10:57 - 24/10/2024
Thị trường Tết hút doanh nghiệp xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tham gia thị trường Tết bởi đây là thời điểm người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho các món hàng giá cao.
Ngày 23/10, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vinaxo (Tiền Giang), chuyên về trái cây sấy, cho biết năm nay sẽ tham gia thị trường mùa Tết trong nước, thay vì chỉ tập trung xuất khẩu như trước.
Tăng tốc “chào sân” khách nội
Theo ông Cường, năm nay doanh nghiệp (DN) nhận được một hợp đồng lớn chuyên sản phẩm quà Tết để bán cho cộng đồng người Việt và Trung Quốc ở nước ngoài, cộng thêm mảng xuất khẩu của DN đã hoạt động ổn định nên ông nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để phát triển thương hiệu trên “sân nhà”. Công ty sẽ đưa ra thị trường nhiều loại trái cây sấy, trong đó có dòng trái cây sấy mộc mà người tiêu dùng quốc tế đang rất ưa chuộng với giá vừa phải để chào sân khách hàng nội địa. “Dòng sản phẩm này chỉ bán tốt vào mùa Tết và phân khúc quà biếu, khách du lịch. Chúng tôi sẽ đẩy hàng hóa lên kênh thương mại điện tử, bán trực tiếp đến người tiêu dùng để tối ưu hóa về sản xuất cũng như dòng tiền” – ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, trái cây sấy còn được xếp vào nhóm đồ ăn vặt nên ít có sự tham gia của các DN lớn, DN có thương hiệu mà tập trung vào sản phẩm “nhà làm” với giá rẻ kèm nhiều rủi ro về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (thương hiệu tương ớt lên men Chilica, TP HCM), thông tin thị trường nội địa mới chiếm 1% doanh số công ty, 99% còn lại đến từ xuất khẩu. Do vậy, Tết này ông sẽ đẩy mạnh thị trường nội địa, với mong muốn đưa hàng chất lượng cao phục vụ người Việt. “Nhiều người gặp tôi hay nói nửa đùa nửa thật, hàng tốt mấy ông gom đi xuất khẩu hết. Tôi dân trong nghề nghe cũng nhột. Hơn nữa, khi đã thành công ở nước ngoài, doanh nhân Việt nào cũng muốn vinh quy bái tổ, có thương hiệu mạnh ở Việt Nam” – ông Hiền bộc bạch.
Ông Hiền thừa nhận trước giờ tương ớt Chilica chưa làm tốt ở thị trường trong nước nên năm nay muốn tận dụng mùa cao điểm Tết để tăng thị phần. “Trước giờ, tư duy của DN là bán hàng thì phải có lời ngay nên chưa có chính sách hỗ trợ nhà phân phối phát triển thị trường. Còn hiện tại, chúng tôi sẵn sàng bán hàng trong nước không lợi nhuận để có thị phần. Đây cũng là cách đầu tư cho thương hiệu còn lợi nhuận đã có mảng xuất khẩu gánh” – ông Hiền bày tỏ.
Cũng theo ông Hiền, khi Chilica ra mắt sản phẩm vào tháng 6/2020, giá bán tương ớt lên men cao gấp 4 lần so với tương ớt dùng công nghệ nấu phổ biến trên thị trường. Sau hơn 4 năm, giá tương ớt trên thị trường tăng nhiều trong khi sản phẩm Chilica vẫn giữ nguyên nên dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn trước.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) chuyên sản phẩm nha đam, thạch dừa là hàng giải nhiệt, có mức tiêu thụ thấp điểm vào mùa Tết nhưng năm nay DN có kế hoạch tăng trưởng mùa Tết gấp hai.
Để thực hiện mục tiêu này, công ty phát triển thêm các sản phẩm phù hợp mùa tiêu dùng cuối năm như thạch Jelly ZenZen có thành phần nha đam và thạch dừa đường đen, các sản phẩm được dùng nhiều trong dịp gặp gỡ, tiệc tùng, đặc biệt là cho giới trẻ và trẻ em. DN cũng phát triển bao bì để sản phẩm làm quà tặng Tết. “Mới đây, DN tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử và livestream để tăng cường nhận diện thương hiệu, cũng như tiếp cận khách hàng mới” – ông Thứ chia sẻ.
Những rào cản
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, người sáng lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap Asia), cho biết đã sẵn sàng cho mùa Tết Ất Tỵ 2025. Công ty đã tuyển chọn rất nhiều “tinh hoa nông sản Việt” như: trái cây cuộn, xoài sấy lắc, hạt điều vỏ lụa… từ nhiều nhà sản xuất, có cả DN chuyên làm hàng xuất khẩu. “Ưu điểm của các DN xuất khẩu là họ rất chuyên nghiệp nên yên tâm về chất lượng, mẫu mã cũng như đáp ứng về số lượng lớn. Tuy nhiên, cũng rất nhiều đơn vị không mặn mà với thị trường nội địa” – ông Tùng nhận xét.
Một trong những lý do là DN xuất khẩu thường sản xuất những đơn hàng lớn nên không quen với các đơn hàng nhỏ cho thị trường trong nước. Điển hình là các DN thủy sản, rất mạnh về xuất khẩu nhưng FoodMap Asia lại chưa kết nối được DN nào để làm hàng mùa Tết. Do đó, trong các món “khô” mùa Tết năm nay của FoodMap Asia chỉ có bò, heo, gà mà không có thủy hải sản.
Ngoài ra, giá hàng xuất khẩu thường cao nên khi bán ở nội địa giá cũng là một rào cản khi gia nhập thị trường.
Để giải quyết vấn đề về giá, ông Tùng cho hay đã làm việc với các nhà sản xuất từ 2 tháng trước, đặt hàng với số lượng lớn để DN lên kế hoạch sản xuất, tối ưu chi phí. “Hiện tại, chúng tôi đã bắt đầu sản xuất hàng Tết với những mặt hàng có hạn sử dụng dài, đặt vỏ hộp quà Tết” – ông Tùng thông tin.
Bà Ngô Bích Quyên, Giám đốc Điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (sở hữu chuỗi cửa hàng Organicfood), cũng thấy rõ năm nay có nhiều DN chuyên xuất khẩu tham gia thị trường Tết trong nước hơn nhưng cũng có DN ngưng do đánh giá thị trường có nhu cầu thấp. “Các DN chủ yếu ở nhóm ngành hàng hạt như: hạt điều, hạt mắc ca, đậu phộng,… và nhóm hàng gia vị. Hầu hết các DN xuất khẩu gia vị hàng đầu Việt Nam đều tham gia thị trường Tết và chọn phân khúc quà tặng” – bà Quyên đúc kết.
Cũng theo bà Quyên, những nhà cung cấp này có đặc điểm chung là sản phẩm tiêu chuẩn cao, chất lượng tốt và giá khá tốt do dồi dào nguyên liệu và sản xuất từ gốc. Dù vậy, những DN này đầu tư không nhiều và ít kinh nghiệm phục vụ thị trường nội địa nên mẫu mã bao bì đơn giản, không bắt mắt bằng các DN chuyên phân khúc quà tặng trong nước nên khá kén khách hàng.
Theo Ngọc Ánh/Người Lao Động
Ngày đăng: 24/10/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này