
09:40 - 14/04/2025
Kinh khiếp hàng giả!
Trong lúc dư luận chưa hết phẫn nộ sau sự việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục cùng một số đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam vì có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, nhiều người lại bàng hoàng khi Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả.
Quảng bá rầm rộ, thổi phồng
Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (đều ở Hà Đông, TP Hà Nội).
Trong số này, Hoàng Mạnh Hà (nguyên Giám đốc Rance Pharma) và Vũ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Hacofood) được xác định là chủ mưu. Cả hai cùng góp vốn, điều hành chuỗi doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sữa bột, đồng thời lập thêm nhiều công ty vệ tinh để hợp thức hóa việc công bố nhãn hàng và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, các công ty trên đã sản xuất và đưa ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột khác nhau, nhắm vào đối tượng người bệnh tiểu đường, suy thận, phụ nữ mang thai, trẻ sinh non… Những sản phẩm này được quảng cáo chứa “các thành phần cao cấp” như tổ yến, đông trùng hạ thảo, hạt óc chó, mắc ca. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm không chứa các chất đã công bố, hàm lượng dinh dưỡng không đạt 70% – đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Trong quá trình khám xét 19 địa điểm liên quan, công an đã thu giữ 26.740 hộp sữa bột thuộc 84 dòng sản phẩm khác nhau cùng nhiều tài liệu phục vụ điều tra. Ngoài ra, đường dây này đã để ngoài sổ sách doanh thu thực tế, trốn thuế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 28 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ngoài Rance Pharma và Hacofood, Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường còn góp cổ phần lập thêm 9 công ty để đứng tên hồ sơ, công bố sản phẩm và phân phối hàng hóa được sản xuất tại nhà máy của hai công ty này, gồm: Công ty CP Dược quốc tế Group, Công ty CP Dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty CP Dược quốc tế Long Khang Group, Công ty CP Dinh dưỡng y học BFF, Công ty CP Dược quốc tế Safaco Group, Công ty CP Dược quốc tế Darifa Group, Công ty CP Dược quốc tế Win CT, Công ty CP Dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang, Công ty CP Dược Á Châu.
Các sản phẩm được quảng cáo là “phân phối khắp cả nước”, từ cửa hàng bỉm sữa đến siêu thị, cơ sở y tế. Các sản phẩm này được quảng bá rầm rộ với “thành phần cao cấp” như sữa non, DHA, vitamin, khoáng chất, colostrum…
Hiện tại, website và fanpage của các công ty trên đều không thể truy cập. Trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhiều sản phẩm của các công ty liên quan vụ việc được xóa khỏi gian hàng. Hình ảnh người nổi tiếng từng quảng cáo nhãn sữa của Hacofood cũng đã được gỡ bỏ.
Tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý – cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood; điều hành nhà máy sản xuất – khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột “không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế”. Trong khi đó, Đặng Trung Kiên – cổ đông góp vốn, phó giám đốc Rance Pharma, Hacofood – khai nhận “khi triển khai đăng ký hồ sơ, bên chi cục cũng có hướng dẫn việc kiểm nghiệm”, song chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh. Thực tế, việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không.
