11:06 - 09/11/2024
Chung kết Khởi nghiệp Xanh: 3 dự án bảng A mở màn suôn sẻ
Sau chương trình khai mạc trao quà – chứng nhận cho các đội thi và tri ân ban giám khảo, ngay trong sáng 9/11, các đội thi của bảng A đã lập tức bước vào tranh tài.
Đội thi đầu tiên của bảng A trong buổi sáng 9/11 là dự án “Bánh Củ mì nhân thịt Lowcarb” của nhóm Mai Tuấn Anh đến từ TP.HCM.
Theo Mai Tuấn Anh, tốc độ tăng trưởng béo phì của Việt Nam thuộc hạng top thế giới, đặc biệt là tại TP.HCM tỷ lệ học sinh tiểu học, cho nên với đặc điểm lowcarb của của khoai mì và đặc biệt đó cũng là một nông sản đặc trưng của địa phương Củ Chi, bạn đã nghĩ đến sản phẩm bánh Củ mì nhân thịt lowcarb.
Bánh khoai mì của Cusami được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa. Sản phẩm cung cấp năng lượng bền vững, giúp bạn no lâu hơn và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Hiện tại dự án đang hai dòng chính: Bánh giò khoai mì, bánh khoai mì nướng.
Chia sẻ tham vọng xa hơn, Mai Tuấn Anh nói: “Hiện chúng ta đã có cà phê rất nổi tiếng, nhưng lại chưa có sản phẩm bánh để ăn kèm với cà phê. Nên tham vọng của chúng tôi có thể làm sản phẩm bánh từ củ khoai mì bản để ăn kèm với cà phê.”
Giám khảo Nguyễn Lâm Viên – Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN HVNCLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng sản phẩm bánh dứa của dự án rất giống bánh dứa Đài Loan. “Nếu phát triển được thì rất tốt, vì dứa cũng là sản phẩm trái cây bản địa của Việt Nam, nếu kết hợp được đưa vào chế biến thì sẽ có hiệu quả rất tốt” – ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên cũng như giám khảo Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), đều cho rằng, tính toán tài chính của dự án đang có vấn đề khi doanh thu ước tính từ năm 2024 đến 2026 tăng “đột biến” đến mức không tưởng.
Dự án thứ hai tranh tài trong buổi sáng là dự án Lucbinhgauze: Băng gạc sinh học từ cây lục bình, nhóm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Dương Chí Linh, Phạm Quốc Huy đến từ Trà Vinh. Cả ba thí sinh trong nhóm đều đang là sinh viên đại học Trà Vinh, với ý tưởng đột phá là chiết xuất xenlulozơ từ cây lục bình để làm nên băng gạc Hydrogel.
Đại diện nhóm dự án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết, sở dĩ nhóm chọn cây lục bình để lấy xenlulozơ là bởi nhóm nhận thức được rằng các dự án khởi nghiệp bây giờ phải giải quyết được các vấn đề môi trường, cũng như sinh kế cho địa phương. Ở Trà Vinh và nhiều tỉnh miền Tây hiện nay, sự xâm lấn của lục bình là vấn đề môi trường chưa được giải quyết triệt để. Không chỉ làm tắc nghẽn các dòng sông, kênh rạch mà còn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh. Đã có một số sản phẩm thủ công được sản xuất từ lục bình, nhưng từng đó vẫn chưa đủ. Dự án nếu đi vào hoạt động, có thể đạt sản lượng tiêu thụ 4-5 tấn lục bình một tháng. “Do đó, nếu có thể có công nghệ chiết xuất xenlulozơ từ lục bình để sản xuất ra một sản phẩm công nghệ cao như băng gạc Hydrogel thì rất ý nghĩa” – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói.
LucbinhGauze là loại băng gạc y tế được sản xuất từ sợi xenlulozơ của cây lục bình. Sản phẩm có khả năng hút dịch, tạo gel, độ ẩm, bảo vệ và làm lành vết thương hiệu quả. Đặc biệt, băng gạc sinh học từ lục bình còn có ưu điểm là dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường.
Giám khảo Phan Văn Minh – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học môi trường – Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường – Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, rất ấn tượng với ý tưởng chiết xuất xenlulozơ từ cây lục bình, tuy nhiên, điều đáng tiếc là so với vòng bán kết, dự án gần như không trình bày thêm được các điểm mới ở trong vòng chung kết này. Theo ông Phan Văn Minh, dự án cần phải làm rõ hơn giá trị cốt lõi của dự án, như vậy dự án sẽ có tính thuyết phục cao hơn.
