09:26 - 24/05/2024
Hướng đi mới của chợ đầu mối ở TP.HCM
TP.HCM sẽ mở thêm 1 chợ đầu mối diện tích 100 ha đồng thời nâng cao chất lượng các chợ đầu mối trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, thu hút du lịch và hướng đến xuất khẩu.
Sau 20 năm hoạt động, 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, chiếm từ 50%-70% nhu cầu về sản phẩm tươi và cung ứng khoảng 7.000-8.500 tấn thực phẩm/đêm của TP.HCM.
Mở thêm một chợ đầu mối
Khảo sát thực tế cùng với việc nghiên cứu các xu hướng phát triển, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong tương lai do Sở Công Thương TP.HCM thực hiện gần đây cho thấy khả năng phục vụ, cung ứng hàng hóa của 3 chợ đầu mối hiện hữu gồm Thủ Đức (20 ha), Hóc Môn (10 ha) và Bình Điền (giai đoạn 1 – 15 ha) gần như đã bão hòa, không có khả năng mở rộng.
Do đó, để bảo đảm duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng hàng hóa TP.HCM, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của chợ đầu mối như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất nghiên cứu, phát triển chợ đầu mối trên địa bàn.
Tại văn bản này, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết đã phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai các nội dung liên quan đến dự án đầu tư khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 tại đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu phố 6, phường 7, quận 8, TP.HCM.
Song song đó, Sở Công Thương đề xuất phát triển thêm 1 chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương. Địa điểm để xây dựng ngôi chợ đầu mối thứ 4 đã được xác định tại khu đất khoảng 100 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Chợ đầu mối mới sẽ tổng hợp các chức năng của trung tâm giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm logistics; cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện giao dịch mua – bán hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác; thực hiện khâu phân phối trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; cung cấp thông tin thị trường; kết nối hình thành điểm đến tham quan, mua sắm phục vụ người dân, khách du lịch… hướng đến xuất khẩu và là một trong các điểm đến du lịch, thu hút du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Theo đề xuất của Sở Công Thương, chợ đầu mối mới sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối. Do đó, chợ đầu mối sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; các giao dịch mua bán được thực hiện công khai, minh bạch, được quản lý và vận hành theo một quy trình mua bán thống nhất.
Từ đề xuất này, UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, ghi nhận nhu cầu phát triển chợ đầu mối thứ 4 tại Hóc Môn; phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu, tích hợp vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình chợ đầu mối tại TP.HCM đang khá lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội. Một trong những định hướng quan trọng để phát triển chợ đầu mối trong giai đoạn hiện tại là chợ phải đáp ứng được các điều kiện như hệ thống kho, nơi chế biến, khu vực bán lẻ, khu vực hậu cần… kết nối các vùng sản xuất; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu. Để thực hiện được điều này, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc. Chợ đầu mối buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành, đặc biệt là chuyển đổi số trong mô hình hoạt động.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Thanh Hòa, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội để thương nhân và doanh nghiệp ở chợ đầu mối vượt qua áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay, các chợ đầu mối đang chuyển đổi số nhưng mới ở mức thấp và trung bình. Các chợ đang hiện đại hóa quản trị nội bộ, thông tin chung về chợ công khai trên website, thực hiện chuyển đổi số quản trị quan hệ khách hàng.
Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm 1 chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương, Sở Công Thương đề nghị các chợ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh hiện nay của 3 chợ đầu mối.
Nhìn nhận chợ đầu mối là một trung tâm logistics, TS Nguyễn Thị Bích Trâm, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, góp ý về xây dựng các trung tâm phân phối hay kho lưu trữ vệ tinh, xây dựng và phát triển kho lạnh, hệ thống tủ điện sạc container lạnh tại bãi xe, quy trình khai thác hàng lạnh… tại các chợ đầu mối. Song song đó, phát triển nền tảng hệ thống công nghệ thông tin logistics, hình thành và phát triển các hệ thống đa chức năng cho các bên liên quan trong những hoạt động logistics khác nhau.
Theo Thanh Nhân/Người Lao Động
Ngày đăng: 24/5/2024
Có thể bạn quan tâm
Nhiều quốc gia bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có đường
Xử nghiêm doanh nghiệp cố tình không giảm thuế VAT xuống 8%
Amazon công bố chi tiết hỗ trợ 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
Xoay trong ‘cơn điên’ giá thịt heo
Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới
Tags:chợ đầu mốiTP.HCM
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này