14:45 - 02/12/2024
Xu hướng Tết 2025: Bán sản phẩm theo ‘cảm xúc người dùng’
“Mùa Tết cảm xúc của khách hàng là về quê, kết nối thăm hỏi gia đình, hay dành thời gian tái tạo năng lượng cho bản thân, vì thế doanh nghiệp cần đưa vào trong sản phẩm của mình những yếu tố có thể trả lời được cho nhu cầu cảm xúc đó, nó sẽ thu hút và thuyết phục được người tiêu dùng dịp Tết này”.
Đó là những chia sẻ của bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc khối kinh doanh Kantar Worldpanel Vietnam chia sẻ tại hội thảo: “Xu hướng mua sắm Tết 2025: Làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức sáng 2/12.
Bức tranh kinh tế trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về mặt tăng trưởng khi mà nhu cầu của người tiêu dùng có những sự thay đổi.
Trong đó đầu tiên là sự lựa chọn kênh mua sắm, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng rất lớn của kênh thương mại điện tử, hay sự tăng trưởng của các chuỗi siêu thị dành riêng cho mẹ và bé, chuỗi siêu thị mini, chuyên kinh doanh chuyên doanh… do vậy người tiêu dùng mua sắm ở nhiều nơi hơn, đưa ra cho doanh nghiệp sự khó khăn hơn trong việc lựa chọn kênh phân phối phù hợp, có tính tương tác với người tiêu dùng.
Thứ hai là ngày càng có nhiều hơn những thương hiệu, sản phẩm có mặt trên thị trường, thu hút người tiêu dùng. Sự tăng trưởng về số lượng sản phẩm có mặt trên thị trường đến từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, hoặc doanh nghiệp mới thành lập, hay các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam qua con đường chính thống và tiểu ngạch. Đây là yếu tố làm cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, và khi họ có nhiều sự lựa chọn thì chắc chắn rằng người ta có thể thay đổi thương hiệu mà họ đang sử dụng sang một thương hiệu khác, mà có thể là bao bì đẹp hơn, giá tốt hơn…
Đây là hai khó khăn mà doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay sẽ gặp áp lực trong cạnh tranh, điều này diễn ra trong 2-3 năm vừa qua.
Tuy nhiên gần đây thì còn có thêm nhiều sự thay đổi khác nữa, bà Nga nói.
Đó là, các doanh nghiệp đã bắt đầu nói về những yếu tố liên quan đến cảm xúc, chứ không đơn thuần là yếu tố liên quan đến chức năng sản phẩm nữa. Yếu tố cảm xúc bao gồm trong nhiều lĩnh vực, nó sẽ có xu hướng về tiêu dùng bền vững, nơi doanh nghiệp có thể thu hút được người dùng thích sản phẩm bằng các chương trình truyền thông, về xanh, bền vững, gần gũi.
Yếu tố thứ hai là sản phẩm liên quan đến lĩnh vực tốt cho sức khỏe tinh thần. Hiện nay, những dòng sản phẩm trong lĩnh vực này ở Việt Nam chưa nhiều, nhưng đang phổ biến trên các nước phát triển.
Yếu tố thứ ba là các sản phẩm liên quan đến tình cảm và tính kết nối, là những sản phẩm giúp cho người mua kết nối với gia đình, con cái, cộng đồng, bạn bè sẽ có sự ưu ái hơn khi dùng sản phẩm…
Đó là những xu thế trong thời gian tới doanh nghiệp phải quan tâm để tạo ra sự khác biệt.
Do đó các doanh nghiệp phải chuyển đổi kinh doanh, sản xuất để xanh, sạch hơn. Và nếu không có một chương trình truyền thông phù hợp thì rất khó thành công. Phù hợp ở đây là phải nói đúng, nói hay, nói gần gũi để người tiêu dùng hiểu được, không nên nói nhiều về những quy định, đặc tính trong sản xuất…
Bên cạnh đó, cần tùy thuộc vào bộ phận khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới là ai để hiểu về nhu cầu cảm xúc của họ, từ đó lên được những sản phẩm phù hợp.