Trong khi đó, giám khảo Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Saigon Books; Phó chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP.HCM, thì đặt nghi vấn về khả năng bán hàng thực tế của dự án. Ông cho rằng, dự án cần làm rõ được những đặc điểm ưu việt của sản phẩm băng gạc hydrogel, cũng như thuyết phục làm sao để các nhà thuốc, khách hàng chịu mua sản phẩm của dự án, bởi vì định giá sản phẩm của dự án đang có vẻ thiếu tính cạnh tranh với sản phẩm trên thị trường.
Giám khảo Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA, cho rằng, dự án cần phải nghiên cứu thị trường kỹ hơn về thị trường nguyên liệu, bởi vì lục bình hiện không có dư. “Hiện nay, toàn bộ thị trường lục bình đã được sử dụng hết, các bạn cần nhìn khái quát hơn” – bà Vũ Kim Hạnh góp ý.
Tuy nhiên, một tín hiệu mừng cho dự án khi giám khảo Nguyễn Lâm Viên, đề nghị các bạn dự án liên hệ lại với ông, để thử cùng tính toán xem nếu có thể có được 350 triệu đồng để trang bị máy kéo sợi, máy dệt như tính toán thì liệu trong vòng 5 năm dự án có thể sản xuất được ra sản phẩm, bán ra thị trường và đạt điểm hòa vốn hay không?
Dự án thứ ba trong buổi sáng 9/11 là một dự án đến từ một tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh Bắc Kạn. Đó là dự án Nâng cao giá trị quả mận kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Pác Nặm, Bắc Kạn của nhóm thí sinh Cà Thị Bẩy.
Cà Thị Bẩy cho biết, từ trái mận là sản phẩm bản địa địa phương, dự án đã làm ra các sản phẩm như: ô mai mận sấy dẻo đèo yêu, siro mận tam hoa, rượu nấu từ quả mận… “Với ô mai mận để trong chai thủy tinh thì có thể để được 1 năm. Ô mai thì lấy mận xanh, siro mận thì lấy mận chín, nếu mận chín quá thì làm rượu. Hiện các sản phẩm từ dự án đã có rất nhiều khách hàng đến từ Thái Nguyên, Hà Nội. Hiện dự án cùng đang làm hồ sơ OCOP cho các sản phẩm”.
Ngoài các sản phẩm từ mận, thì dự án cũng đang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái trải nghiệm vườn mận. “Tháng 11-12 thì khách có thể chụp ảnh tại vườn mận, sau đó khách về nhà ăn các món dân tộc, nghe hát then, múa bát… Như thế, dự án có thể tạo thêm việc làmm tăng thu nhập của người dân địa phương, cũng như góp phần gìn giữ các nghề thủ công bản địa như dệt và các giá trị văn hóa địa phương” – Cà Thị Bẩy nói.
Giám khảo Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), cho rằng, tính toán tài chính của dự án đang có vấn đề. “Có lẽ dự án chưa có được người tư vấn tài chính tốt. Biên độ lợi nhuận của rượu trên 50% thì được, còn các sản phẩm chỉ 20% là giá bán quá thấp. Giá bán sản phẩm của dự án hiện đang được định giá rẻ quá. Khi các bạn muốn đưa vào các kênh siêu thị thì biên lợi nhuận phải từ 50% trở lên” – ông Nguyễn Tiến Trung nói.
Giám khảo Phan Bửu Toàn – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, lại cho rằng mảng du lịch của dự án đang hơi mỏng, cần phải gia cố thêm để có thể thành sản phẩm đúng với tên du lịch cộng đồng, để cộng đồng hưởng lợi thêm. “Nếu kết hợp được với du lịch cộng đồng thì du khách sẽ đến tận nơi, sản phẩm sẽ được mang đi xa hơn, các sản phẩm thủ công bản địa và các giá trị văn hóa bản địa như vậy cũng được phát huy tốt hơn” – ông Phan Bửu Toàn nói.
Cuộc thi năm nay do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA phối hợp cùng Công ty CP Vinamit, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 967.000.000 VNĐ, trong đó 222.000.000 VNĐ tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả 2 bảng A – B.
Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 với sự tham gia của các đơn vị đồng hành của: Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling – DTR); Công ty TNHH Dịch vụ Ứng dụng Hỗ trợ Doanh nghiệp (HVNCLC-CHN); Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu; Công ty TNHH SX – TM – DV Qui Phúc; Công ty TNHH Minh Long 1; Công ty TNHH Tân Nhiên; Công ty TNHH SX – TM – DV Bao bì Tăng Phú; Công ty TNHH KV Images; BSA Media.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này