích – tức trong tám năm tăng thêm 10%. Trong khi đó, tỉnh bạn Trà Vinh đặt mục tiêu 6.000 ha trên tổng 23.277 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế trong ba năm tới.
PGS.TS Nguyễn Phú Son, tư vấn trưởng chuỗi giá trị dừa Dự án SMEs Trà Vinh, nhận xét: Giai đoạn 2018-2020, ngành hàng dừa Trà Vinh có bước đột phá về chất lượng trái và các sản phẩm giá trị gia tăng. Điều đáng mừng là những giới hạn địa giới hành chính đã nhường chỗ cho chuỗi liên kết. Các doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ, nắm bắt thị trường, am hiểu tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng từ Bến Tre đã tiếp cận vùng trồng Trà Vinh.
“HTX liên kết với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Beinco) xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ. Công ty mua dừa theo diện tích 217ha”, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, cho biết. Lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Công ty vẫn mua toàn bộ dừa hữu cơ theo cam kết, giá cao hơn thị trường từ 05 – 10%. Chuỗi liên kết uy tín nên HTX đề nghị Beinco mở rộng vùng trồng dừa hữu cơ.
Đa dạng sản phẩm dừa
Beinco có sữa dừa uống liền độ béo thấp, lại thêm hương và thạch dừa (25m3 thành phẩm/ngày), cơm dừa sấy theo các kích thước (20 tấn thành phẩm/ngày); Nước cốt dừa theo hàm lượng béo (khoảng 96 m3 thành phẩm/ngày); Nước dừa uống không gas và có gas, có cơm dừa tươi (60m3 thành phẩm/ngày); và dầu dừa (khoảng 11 tấn thành phẩm/ngày). 5 nhóm sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn organic của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Chưa kể, snack dừa, kem dừa, thảm lưới dừa và dịch vụ gia công các sản phẩm chất lượng cao từ dừa. Riêng kem dừa và dừa sấy giòn ra mắt năm 2021.
Betrimex cũng dựa vào nguồn nguyên liệu hữu cơ sản xuất nước dừa nguyên chất Cocoxim Organic, đóng hộp hiện đại theo công nghệ Tetra Pak, tiệt trùng trực tiếp UHT. Từ tháng 8/2021 đến nay, Betrimex chủ động mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đạt chứng nhận Organic EU, NOP, JAS lên hơn 7.000 ha, thu hút 8.000 hộ nông dân trồng dừa ở Bến Tre và Trà Vinh vào dự án. Sản phẩm được đóng hộp trên dây chuyền hiện đại nhất của Tetra Pak (Thụy Điển-Thụy Sĩ) – mỗi hộp sản phẩm được kết cấu từ 6 lớp khác nhau và có thể tái chế.
Mỗi năm Betrimex có những hợp đồng cung cấp hơn 30 triệu lít nước dừa, sữa dừa nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô, dầu dừa đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm Cocoxim Organic có dấu ấn HVNCLC, HVNCLC Chuẩn hội nhập, hệ thống sản xuất đạt chứng nhận quốc tế HACCP, GMP, HALAL, KOSHER, FSSC, BRC, Organic EU, NOP, JAS và FairTrade… là nguồn lực nội sinh dày công tạo dựng trong suốt 12 năm. Chứng nhận FairTrade là chương trình đảm bảo rằng nông dân nhận được mức giá hợp lý, bù đắp chi phí sản xuất; công ty trích một phần lợi nhuận đầu tư vào các dự án cộng đồng, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
“Với 1,3ha dừa hữu cơ đang cho trái, hàng tháng thu từ 800 – 1.000 trái, thu nhập từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng tùy theo giá thời điểm”, ông Nguyễn Dũng, ấp Ngã Tư, xã Ngãi Hùng chiết tính. Ông Dũng nhớ lại bốn bước hình thành vùng nguyên liệu Organic:
1/ Đến từng hộ nông dân để giới thiệu, thuyết phục và hướng dẫn chuyển đổi canh tác sang dừa hữu cơ.
