11:47 - 28/10/2024
Vì sao hàng nội địa thua trên sân nhà?
Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các chợ, siêu thị và các kênh phân phối trực tuyến đều tràn ngập hàng hóa đến từ quốc gia này. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hàng giá rẻ, hàng Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, kích thước và nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với hàng nội địa.
Đáng chú ý, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới càng làm tình hình thêm trầm trọng. Với sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Temu, Taobao, 1688 và Shein, hàng Trung Quốc đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM (RUPA) cho biết, các doanh nghiệp giầy dép than rằng một đôi dép sản xuất trong nước có giá 300.000 – 400.000 đồng thì hàng nhập từ Trung Quốc bán rẻ hơn 20-30% qua các kênh TMĐT.
“Sự tiện lợi của việc giao hàng tận nơi và giá thành thấp hơn mà các nền tảng TMĐT Trung Quốc cung cấp đã khiến các nhà sản xuất Việt Nam khó theo kịp”, ông Quốc Anh lo lắng, và nói thêm: “Ngành giày dép cao su, nhựa của Việt Nam chịu tác động trước làn sóng hàng Trung Quốc trên kênh TMĐT”.
Không dừng lại giày dép, quần áo hay đồ nhựa gia dụng, trước sự tăng trưởng mạnh kênh TMĐT và sự đổ bộ của Temu, Taobao, 1688.com…, Chủ tịch RUPA cảnh báo rằng ngành sản xuất tiêu dùng trong nước với quy mô nhỏ và vừa sẽ bị “tiêu diệt” chứ không đơn thuần chỉ là “sàng lọc”.
“Người tiêu dùng trong nước giờ đây có thể mua hàng trực tiếp từ các nền tảng TMĐT Trung Quốc, với thời gian giao hàng chỉ vài ngày, cước phí thấp hoặc miễn phí. Cách thức mua bán mới này đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà sản xuất trong nước, những doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn với chi phí sản xuất cao”, ông Quốc Anh nói.
Đơn cử sàn Temu (Trung Quốc) dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể vào các cửa hàng trên điện thoại, tải ứng dụng này và mua hàng. Và sàn này đang hoạt động rầm rộ với các chính sách bán hàng giá siêu rẻ, khuyến mại sâu đã thu hút nhiều người Việt.
Trên thực tế các sàn Trung Quốc như Temu, Taobao… rất đa dạng mặt hàng siêu rẻ kèm chính sách miễn phí vận chuyển, khách nhận hàng không ưng được trả ngay lại tiền, khiến doanh nghiệp Việt thất thế. Ông Quốc Anh lưu ý điều bất công là những sàn như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam mà không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics mạnh mẽ do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Nguyên liệu sản xuất như cao su, hóa chất, nhựa… doanh nghiệp nhập về cảng đã phải chịu thuế VAT. Muốn hoàn thì rất khó, chậm chạp. Các sản phẩm nội địa bán trên các kênh truyền thống cũng phải chịu nhiều loại thuế. Điều này khiến họ gặp bất lợi so với hàng hóa không chịu thuế bán qua kênh TMĐT”, ông Quốc Anh nói.
Đồng quan điểm, chia sẻ trên tờ Người Đưa Tin, ông Trần Lê Quang Vũ, Giám đốc công ty Truyền thông thương mại điện tử Hoàng Vũ cũng cho rằng, sự hiện diện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về giá cả và sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, sự cạnh tranh này cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính phủ, nguy cơ nhiều doanh nghiệp nội địa sẽ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh về giá và quy mô sản xuất.
Đồng thời, các biện pháp quản lý dữ liệu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được tăng cường. Việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân trên các nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an ninh thông tin và quyền riêng tư của người dùng tại Việt Nam.
Theo ông Vũ, sự bùng nổ của hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Taobao và 1688, đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cuộc đua về giá cả và chất lượng sản phẩm không chỉ diễn ra trên mặt trận nội địa mà còn mở rộng ra toàn cầu.
“Để bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, cần có các chính sách quản lý và hỗ trợ phù hợp từ phía chính phủ. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu”, ông Vũ chia sẻ.
Theo Khôi Nguyên/DĐDN
Ngày đăng: 28/10/2024
Có thể bạn quan tâm
Khai mạc trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon 2017
Săn sale 11/11, coi chừng mua nhầm ‘cục tức’
Nông sản ngoại ‘lấn sân’
Kế hoạch hội nhập kỹ thuật số của ASEAN 2019
Lotteria Việt Nam bị phạt 146 triệu đồng vì gây ngộ độc thực phẩm
Tags:hàng nội địa
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này