Bà Nga dẫn chứng, chẳng hạn như mùa Tết nhu cầu cảm xúc của khách hàng là về quê, kết nối thăm hỏi gia đình, hay dành thời gian tái tạo năng lượng cho bản thân… vì thế ngoài sản phẩm tốt cho sức khỏe, bao bì đẹp, mùi vị thơm ngon… thì thiết nghĩ doanh nghiệp cần đưa vào trong sản phẩm của mình những yếu tố có thể trả lời được cho nhu cầu cảm xúc đó, nó sẽ thu hút và thuyết phục được người tiêu dùng dịp Tết này.
Sự gia tăng kênh mua sắm online ở thành thị và nông thôn
Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 có 31% số hộ gia đình ở nông thôn mua online các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tính trung bình với khoảng 6 triệu hộ gia đình mua, và xu hướng này sẽ ngày một nhiều hơn. Và việc mua online đã dẫn đến việc người tiêu dùng chọn nhãn hiệu khác đi so với trước đây, bà Nga nhận định.
Có thể nói, thị trường Tết năm 2024 ảm đảm, nhất là các ngành bánh kẹo, thức uống có cồn, quà tặng giảm… người tiêu dùng họ thích tặng đồ nhỏ hơn, rẻ hơn, có liên quan đến thực phẩm nhiều hơn.
Hiện nay, các tổ chức đưa ra nhận định Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% tăng trưởng GDP. Trong đó, thu nhập bình quân 9 triệu/người/thành thị, nông thôn là 6 triệu/người. Đây là mức thu nhập có tăng, dù kinh tế khởi sắc, thu nhập tăng nhưng sức mua dự báo sẽ không cao?
Giải thích cho điều này, bà Nga cho hay, từ năm 2019, tăng trưởng ổn định nền kinh tế phát triển. Nhưng khi Covid-19 tới thì giảm, cho đến cuối năm 2022 khi bình thường mới trở lại có thay đổi hơn. Nhưng từ đó đến nay, nền kinh tế không phục hồi như mong đợi, chiến tranh, giá cả tăng cao, thiên tai…. Và đặc biệt là tình trạng sa thải hàng loạt nhân viên diễn ra ở nhiều công ty. Ban đầu xu hướng này ở nước ngoài nhưng giờ đây sa thải đang diễn ra ở Việt Nam khá nhiều, thậm chí tạo thành những xu hướng được Hashtag trên nền tảng mạng xã hội.
“Quý IV/2023 xu hướng sa thải này đến Việt Nam, chính vì thế ảnh hưởng đến mua sắm Tết. Người ta hỏi nhau thông tin Tết có thưởng không, Tết có đủ tiền về quê không…”, bà Nga nói.
Bà Nga phân tích thêm, thông thường 2 tháng Tết sức mua sắm nhiều hơn. Năm 2024 khu vực thành thị, Tết đóng góp 19% doanh thu một năm. Nông thôn thì 21%… cả hai khu vực đều giảm. Mua sắm giảm vì người tiêu dùng muốn dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, muốn chi tiêu đơn giản hơn, không muốn tụ họp… sự thay đổi không chỉ ngắn hạn năm 2025 mà còn lâu nữa.
Xu hướng quà tặng dự báo sẽ giảm năm 2025. Và có nhiều xu hướng quà Tết, từ các giỏ quà đa dạng từ nhà bán lẻ, nhà sản xuất, từ 200-300 ngàn đồng, nhiều công ty livestream bán hàng, hay xu hướng tự lựa quà tặng tại siêu thị. Sản phẩm phải thiết thực, tốt cho sức khỏe, tiêu dùng.
Trước kia, các công ty nhỏ mới ra đời rất khó để chen chân vào các kênh phân phối, nhưng nay đã khác, nhất là ở nông thôn. Thị trường giờ đây phân nhỏ ra rất nhiều, do đó doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội hiện diện hơn.
Sự cạnh tranh khốc liệt này buộc các thương hiệu phải tung ra nhiều nhãn hiệu mới, như Vinamilk, Thiên Long, với các thương hiệu nhỏ mới ra đời. Nhất là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm… có sự vươn lên của thương hiệu nội địa.
Nhưng các thương hiệu Trung Quốc cũng tham gia trong ngành này nhiều, họ có sự thâm nhập sâu sắc, có cửa hàng, người đại diện, có các cửa hàng website lớn… cả thương hiệu Thái Lan cũng hiện diện trong đó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cạnh tranh với nhãn hàng riêng từ các siêu thị, nhãn hàng riêng tăng 7% năm 2023 và tăng 17% năm 2024.
Theo Trần Quỳnh/BSA Media
Ngày đăng: 2/12/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này