10:17 - 07/07/2020
Cô gái Nùng khởi nghiệp với hương rừng Bắc Kạn
Tại một cửa hàng chuyên về dịch vụ spa, làm đẹp ở phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn, các dịch vụ mát xa, gội đầu, chăm sóc da, tóc… đều sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên.
Cửa hàng do Vi Thuỳ Dương, một bạn trẻ dân tộc Nùng, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn, mở ra làm nơi giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng qua việc trải nghiệm dịch vụ. Vi Thuỳ Dương hiện đang là giám đốc hợp tác xã (HTX) Hương Ngàn, chuyên sản xuất, chế biến các loại tinh dầu từ thiên nhiên.
Mở cửa hàng làm đẹp cho khách trải nghiệm
Trên kệ trưng bày ở cửa hàng, Thuỳ Dương khéo léo sắp xếp những chai tinh dầu có dung lượng từ 10ml, 15ml, 50ml… được chiết xuất từ vỏ cam, quýt, sả, quế, bưởi, gừng, nghệ… Những sản phẩm này đã và đang là lựa chọn của nhiều khách hàng khi đến đây làm đẹp. Nói về lý do làm cửa hàng spa, Thuỳ Dương cho biết, “muốn truyền thông rộng rãi đến mọi người về tác dụng của thảo dược, dược liệu trong chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp. Dịch vụ spa là cách giúp người dùng cảm nhận được tốt nhất nên quyết tâm làm”.
Từ khi mở spa, người dùng trải nghiệm sản phẩm của Thuỳ Dương rất thích thú, nhiều người tiếp tục quay lại sau khi trải nghiệm lần đầu, có người mua về nhà tự chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, hoặc mua tặng người thân… Đến nay, theo Thuỳ Dương, spa đã có lượng khách hàng khá lớn thường xuyên lui tới sử dụng sản phẩm, ngoài ra công ty của cô còn đang bán chạy hàng trên kênh online hay các đại lý.
Dù chỉ có diện tích khoảng 250m2, nhưng nhà xưởng của Vi Thuỳ Dương lại được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, như lò hơi để chưng cất tinh dầu, máy tách và chiết rót tinh dầu…
Mới đây, HTX Hương Ngàn còn đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu quýt với công suất 2 tấn quýt/ngày, đồng thời mở rộng thêm nhà xưởng để đảm bảo việc vận hành đạt hiệu năng cao hơn. Hiện tại, HTX đang có các đơn vị bao tiêu sản phẩm, như công ty cổ phần Sao Thái Dương, công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, công ty TNHH Thịnh Phát – Tam Đảo.
Thuỳ Dương cho hay, trước đây, những quả quýt nhỏ thường bị loại bỏ do không bán được, nên cô nảy ra ý tưởng làm sản phẩm tinh dầu từ những trái quýt đó, và đã thành công. Về cây sả, đây là giống cây bản địa có từ lâu, có sức sống mãnh liệt ở hầu hết mọi nơi, nên ở đâu cũng có thể trồng được. Tuy nhiên, lâu nay cây sả chưa được quy hoạch thành vùng, mà đa phần bà con dân tộc chỉ dùng để nấu nước tắm, gội…
HTX Hương Ngàn do Thuỳ Dương làm chủ đã huy động và quy tụ khoảng mười thành viên là bà con dân tộc tham gia, với diện tích 10ha trồng sả, bưởi trên các triền núi. Việc liên kết này giúp bà con có thêm thu nhập đáng kể từ cây sả, bưởi, quýt…
Thuỳ Dương tính toán thu nhập từ cây sả khá ổn định, mỗi hécta thu về khoảng 40 triệu đồng/năm. Cây sả có thể cho thu hoạch 4 – 5 năm mới phải trồng lại, mỗi lần thu hoạch chỉ việc cắt lá.
Tạo thêm sản phẩm giá trị gia tăng
Theo Thuỳ Dương, Bắc Kạn có nhiều cây bưởi mọc hoang trong rừng, loại này có hương thơm đặc trưng, nhiều tinh dầu, và gần như đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Nói về tác dụng của bưởi, Thuỳ Dương giải thích có thể làm ra hai sản phẩm, một là tinh dầu, hoặc cùi bưởi có thể sơ chế bán ra thị trường cho người dùng làm chè bưởi.
Còn lá sả sau khi chưng cất tinh dầu đem ủ phân, bón lại cho cây sả, bưởi, quế… Với lá sả to, đẹp còn được HTX đan thành những chiếc giỏ đựng đồ, và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Với quy trình sản xuất, chế biến khép kín, HTX Hương Ngàn đã đạt tiêu chuẩn 3 sao trong chương trình OCOP – Mỗi xã, phường một sản phẩm. Cùng với đó, HTX còn được PGS.TS người Sán Chay Trần Văn Ơn trực tiếp tư vấn để phát triển nguồn nguyên liệu, sản phẩm…
Cần thêm sự thay đổi để bền vững hơn
Đến tham quan và tìm hiểu mô hình của Vi Thuỳ Dương, chuyên gia Hoàng Sơn Công, hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, những sản phẩm dược liệu không sử dụng phân, thuốc hoá học của HTX Hương Ngàn là một lợi thế cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, HTX cần nâng cấp quá trình lên men, chiết xuất tinh dầu để được tốt hơn, vì hiện nay khi chiết xuất xong vẫn còn váng dầu trên bề mặt, phải qua một khâu xử lý nữa.
Cũng theo ông Công, Vi Thuỳ Dương nên xây dựng mạng lưới sản xuất bao gồm làm phân bón, thuốc sinh học diệt côn trùng từ chính nguyên liệu là tinh dầu, sau đó kết nối các nhà vườn lại, trao tặng, đổi thuốc thảo dược lấy nông sản…
Với việc khởi nghiệp từ chính tài nguyên bản địa quê nhà, Vi Thuỳ Dương đã mở ra cơ hội đưa các sản phẩm nông nghiệp chế biến của Bắc Kạn vươn xa, đồng thời tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Nùng nơi mình sinh sống.
bài và ảnh Trí Dũng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này