22:41 - 14/01/2020
8/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập sâu
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, tình hình hạn mặn tại ĐBSCL năm nay sẽ cao hơn so với năm 2015-2016, sẽ có 10/13 tỉnh của ĐBSCL bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.
Trong đó, 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Hiện tại, ĐBSCL đã có 8/13 tỉnh, thành bị nước mặn xâm nhập, ranh mặn 4‰ tiếp tục ăn sâu vào đất liền từ 40-67km (cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm). Tại Bến Tre, nước mặn hầu như đã phủ khắp toàn tỉnh, trừ các vùng ngọt hóa.
Tại Vĩnh Long, số liệu đo mặn của Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Vĩnh Long tại cống Nàng Âm là 10‰ (đây cũng là độ mặn cao nhất ghi nhận tại trạm này trong đợt xâm nhập mặn lịch sử mùa khô 2015 – 2016). Dự báo trong vài ngày tới, độ mặn còn có thể vượt qua ngưỡng này.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã đẩy nhanh xây dựng 19 công trình trọng điểm chống mặn xâm nhập. Hiện nay đã có 2/3 công trình đã vượt tiến độ và đưa vào phục vụ cho mùa hạn mặn 2019-2020. Trong đó có 16 công trình hoàn thành sớm tiến độ từ 8-14 tháng. Các công trình này hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 50.000-60.000ha, vùng ảnh hưởng gần 30.000ha đã được điều hòa mặn, ngọt.
Hiện nay, các nhà vườn tại Bến Tre, nhất là ở các huyện trồng nhiều cây ăn trái như Chợ Lách, Châu Thành, TP Bến Tre đã có nhiều giải pháp trữ nước ngọt rất hiệu quả, như mua túi dự trữ nước ngọt, sử dụng bạt lót trong mương trữ nước, xây bồn xi măng…
Tại tỉnh Tiền Giang, ngành nông nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp để tích trữ nước ngọt như điều tiết nước giữa các kênh, chủ động bơm nước ngọt vào trong các kênh, đậy nắp cống, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống. Tại cống Xuân Hòa (Chợ Gạo), cống chính của vùng dự án ngọt hóa Gò Công, Ban Quản lý và đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đã đầu tư thêm trạm bơm với công suất 18.000m³/giờ.
Vì vậy, khi có xâm nhập mặn sẽ cho đóng cửa cống lại. Song song đó, khi thủy triều xuống, mặn giảm sẽ bơm nước ngọt vào kênh để bảo vệ sản xuất cho trên 138.000ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái và trên 536.000 người dân các huyện ven biển.
Theo Hàm Luông – Kiến Văn/SGGP
https://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/813-tinh-thanh-o-dbscl-bi-man-xam-nhap-sau-76043.html
Có thể bạn quan tâm
Luang Prabang và câu chuyện ‘lấy đá tự ghè chân’
Trồng thanh long vàng thuận tự nhiên
8 ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 1 tỷ USD
ĐBSCL: Giá lúa tăng nhẹ sau quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại
Nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, nhưng sao nông dân vẫn khó khăn?
Tags:ĐBSCLxâm nhập mặn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này