Tràn lan yến giả, kém chất lượng
Cùng với sữa, yến sào là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất và đang tận dụng các kênh online như: Facebook, TikTok, Zalo và cả các sàn TMĐT để tiếp cận người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, chỉ ra một thực tế là hiện nay, “người người, nhà nhà làm yến”, thương mại hóa nhanh và thu tiền nhanh nhất có thể. Nhiều sản phẩm gắn mác “nước yến”, “tổ yến nguyên chất” với mức giá rẻ bất thường, chỉ 9.000 – 15.000 đồng/lọ, song không có thành phần yến.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng nhiều cơ sở sản xuất yến cho phép đối tác gia công tùy ý đặt tên sản phẩm, công bố hàm lượng yến cao dù thực tế không hề có. Các quy trình như kiểm định nguyên liệu, xác thực thành phần hay công bố chất lượng đều bị bỏ qua, thậm chí cơ sở còn được tự thiết kế nhãn mác, tên gọi và thông tin sản phẩm theo ý muốn. Những sản phẩm này vẫn ngang nhiên được đưa ra thị trường mà không hề bị kiểm tra, xử lý.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Chi nhánh miền Bắc – Công ty Yến Sào Khánh Hòa, trong khi sản phẩm nước yến của Yến Sào Khánh Hòa có hàm lượng yến dao động 7,5% – 21% thì các sản phẩm giả, nhái ghi nhãn lên tới 70%! “Chúng tôi là người trong nghề, khi đọc hàm lượng yến trên nhãn mà giật mình bởi quá cao nhưng đây lại là chiêu lừa đảo để thu hút người tiêu dùng” – ông lo ngại.
Trên thị trường hiện nay có hàng trăm nhãn hiệu nước yến, song thực tế ruột sản phẩm có thể chỉ do một vài DN đứng ra sản xuất, gia công, sau đó bán hộp không tem mác cho các đơn vị phân phối tự dán nhãn theo thương hiệu đăng ký của mình. “Năm 2024, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở đang kinh doanh hơn 93.000 sản phẩm nước yến không tem mác, thu giữ 5 kg tem nhãn của rất nhiều thương hiệu” – ông Thắng nhớ lại.
Nguyên nhân các đối tượng không dán nhãn là để có cách giảm nhẹ hành vi vi phạm nếu bị phát hiện. “Nếu hàng bị phát hiện không tem nhãn thì chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng. Nếu hàng hóa có tem nhãn là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự, phạt tiền và tịch thu hàng” – ông Thắng giải thích.
Trước thực trạng hàng giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hải kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán trên các kênh TMĐT và mạng xã hội. Các sàn như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop… cần phối hợp chặt chẽ trong kiểm duyệt sản phẩm, nhất là ngành hàng yến. Theo ông Hải, cần định danh người bán online rõ ràng, yêu cầu xác minh thông tin pháp lý, mã số thuế và nguồn gốc sản phẩm.
Ông Hải nhấn mạnh dù yến sào là sản phẩm cao cấp, được tiêu thụ rộng rãi nhưng Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) bắt buộc cho các sản phẩm như yến tổ, nước yến và chế phẩm từ yến. Việc này tạo ra khoảng trống quản lý, khiến hàng giả, hàng nhái dễ xâm nhập thị trường.
Do đó, ông Hải đề xuất ban hành bộ tiêu chuẩn cho nhóm sản phẩm yến, bao gồm các chỉ số bắt buộc như tỉ lệ yến thật, chỉ tiêu vi sinh – hóa lý – dinh dưỡng, quy định nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản.
Không chỉ thực phẩm, các thiết bị điện tử cũng bị làm giả. Ông Phan Văn Thành, đại diện Công ty CP CATREND Việt Nam, cho biết vừa qua, nhiều đối tượng làm giả sản phẩm của DN trên thị trường, ảnh hưởng tới doanh số, thương hiệu của công ty và trải nghiệm của người dùng. “Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ đơn vị bảo hộ thương hiệu, đồng thời cùng phối hợp ngăn chặn hàng giả” – đại diện DN này bày tỏ.
Theo Nhóm PV/Người Lao Động
Ngày đăng: 14/4/2025
Có thể bạn quan tâm
Quyên góp gần 1 tỷ đồng cho 100 trại sinh Trại hè hàng Việt tý hon 2017
TP.HCM: Dồi dào hàng hóa Tết
Thêm ‘siêu thị mini 0 đồng’, thêm lan tỏa yêu thương
Giá gas được dự báo tiếp tục tăng trong tháng 4
Giật mình với con số mua sắm online
Tags:hàng giảsữa bột giả
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này