
10:37 - 07/08/2020
‘Oa xịt’ Facebook, DN sẽ chi quảng cáo ở đâu?
Phong trào tẩy chay Facebook ngày càng gia tăng khi mạng xã hội này không xử lý triệt để chuyện sử dụng ngôn từ kích động và hận thù. Dòng tiền quảng cáo sẽ chảy về đâu?

Ulinever là một trong những khách hàng chi tiền quảng cáo đậm trên Facebook, vừa quyết định tẩy chay mạng xã hội này.
Các chuyên gia dự báo ba kênh chính: Gmail, nhân vật có sức ảnh hưởng công chúng và Tik Tok!
Lựa chọn an toàn
Danh sách các công ty tạm dừng hợp tác quảng cáo với Facebook đang ngày càng tăng. Hôm 19/7, Walt Disney là công ty mới nhất gia nhập đội ngũ tẩy chay: ngưng quảng cáo dịch vụ Disney+ trên Facebook và dừng chi tiền cho quảng cáo dịch vụ video trực tuyến Hulu trên Instagram.
Trước Walt Disney là hàng loạt các tên tuổi lớn: Starbucks, Unilever, Adidas, Levi Strauss & Co, Beam Suntory Inc., Hershey Co., Patagonia Inc., North Face, chi nhánh Honda tại Hoa Kỳ. Có những công ty loan báo sẽ ngừng mua qua đến hết tháng 12/2020, như: Eddie Bauer LLC và công ty thiết bị giải trí Clorox…
Nhưng “đội quân” tẩy chay Facebook phải trả lời cho câu hỏi mới phát sinh. Đó là: “Chiến dịch quảng cáo và tiếp thị của họ sẽ vận hành thế nào khi không có Facebook?”
Một công ty quảng cáo lớn nói rằng, đôi khi các lựa chọn thay thế khác lại không được chú ý. “Quảng cáo trên Facebook là sự lựa chọn an toàn. Nếu dùng khoản ngân sách tiếp theo ở một kênh khác, bạn sẽ không biết nó thật sự hiệu quả hay không”, chuyên viên của hãng quảng cáo này nói.
“Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho việc giữ gìn an toàn cho cộng đồng và liên tục làm việc với các chuyên gia để rà soát và cập nhật các chính sách của chúng tôi”, người phát ngôn của Facebook khẳng định.
Facebook đã sớm phản ứng như vậy, với cam kết dán nhãn các bài viết chính trị vi phạm các nguyên tắc cộng đồng và thực hiện các biện pháp bảo vệ người dùng. Nhưng điều đó vẫn không đủ.
Kênh tiếp thị mới?
Các công ty rời bỏ Facebook giờ đây phải tìm cho ra chiến lược marketing hiệu quả.
“Chúng tôi sát cánh với cộng đồng người da màu và hỗ trợ cho những người đang đấu tranh cho các chính sách chặt chẽ hơn để ngăn chặn phân biệt chủng tộc, bạo lực hoặc thù địch và các thông tin sai lệch lưu hành trên những nền tảng online”, hãng JanSport của VF Corp thông báo. Đồng thời, thương hiệu ba lô này chuyển chiến dịch quảng cáo Back-To-School trong tháng 7 qua nền tảng YouTube và Tik Tok.
YouTube thuộc sở hữu của Google và nền tảng chia sẻ video Tik Tok của Bytedance thuộc Trung Quốc, đã được JanSport sử dụng trong các chiến dịch trước đây. “Bây giờ, hai kênh này sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn”, người phát ngôn của JanSport phát biểu. Thương hiệu thời trang North Face, thuộc hãng VF Corp, nói họ có khả năng sẽ tăng chi tiêu quảng cáo với các đối tác hiện tại như là Google và Pinterest Inc. Nhưng thương hiệu này cũng thông báo sẽ khám phá thêm các cơ hội trong tiếp thị liên kết (affiliate marketing): các trang website sẽ nhận được hoa hồng khi chuyển truy cập sang trang bán hàng của North Face.
Joy Howard – giám đốc tiếp thị của Công ty quản lý mật khẩu Dashlane Inc. – nói hãng này sẽ chi nhiều tiền cho tài trợ nội dung, hiển thị quảng cáo trực tuyến và các nền tảng truyền thông xã hội như là Pinterest. Ngoài ra, họ cũng sẽ hợp tác với các công ty tiếp thị khác để có thêm khách hàng thông qua các chương trình tiếp thị chung. “Có rất nhiều hứng thú khi làm việc theo nhiều cách khác nhau. Mọi người đang rất hào hứng để tìm giải pháp thay thế”, Howard cho biết.