2/ Tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác organic; Tư vấn và hướng dẫn chọn các vật tư nông nghiệp theo tiêu chuẩn organic; Giá thu mua dừa organic cao hơn giá dừa thường và cam kết tiêu thụ.
3/ Bộ phận ICS – thanh tra nội bộ (được Control Union tập huấn và cấp chứng nhận) thường xuyên tiến hành kiểm tra vườn dừa của các hộ nông dân với tần suất tối thiểu một lần/tháng để đảm bảo chất lượng và năng suất vườn dừa;
4/ Hàng năm, các chuyên gia của Control Union đến vườn dừa organic để đánh giá cấp chứng nhận. Mẫu kiểm nghiệm được gửi tới trụ sở Control Union tại Hà Lan, Mỹ để kiểm mẫu.
Kích hoạt sáng tạo
Ở tỉnh Trà Vinh, Công ty Trà Bắc, Phương Huỳnh, Vicosap… đã nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ, liên kết các HTX, nhà vườn theo chuỗi để chủ động phát triển sản phẩm giá trị gia tăng như dừa sáp sấy giòn, mỹ phẩm, tinh dầu dừa lên men enzym, cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa cấp đông, than hoạt tính, than gáo dừa, mật hoa dừa, thảm xơ dừa, tơ xơ dừa đóng kiện, chỉ xơ dừa… Có 13 sản phẩm đạt OCOP có triển vọng nâng hạng từ ngành dừa.Tỉnh chọn ra 5 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
“Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 – 2025, năng suất dừa đạt 16 tấn/ha; có ít nhất 8.000ha dừa hợp tác với – ít nhất 10 doanh nghiệp – cùng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ theo chuỗi sản xuất dừa có giá trị cao trên thị trường”, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết.
Trà Vinh có lợi thế ứng dụng công nghệ cấy phôi dừa sáp, cây giống có thể chịu được độ mặn từ 12‰ – 15‰, gấp 5-10 lần dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường. Tỷ lệ trái dừa sáp từ 20% – 30% nay có thể đạt từ 80% – 90% với kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô.Mỗi cây giống dừa sáp được sản xuất bằng phương pháp này được bán với giá khoảng 800.000 đồng.
Các doanh nghiệp cây giống đang đua nhau kinh doanh dừa cấy phôi bên cạnh những startup đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng và đồng bộ hóa chuỗi sau thu hoạch. Khi dừa sáp cấy phôi, cấy mô trở thành cây công nghiệp lấy dầu, các tỉnh sẽ mua cây giống về lập vườn. Trà Vinh sẽ chứng kiến một bước ngoặt mới. Mặt trái của dừa sáp là khó giữ được dấu ấn chỉ dẫn địa lý dừa sáp Cầu Kè khi dừa cấy phôi giãn nở, tăng tốc.
Lúc bình thường, dừa sáp đã cao giá, khoảng 150.000-250.000 đồng/trái.Nhiều người mua nhầm trái không sáp rất thất vọng và như vậy dừa sáp mang tiếng hên xui. Vicosap làm dừa sáp sợi, kẹo ngũ vị. Nay có thêm dừa sáp sấy giòn, sữa chua từ dừa sáp lên men sấy giòn…
“Các sản phẩm mới được xuất khẩu sang Nhật, chuỗi siêu thị Longdan ở London tiếp tục chào hàng qua Mỹ… Lúc đó, chúng tôi mới hiểu chỉ một số ít quốc gia trồng được dừa sáp. Vì vậy, Vicosap phải chọn lựa nguyên liệu chuẩn mực, chỉ có cách xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ mới tạo dấu ấn, tăng giá trị”, theo lời ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè.
Ông cũng nói rằng Vicosap cũng sẽ xây dựng khu bảo tồn nguồn gen bản địa gắn với lịch sử cây dừa sáp đầu tiên do Hòa thượng Thạch Sô trồng cách đây 98 năm tại Cầu Kè.
Bài và ảnh Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này