
10:04 - 22/08/2018
Ào ạt nhập thịt ngoại, ngành chăn nuôi làm sao sống nổi?
Các chủ trại gà công nghiệp lại chịu lỗ 4.000 – 8.000 đồng mỗi con gà xuất chuồng có trọng lượng trung bình 2kg.

Giá cả thịt ngoại đang quá rẻ là nguyên nhân chính khiến các chủ trại gà công nghiệp ở Việt Nam phải chịu lỗ.
Ít ai ngờ, thịt gà nội địa lại quay đầu giảm giá nhanh như vậy (mới tháng trước còn lời); giá trứng cũng đang giảm nhanh và sắp tới dự báo là thịt heo. Điều gì đang xảy ra với ngành chăn nuôi?
Gánh lỗ vì thịt ngoại
Nhiều tháng nay, ông Nguyễn Hữu Đức, một đầu mối chuyên cung cấp thực phẩm vào hệ thống nhà hàng, quán cà phê khu vực quận 5, bất ngờ khi thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ, Brazil, đặc biệt là Hàn Quốc có giá khá rẻ. Theo ông Đức, thịt gà nhập không chỉ có giá rẻ mà hàng hoá, chủng loại dồi dào, nhiều công ty, đầu mối phân phối đang chào giá cạnh tranh, thậm chí còn cho mua nợ để giành khách.
“Trước đây khu vực chợ Bình Điền có bốn năm đầu mối phân phối thịt gà nhập, thì vài tháng nay nhiều công ty mở thêm cửa hàng ở đây.Giá đùi gà góc tư mua sỉ nhập từ Mỹ khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg, còn hàng Ấn, Úc dao động 28.000 – 32.000 đồng. Gà dai nguyên con của Hàn Quốc khoảng 25.000 đồng/kg… Tất cả đều rẻ hơn 2/3 so với hàng sản xuất trong nước!”, ông Đức bảo vậy.
Giá cả thịt ngoại đang quá rẻ là nguyên nhân chính khiến các chủ trại gà công nghiệp ở Việt Nam phải chịu lỗ. Ông Nguyễn Hữu Đức nói mỗi ngày cung cấp 50kg thịt gà ngoại cho quán ăn, số này chưa thấm vào đâu so với nhiều người quen mà ông biết đang bỏ 300 – 500kg vào bếp ăn công nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Tân Bình và Linh Trung (Thủ Đức). Còn tại hệ thống siêu thị, như Big C, người dùng có thể tha hồ lựa chọn sản phẩm đùi tỏi (quảng cáo nhập từ Mỹ), đổ đống trong tủ mát với giá chỉ 32.500 đồng, bằng 1/3 so với gà nuôi nội địa. Theo một đầu mối nhập khẩu, thịt gà ngoại (loại cánh và đùi) còn được bán nhiều vào hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh chế biến món gà rán, gà nướng, gà tẩm bột, xiên que.
“Nhiều cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn theo tôi được biết họ chỉ lấy một ít gà nội địa cho đủ thủ tục giấy tờ, còn lại vẫn đang lấy gà nhập là chủ yếu. Công ty tui bán cho ba hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh, mỗi tháng họ lấy gần một container 20 tấn!”, nguồn tin trên thừa nhận.
Tổng cục Hải quan cũng vừa công bố bảy tháng đầu 2018 Việt Nam nhập hơn 105.000 tấn thịt gà các loại, bằng 85% sản lượng của cả năm ngoái và điều chú ý là giá nhập khẩu chỉ có trung bình… 22.000 đồng/kg, ngang giá thành nuôi nội địa. Ngoài thịt gà, chúng ta còn chi thêm 28 triệu USD nhập thịt heo và giá giá trung bình cũng chưa tới 27.000 đồng mỗi ký, thấp hơn cả giá thành chăn nuôi heo hơi nội địa (từ 29.000 – 31.000 đồng/kg).
Hơi thở cạnh tranh
Cách nay ba năm, hiệp hội Chăn nuôi gia cầm các tỉnh miền Đông Nam bộ từng gửi văn bản kiến nghị bộ Công thương điều tra, áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thịt gà nhập khẩu, vì cho rằng nó được bán rẻ mạt vào Việt Nam, do doanh nghiệp khai giá thấp để trốn thuế. Tuy nhiên, có thể bỏ qua yếu tố gian lận thuế, ví như doanh nghiệp khai đùi gà góc tư có 0,63 USD/kg, sau kiểm tra hải quan phát hiện giá chính xác là 1,22 USD, thì rõ ràng dù cho có khai thấp hơn 30% đi nữa thịt gà ngoại vẫn quá rẻ so với gà nội. Nếu là 1,22 USD/kg (hàng Mỹ), cộng thêm thuế nhập khẩu 20% và các chi phí khác, hàng về tới cảng cũng chưa tới 40.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các công ty như C.P, San Hà, Bình Minh… đang bán trên thị trường.
Cuối tuần trước, bà Marieke Van Der Pijl, đại diện EuroCham tại Việt Nam, trong hội thảo Vượt qua hàng rào kỹ thuật ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu vào châu Âu, do hội DN.HVNCLC, công ty Bureau Veritas tổ chức, cũng cảnh báo ngành chăn nuôi Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh ghê gớm khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU có hiệu lực.
Khi đó, theo bà Marieke Van Der Pijl, thịt heo, thịt gà, thịt bò của Việt Nam phải đối mặt với thịt ngoại giá rẻ, khi các dòng thuế giảm về 0% trong vòng 8 – 10%. Còn hiện nay, theo tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn đang áp thuế 20 – 25% thịt nhập, nhưng phần lớn thịt heo nhập trong bảy tháng đầu 2018 vẫn có nguồn gốc từ Ba Lan, Tây Ban Nha; còn thịt gà chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ.
bài, ảnh Bảo Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này