Trong khi đó, công ty thời trang ngoài trời Eddie Bauer sẽ chuyển một phần số tiền vào các công cụ họ từng sử dụng. Damien Huang, chủ tịch của họ, sẽ tập trung vào quảng cáo hiển thị trên Google hoặc Amazon khi người dùng tìm kiếm từ quần short. Eddie Bauer cũng lên kế hoạch cập nhật kiểm tra quảng cáo trên Gmail – công cụ họ sử dụng trước đây, cùng với kênh mới là Tik Tok và Snapchat.
Riêng thương hiệu Eileen Fisher Inc. thông báo rằng họ sẽ tăng chi tiêu cho các chiến dịch hiện tại trên là Google Display Network và trang thương mại điện tử Rakuten Inc., để thu hút các khách hàng mới và tái liên hệ lại với các người hoặc doanh nghiệp có hiển thị quảng cáo trực tuyến. Thương hiệu này nói họ sẽ dùng chương trình RewardStyle để tìm ra người có sức ảnh hưởng đến công chúng – KOL hay influencer – để quảng bá thương hiệu và gia tăng bán hàng.
Các giám đốc điều hành của thương hiệu cũng đang khám phá và sử dụng truyền hình trực tuyến từ nay cho đến cuối năm 2020. “Tại Hoa Kỳ, mọi người vẫn bị bắt buộc phải ở nhà do dịch bệnh, nên lượt xem gia tăng”, Jamie Habanek, giám đốc tiếp thị thương hiệu, cho biết.
“Đó là sự thay đổi mà chúng tôi nói đến. Điều quan trọng hơn là chúng tôi quyết định mình phải rời bỏ Facebook và Instagram trong một thời gian dài”, Habanek nói.
Không phải ai cũng chuyển chi tiêu quảng cáo trên Facebook và Instagram sang các kênh quảng cáo và tiếp thị khác. REI, một nhà bán lẻ ngoài trời, nói rằng họ sẽ dùng số tiền đó đầu tư vào chính doanh nghiệp của họ.
Doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu làm quen với Tik Tok
“Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro thương hiệu trên Facebook”, ông Nguyễn Khoa Hồng Thành – phó giám đốc công ty truyền thông Isobar – nhận định. Ông cũng nói thêm rằng có nhiều trang, hội nhóm được tạo ra để nói xấu doanh nghiệp, thao túng thông tin và tấn công thương hiệu.
Facebook cũng thể hiện tư duy “vắt sữa” hay “bào nát” doanh nghiệp trên các fanpage. Theo thống kê của công ty dữ liệu Jellyfish, nếu không trả tiền, các nội dung doanh nghiệp đăng tải chỉ xuất hiện trên newsfeed của… 1% số người theo dõi.
Số liệu do công ty nghiên cứu thị trường ANTS cho thấy: Mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD trong năm 2018. Trong đó, Facebook chiếm 235 triệu USD và Google chỉ chiếm hơn 152 triệu USD – tức 2/3 thị trường. Khoảng 150 triệu USD còn lại là “chiến trường” của hàng trăm trang báo điện tử và quảng cáo trong nước như: VCCorp/Admicro, Vnexpress/Eclick, 24h, Zing/Adtima…
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã được Tik Tok tiếp cận qua các quảng cáo trên Facebook với các ưu đãi dùng thử lên đến 300 USD. “Với sự lo ngại về bảo mật và riêng tư cá nhân của Tik Tok, chúng tôi mong rằng doanh nghiệp và người dùng Việt Nam thận trọng”, một chuyên gia về tiếp thị công nghệ số nói với Thế Giới Hội Nhập.
Ông cũng nói thêm rằng, nền tảng giải trí bằng video clip ngắn trên Tik Tok tại Việt Nam thường được bắt chước hay sao chép nguyên xi từ các clip trên mạng Tik Tok ở Trung Quốc. “Các nhóm, các cá nhân ở Việt Nam tạo trang Tik Tok mà không hề nghĩ đến đầu tư chất xám hay sáng tạo. Có những clip có lượt xem và được viral rất kinh khủng, nhưng giống phiên bản Trung Quốc mọi thứ, trừ chuyện các bạn nói bằng tiếng Việt. Xét về góc độ chuyên môn và tính sáng tạo, người trong giới chúng tôi không đánh giá cao. Vì thế, các nhãn hàng Việt Nam nên lưu ý…”, vị chuyên gia này phát biểu.
Lê Hiếu – Song Hảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này